Chứng khoán

Tiền vào chứng khoán ngày càng mất hút, điều gì đang xảy ra?

 

Giao dịch trên thị chứng khoán trở nên hạ nhiệt trong thời gian gần đây. HOSE ngày càng vắng bóng những phiên có giá trị thanh khoản (cả khớp lệnh và thỏa thuận) đạt trên 20.000 tỷ đồng. Từ cuối tháng 10 đến tháng 11, thanh khoản sàn giao dịch lớn nhất Việt Nam đa phần quanh quẩn 12.000-15.000 tỷ đồng, thậm chí dưới 11.000 tỷ đồng (phiên 28/10 và 5/11).

Thanh khoản thấp kết hợp với việc thị trường mãi không vượt được mốc 1.300 điểm khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan, chán nản. 

Tình trạng thanh khoản thấp đã diễn ra từ tháng 4 đến tháng 11, có sự đồng pha với thị trường khi VN-Index chủ yếu đi ngang. Nguyên nhân đầu tiên là áp lực bán ròng của khối ngoại. Đến cuối tháng 11, giá trị bán ròng đã xấp xỉ 90.000 tỷ đồng, khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng, đặc biệt từ quý II đến nay.

Yếu tố thứ hai là các kênh đầu tư khác đã chia sẻ, hút bớt dòng tiền ra khỏi chứng khoán trong năm qua, kể đến như vàng, tiền điện tử. 2024 vẫn là năm còn nhiều biến động, khó khăn đối với yếu tố vĩ mô, nên một số nhà đầu tư lựa chọn kênh an toàn như gửi tiết kiệm, hay bất động sản.

Thứ ba là tác động của tỷ giá. Khi áp lực tỷ giá tăng cao, Ngân hàng Nhà nước phải siết chặt chính sách tiền tệ. Tình trạng này hạ nhiệt phần nào trong quý II và III nhưng hiện tại một lần nữa đang gây khó khăn trên thị trường chứng khoán.

Nhìn rộng ra, thanh khoản thị trường đã giảm từ năm 2022 đến nay. Một nguyên nhân lớn là thiếu đi “sóng” cổ phiếu ngành bất động sản - vốn được số đông nhà đầu tư ưa chuộng. Từ sau 2022, diễn biến nhóm này gặp khá nhiều khó khăn, đồng thời, các công ty chứng khoán cũng giảm bớt cho vay margin tại đây. Điều này dẫn đến không còn dòng tiền dồi dào chảy vào thị trường, cũng như thiếu hụt hoạt động đầu cơ ở nhóm bất động sản.

Thỉnh thoảng thị trường xuất hiện “sóng” ở nhóm ngân hàng hay chứng khoán, song không thể so với cổ phiếu bất động sản. Nhà đầu tư cá nhân thường không quá chuộng nhóm ngân hàng. Nhóm chứng khoán cũng không đủ bù trừ sự thiếu hụt thanh khoản của cổ phiếu bất động sản.

Trong khi đó, dòng tiền mới vẫn chưa nhập cuộc mạnh mẽ. Hiện thị trường có khoảng 8 - 9 triệu tài khoản, nhưng tỷ lệ active (hoạt động) rất thấp. 2024 là năm khó khăn để dòng tiền mới tiếp cận thị trường.

Nhà đầu tư cá nhân hành động rất nhanh. Như trong tháng 1 đến tháng 3 năm nay, khi chứng khoán tăng, họ nhanh chóng tham gia thị trường để tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên từ tháng 4, khi thị trường đi ngang, nhà đầu tư không thấy khả năng sinh lợi đáng kể thì họ lại rời bỏ thị trường, dịch chuyển vào các kênh khác có suất sinh lợi nhanh và cao hơn.

Về vận hành thị trường, hai câu chuyện về nâng hạng và KRX cũng góp phần làm thanh khoản suy giảm. Hệ thống công nghệ thông tin KRX đến nay vẫn chưa được hiện thực hóa đi vào vận hành (go-live), trong khi Việt Nam tiếp tục lỡ hẹn đợt nâng hạng tháng 9/2024 của FTSE Russell. Điều này gây thất vọng, chán nản cho tâm lý nhà đầu tư.

