Giá chung cư tiếp tục lên
Chị Lê Quỳnh Hoa (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị muốn mua một căn hộ chung cư 2 phòng ngủ ở Hà Đông nhưng hơn 1 năm nay vẫn không thể thực hiện.
“Tôi làm và tiết kiệm được hơn 1,9 tỷ đồng nhưng số tiền này không mua nổi căn hộ 50m2 ở Hà Đông. Hầu hết giá căn hộ hiện nay ở mức 3,6 tỷ - 4,2 tỷ đồng cho căn hộ 2 phòng ngủ. Giá chung cư mà tính ra mỗi m2 hơn 40 triệu đồng là quá cao” – chị Hoa nói.
Nhiều người dân có nhu cầu mua nhà cũng cho rằng, giá nhà chung cư ở mức 25 triệu đồng mới hợp lý, như vậy người dân mới mua được nhà.
Trong những năm gần đây, các dự án nhà ở cao cấp tại các thị trường lớn như Hà Nội và TPHCM vẫn ghi nhận sự quan tâm nhất định từ các chủ đầu tư. Tuy nhiên, nhu cầu của thị trường hiện nay không nằm tại phân khúc cao cấp hay hạng sang.
Theo Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TPHCM, phải cơ cấu lại phân khúc thị trường và giảm giá bán sản phẩm nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, giúp thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Hiệp hội nhận thấy các doanh nghiệp (DN) "đến nay chưa được triển khai tích cực" như nhận xét của Thủ tướng. Trong khi đó, từ năm 2018, hiệp hội đã có văn bản khuyến nghị các DN chuyển hướng đầu tư vào phân khúc thị trường căn hộ vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu ở thực, có tính thanh khoản cao và bền vững.
Hiệp hội đề nghị DN BĐS thực hiện giảm giá bán sản phẩm nhà ở, giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, không "neo giữ giá cao".
DN cần chuyển hướng đầu tư về phân khúc nhà ở bình dân giá vừa túi tiền phù hợp với thu nhập của người dân. DN cũng tham gia thực hiện chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030 để có thể tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất thương mại thông thường.
Ông Matthew Powell - Giám đốc - Savills Hà Nội cho rằng, các chủ đầu tư cần xem xét điều kiện thực tế của thị trường và đa dạng hóa sản phẩm nhà ở, thay vì mang tới thị trường một số lượng các dự án tương tự nhau với cơ sở vật chất hạn chế, không mang lại cho người ở một cuộc sống tiện nghi.
Bởi, những dự án được quy hoạch bài bản, chất lượng xây dựng tốt kèm tiện ích đa dạng, thân thiện với cư dân thường dễ thành công hơn những dự án chỉ tập trung vào quy mô lớn và đặt ra mức giá cao. Tất cả đều cần xuất phát từ nhu cầu thực tế và thị trường mục tiêu, nơi chất lượng, thiết kế và tiện ích là những yếu tố được quan tâm hàng đầu.
Chung tay mới làm được
Để có thể kéo giảm giá nhà, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, cần cơ cấu lại các phân khúc và muốn làm được, cần có sự chung tay, góp sức, thống nhất quan điểm, cách thức triển khai, phối hợp của nhiều phía, từ các cơ quan quản lý nhà nước, tới các DN, ngân hàng…
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, theo ông Đính, cần nghiên cứu phương án rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính đầu tư, xây dựng; xem xét các phương án hỗ trợ DN trong khâu tính tiền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng. Đây là 2 hạng mục chiếm rất nhiều chi phí của chủ đầu tư, trực tiếp ảnh hưởng đến giá thành của BĐS.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi dành riêng cho DN đầu tư, phát triển nhà ở phân khúc bình dân; có các cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ các chủ đầu tư nếu muốn cơ cấu lại dự án theo hướng chuyển từ cao cấp sang bình dân, hoặc nhà ở xã hội.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM nhận định, người dân có nhu cầu thực lúc nào cũng sẵn sàng “xuống tiền” để mua nhà ở, cho dù Nhà nước hay ngân hàng có chính sách hỗ trợ hay không. Do đó, vấn đề ở đây là cần làm sao để đảm bảo giá nhà phải hợp lý. Trong khi đó, các DN BĐS - chủ thể có trách nhiệm trực tiếp, cũng cần có ngay hành động cụ thể, đó là cơ cấu lại sản phẩm nhà ở hướng về nhu cầu thực và giảm giá bán nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.
Còn theo chia sẻ của bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, mức giá có thể giảm khi chúng ta tăng hơn nữa tỷ trọng nguồn cung căn hộ trung cấp và bình dân, giảm tỷ trọng nguồn cung căn hộ cao cấp. Đại diện CBRE Việt Nam cũng cho rằng, thời điểm này, ngoài việc giảm giá thì thúc đẩy giao dịch, thanh khoản cho thị trường thông qua công cụ lãi suất là điều cần thiết.
"Bên cạnh kéo giá nhà giảm xuống thì chúng ta làm sao có giải pháp để lãi vay mua nhà tốt hơn, có thể đến từ chính sách về lãi suất của Chính phủ trong việc giảm xuống khoảng 6-7%. Đồng thời nó có thể đến từ chính sách của các nhà đầu tư trong việc kết hợp với các ngân hàng để hai bên cùng hỗ trợ người mua nhà" - bà Dung kiến nghị.
Theo các doanh nghiệp bất động sản, sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn, mức độ quan tâm đến BĐS đã nhanh chóng tăng trở lại. Cụ thể, so với đầu năm 2023, thị trường BĐS đầu năm nay có những dấu hiệu tích cực, đặc biệt là mức độ quan tâm và lượng tin đăng. Nhu cầu tìm kiếm trong tháng 1/2024 tăng 66% so với cùng kỳ 2023, lượng tin đăng bán BĐS cũng tăng 52%. Đáng chú ý, tại Hà Nội và TPHCM, đất nền và đất dự án có mức độ quan tâm tăng mạnh hơn cả chung cư. Cụ thể trong tháng 1/2024, lượng tìm kiếm đất nền tại Hà Nội tăng 110%, đất dự án tăng 77% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lượng tìm kiếm chung cư Hà Nội tăng 71%. Tương tự, ở TPHCM, nhu cầu tìm kiếm tăng từ 71% - 73% đối với đất nền, đất dự án và chỉ tăng 59% đối với chung cư.