Bất động sản

Tín dụng bất động sản lần đầu vượt mốc 3 triệu tỷ đồng, chiếm hơn hơn 1/5 tổng dư nợ toàn nền kinh tế

Tín dụng bất động sản lần đầu vượt mốc 3 triệu tỷ đồng, chiếm hơn hơn 1/5 tổng dư nợ toàn nền kinh tế- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/5/2024, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 4,61% so với cuối năm 2023, chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng (chiếm khoảng 60% tổng dư nợ tín dụng bất động sản, tăng 1,15% so với cuối năm 2023). Còn dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng 10,29% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong tổng dư nợ.

Với dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tính đến cuối tháng 5 đạt hơn 14,034 triệu tỷ, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là khoảng 3,019 triệu tỷ đồng, tăng hơn 133.000 tỷ so với hồi đầu năm. Đây là lần đầu tiên dư nợ lĩnh vực bất động sản vượt mốc 3 triệu tỷ đồng và đồng thời là mức cao kỷ lục.

Trong đó, dư nợ tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng ở mức 1,811 triệu tỷ đồng, tăng 20.600 tỷ và dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản là hơn 1,207 triệu tỷ, tăng 112.700 tỷ đồng.

Theo giới phân tích, thị trường bất động sản bắt đầu hồi phục và mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp đã làm gia tăng nhu cầu vay vốn của các chủ đầu tư và hỗ trợ nhu cầu mua nhà.

Trong báo cáo cáo cập nhật ngành bất động sản vừa công bố, CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho biết, tỷ lệ đòn bẩy của các chủ đầu tư địa ốc sẽ duy trì ở mức cao khi các công ty này tăng cường sử dụng nợ vay để phát triển các dự án mới. Trong quý I/2024, tỷ lệ đòn bẩy của các chủ đầu tư niêm yết có xu hướng tăng, thể hiện bằng chỉ số nợ vay/EBITDA tăng lên mức 3,4 lần từ mức nhỏ hơn 2 lần trong giai đoạn trước năm 2022 do lợi nhuận ở mức yếu và dư nợ gia tăng.

"Các chủ đầu tư thường tận dụng dòng tiền trả trước từ khách hàng khi mở bán để tài trợ cho việc phát triển dự án. Tuy nhiên phần lớn các chủ đầu tư chưa thể mở bán dự án để tiếp cận nguồn vốn này, do đó sẽ phải sử dụng nợ vay mới", đơn vị cho hay.

Tín dụng bất động sản lần đầu vượt mốc 3 triệu tỷ đồng, chiếm hơn hơn 1/5 tổng dư nợ toàn nền kinh tế- Ảnh 2.

Theo VIS Rating, khả năng tiếp cận nguồn vốn mới cải thiện sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản giảm bớt khó khăn về thanh khoản do áp lực nợ đáo hạn trái phiếu lớn trong năm 2024 và 2025. Các chuyên gia phân tích kỳ vọng dư nợ ngân hàng cho vay kinh doanh bất động sản sẽ tăng 16 - 18% trong năm 2024.

Trước đó, lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng khẳng định, ngay cả khi nền kinh tế gặp khó khăn, các ngân hàng vẫn không ngại cho vay BĐS nếu các dự án có đầy đủ pháp lý. Bên cạnh đó, cho vay lĩnh vực này vẫn được đánh giá là nhiều tiềm năng khi thị trường bất động sản đang dần hồi phục.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ chuyên gia phân tích và cập nhật kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2024, Tổng Giám đốc Jens Lottner cho hay giá trị giải ngân bất động sản trong quý I/2024 của Techcombank đã về tương đương như quý I hoặc quý III/2022, trước khi thị trường gặp khó khăn.

"Đây là một kết quả rất tốt, nên ít nhất là từ góc nhìn của chúng tôi, nhu cầu bất động sản đang rất lớn....Và lý do giúp kết quả kinh doanh của Techcombank tốt là vì chúng tôi đang tài trợ cho rất nhiều dự án với pháp lý rõ ràng, sẵn sàng để bán", ông Lottner chia sẻ.

Theo Tổng Giám đốc Techcombank, có nhiều nhà đầu tư là khách hàng của ngân hàng đang bàn giao dự án hoặc trong giai đoạn pre-sale (bán nhà hình thành trong tương lai), giúp số lượng các khoản vay thế chấp đi lên.

Nói thêm về vấn đề nguồn cung, ông Lottner cho rằng cần có thêm nhiều dự án mới. Ông chỉ ra tại thị trường BĐS TP HCM, trong cả năm nay mới chỉ có một dự án nhà ở được phê duyệt. Trong khi đó, thị trường phía Bắc có vẻ tốt hơn với những dự án như Vinhomes Hải Phòng, Vinhomes Ocean Park đang được bán ...

Tuy nhiên, ông cho biết nhu cầu về BĐS vẫn đang rất mạnh mẽ. Đồng thời, khách hàng của Techcombank vẫn có thể triển khai dự án nhờ chính sách flexible pricing (đưa ra lãi suất ưu đãi để khách hàng có thể lựa chọn thanh toán phù hợp với tình hình tài chính).

"Chúng tôi cho rằng xu hướng trên sẽ được duy trì và nửa cuối năm có thể tốt hơn. Chúng tôi tin rằng một số dự án có vấn đề về pháp lý được những ngân hàng khác tài trợ cũng sẽ được giải quyết và thị trường sẽ có thêm nguồn cung", ông Lottner nhận định. "Những nhà phát triển có dự án rõ ràng, pháp lý tốt sẽ có vị trí tốt trên thị trường".

"Còn về phía cầu, niềm tin, sự sẵn sàng của nhà đầu tư và các yếu tố hỗ trợ như lãi suất thấp, xu hướng tăng giá bất động sản" sẽ tiếp tục duy trì, ông nói.

Tại đại hội đồng cổ đông năm 2024, Tổng Giám đốc VBPank Nguyễn Đức Vinh cũng nhận định "BĐS là lĩnh vực tiềm năng, mang lại lợi ích lớn cho ngân hàng".

Theo lãnh đạo VPBank, dù nợ xấu bất động sản tăng nhanh nhưng đều thu hồi được gần như 100% gốc khi thị trường phục hồi và tỷ lệ mất gốc của cho vay bất động sản thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác.

Thị trường bất động sản có nhiều chuyển biến tích cực

Thông tin mới đây từ Bộ Xây dựng cho biết, nguồn cung bất động sản sau một thời gian hạn chế đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Mặc dù phục hồi còn chậm nhưng thị trường ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt dự án cũ được tái khởi động và dự án mới mở bán.

Theo đó, trong nửa đầu năm, có 18 dự án nhà ở thương mại hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới. Đối với dự án xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở, có 32 dự án hoàn thành và 16 dự án được cấp phép. Đối với phân khúc nhà ở xã hội, có 8 dự án đã được hoàn thành trong 6 tháng vừa qua.

Về sức mua, thị trường ghi nhận khoảng 253.000 giao dịch thành công, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Xây dựng đánh giá thị trường bất động sản đã có phản ứng tích cực với các tín hiệu như mức độ quan tâm, lượng tìm kiếm thông tin bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư tăng cao.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm