Cần quy định tòa án chuyên biệt
Về thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của tòa án, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, luật hiện hành không quy định phạm vi thu thập chứng cứ của Tòa án.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị, bên cạnh việc quy định Tòa án yêu cầu, hướng dẫn, hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ; kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ; cần quy định Tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết 27 và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta.
Liên quan đến nội dung đổi mới toà án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền xét xử , Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, việc đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án này không thay đổi. Các Tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh.
Quy định như dự thảo Luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 27; không thống nhất với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương. Mặt khác, phải sửa đổi nhiều đạo luật có liên quan, phát sinh chi phí tuân thủ... Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện.
Cũng theo Thường trực Ủy ban Tư pháp, việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt hành chính, TAND sơ thẩm chuyên biệt sở hữu trí tuệ và TAND chuyên biệt phá sản là cần thiết, trong điều kiện số lượng các vụ, việc này ngày càng gia tăng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ chuyên sâu đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế về tư pháp.
Do đó, cơ quan này đề nghị quy định ngay trong dự thảo Luật các Tòa án chuyên biệt cụ thể để phù hợp với Hiến pháp năm 2013 (TAND gồm TANDTC và các Tòa án khác do luật định).
Đề nghị giữ 3 ngạch thẩm tra viên và 3 ngạch thư ký tòa án
Về ngạch thẩm phán, