-
Để phổ biến các vấn đề tài chính xanh, tín chỉ carbon, các nhà phát hành cần quan tâm việc sử dụng vốn ra sao, hiệu quả thế nào, khả năng trả nợ, dự án đã được thẩm định chặt chẽ...Tại: Sốt ruột với tài chính xanh
-
Thời gian vay áp dụng đối với người mua nhà nên kéo dài 20 năm để người thu nhập thấp có khả năng tích góp trả nợ.Vay gói 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà xã hội: Người được ngay, kẻ phải chờ
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc một số tài khoản tại ngân hàng MSB bị "bốc hơi" hàng chục tỷ đồng, và sự việc một khách hàng dùng thẻ tín dụng của ngân hàng Eximbank bị tính lãi từ hơn 8,5 triệu đồng thành hơn 8,8 tỷ đồng sau 11 năm. Vậy ngân hàng sẽ có trách nhiệm tới đâu? Ai là người trả tiền cho những khách hàng trên? Nạn nhân của vụ việc sẽ được bảo vệ như thế nào? Trách nhiệm của các bên liên quan ra sao?
Không chỉ khách hàng thông thường than bị mất tiền “oan”, mà ngay cả chuyên gia tài chính – ngân hàng đôi khi cũng “dính” vào bẫy lừa đảo và tài khoản ngân hàng “không cánh mà bay”.
Cán bộ ngân hàng làm sai, phía ngân hàng phải chịu trách nhiệm?
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: "Tôi là chuyên gia về tài chính – ngân hàng và thường xuyên lên diễn đàn khuyến nghị mọi người cần cẩn thận, bảo vệ thông tin tài khoản ngân hàng. Thế nhưng, chính tôi cũng từng mất tiền vì nhóm lừa đảo”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hành vi lừa đảo mất tiền trong tài khoản ngân hàng diễn ra ngày càng nhiều với số tiền ngày càng lớn. Theo ông Hiếu, có 2 lý do chính dẫn tới tình trạng này: Thứ nhất do tội phạm công nghệ càng phát triển. Thứ hai, trong thời buổi kinh tế khó khăn số lượng tội phạm cũng gia tăng.
Đối với trường hợp tài khoản “bốc hơi” lượng tiền lớn tại MSB, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, việc khách hàng gửi tiền bị mất tiền chứng tỏ hệ thống ngân hàng đang có lỗ hổng. Lỗ hổng này có thể tới từ quy trình của ngân hàng, có thể là việc thực hiện các quy định và quy trình nội bộ, cũng có thể là do đạo đức kinh doanh của cán bộ ngân hàng...
“Cán bộ ngân hàng làm sai, phía ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Tôi lấy ví dụ như tại ngân hàng của Mỹ, trường hợp người gửi tiền bị mất do lỗi của cán bộ ngân hàng, lập tức ngân hàng có trách nhiệm trả tiền cho khách. Và chỉ cần 3 ngày, phía ngân hàng có phương án xử lý với khách hàng", ông Hiếu nói.
Do đó, trong vụ việc xảy ra tại MSB, vị chuyên gia này cho rằng dù cơ quan công an xác định là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng hay là tham ô chiếm đoạt tài sản của ngân hàng thì phía ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm với người gửi tiền.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến: Ngân hàng Nhà nước nên xem lại quy trình nghiệp vụ của các ngân hàng thương mại. “Cơ quan quản lý cần có giải pháp để tăng cường quyền lợi người gửi tiền, qua đó củng cố niềm tin của công chúng với hệ thống ngân hàng", ông Hiếu nhấn mạnh.
"Khách hàng tuyệt đối phải bảo mật thông tin giao dịch
Theo nhận định của luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, trong các trường hợp khách hàng bị mất tiền liên quan tới ngân hàng trong thời gian gần đây, đa số là lỗi từ phía ngân hàng.
Với các trường hợp mất tiền tại ngân hàng MSB vừa qua, trước hết chờ kết quả điều tra từ cơ quan công an, cần phải xác minh làm rõ nguyên nhân tuy nhiên, cũng có trách nhiệm thuộc về ngân hàng, luật sư Đức nêu ý kiến.
Luật sư Trương Thanh Đức phân tích: Nếu tất cả các ngân hàng đều làm đúng quy trình, từng bộ phận cũng đều làm chuẩn thì khách hàng hoàn toàn yên tâm giao dịch ở mọi hình thức. Nhưng thực tế, có nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua, cho thấy chính bản thân nhân viên đã cố tình vi phạm làm sai, để nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ ngân hàng.
Luật sư Trương Thanh Đức đồng thời cho rằng, cũng có một số trường hợp, khách hàng giao tiền cho người không thuộc nhân sự của ngân hàng (đã nghỉ việc) hoặc không đúng bộ phận và không đúng quy trình thì khi xảy ra sự việc mất tiền, lúc đó sẽ là lỗi của khách hàng.
"Khách hàng tuyệt đối phải bảo mật thông tin giao dịch. Không đưa cho bất kỳ người nào khác, kể cả nhân viên ngân hàng và phải kiểm tra kỹ nội dung giao dịch trước khi ký các giấy tờ... Đặc biệt không được chủ quan, dễ dãi, không được giao dịch ngang tắt với nhân viên ngân hàng. Về phía ngân hàng, nhân viên cần tuân thủ mọi nguyên tắc, yêu cầu an toàn trong giao dịch với khách hàng. Ngân hàng cần đảm bảo quy trình giao dịch an toàn và có các biện pháp giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo sự tuân thủ của nhân viên" - Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Do đó, Luật sư Trương Thanh Đức khuyến cáo: “Với tất cả những giao dịch với ngân hàng, dù ở hình thức nào thì khách hàng hãy nên cẩn thận đến giao dịch trực tiếp và xác định đúng đó là nhân viên ngân hàng thuộc phòng ban, đơn vị đó; kiểm tra kỹ các thông tin về số tiền, ngày tháng, lãi suất,... để giảm thiểu các sai sót đáng tiếc”.
Nếu khách hàng không may rơi vào tình huống mất tiền hay nghi vấn bị lừa đảo, trước tiên cần bình tĩnh tập hợp đầy đủ các hồ sơ chứng từ, tài liệu giao dịch với ngân hàng và tìm đến một đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín để tiến hành thủ tục mời luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.