Bàn khía cạnh dòng tiền mới, 2022 là một năm lao dốc, đồng thời khiến một lượng đáng kể nhà đầu tư “bỏ chạy” khỏi thị trường.

Nhà đầu tư mới (còn gọi là F0) có thể kiếm lời từ năm 2020 - 2021, nhưng đã mất sạch thành quả trong 2022, thậm chí lỗ nếu sử dụng đòn bẩy. Sau cú sập đó, tâm lý nhà đầu tư trở nên lo ngại, dè chừng với chứng khoán. Tâm lý chung chỉ có thể cải thiện nếu có một nhịp tăng đáng kể, thu hút lại dòng tiền vào thị trường.

Từ quan sát lịch sử, sau những giai đoạn bùng nổ như 2020-2021, sụp đổ vào 2022, thị trường cần bước vào giai đoạn tích lũy trở lại. Giai đoạn tích lũy thường thanh khoản sẽ thấp, nhà đầu tư dễ trở nên chán nản, rời bỏ thị trường. Kỳ vọng sau giai đoạn này, thị trường có thể bùng nổ, cùng với thanh khoản dâng cao trở lại. Nhà đầu tư không nên e ngại bối cảnh thị trường đi ngang.

 

Trong thời gian tới, thanh khoản chứng khoán được kỳ vng khởi sắc hơn từ một số yếu tố.

Đầu tiên, chứng khoán Việt Nam đã lỡ “chuyến tàu” nâng hạng năm 2024. Sắp tới, FTSE một lần nữa sẽ review thị trường vào tháng 3/2025. Hy vọng thị trường sẽ đáp ứng các tiêu chí của tổ chức xếp hạng, từ đó “kéo” niềm tin và thanh khoản thị trường quay trở lại.

Thứ hai, cốt lõi của thị trường đến từ các nhóm cổ phiếu đóng góp chủ yếu vào vốn hóa, gồm tài chính ngân hàng, bất động sản.

Trong đó, nhóm bất động sản ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư, thanh khoản thị trường. Do đó, bài toán đặt ra là làm sao cải thiện thanh khoản nhóm bất động sản. Câu chuyện của nhóm này phần lớn liên quan đến pháp lý các dự án.

Vừa qua, tháng 11 Quốc hội đã thông qua một số luật, bao gồm Luật Đất đai sửa đổi. Khi Luật Đất đai sửa đổi đã chính thức thông qua, chúng ta cần đẩy nhanh các giải pháp để gỡ vướng pháp lý cho các dự án.

Giải quyết được pháp lý sẽ là một mũi tên trúng hai đích: một là tín dụng ngân hàng vào thị trường bất động sản, hai là khôi phục thanh khoản vào nhóm bất động sản. Khi đó, tâm lý nhà đầu tư chứng khoán cũng lạc quan hơn, từ đó tác động tích cực đến thanh khoản thị trường.

Thứ ba là kỳ vọng câu chuyện bán ròng của khối ngoại đảo chiều. Hiện giá trị giao dịch của khối ngoại đã xuống rất thấp và tỷ lệ sở hữu của khối ngoại chỉ còn 16% so với toàn thị trường theo giá trị vốn hóa.

Nhóm nhà đầu tư ngoại cần được đáp ứng một số yếu tố như nâng hạng, tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Để giải quyết vấn đề tỷ lệ sở hữu của nước ngoài là rất khó trong ngắn hạn, có thể phải tính bằng năm, khi cần thông qua rất nhiều luật.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có thể tìm cách thu hút vốn bằng cách gián tiếp thay vì trực tiếp (nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài) như phát hành NVDR (Non-Voting Depositary Receipt - Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết), cùng với đó là đẩy nhanh việc đưa các hàng hóa mới lên trên thị trường.

Sắp tới, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua luật về tài sản công. Khi thông qua luật này sẽ giải quyết một số luật khác, trong đó bao gồm câu chuyện IPO, cổ phần hóa thời gian tới. Hàng hóa mới là động lực thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhìn lại quá khứ những năm 2018 - 2019, khi một số doanh nghiệp Nhà nước được niêm yết mới, hoặc cổ phần hóa, ngay lập tức tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tăng vọt lên 20%. Khối ngoại quay trở lại đồng thời sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm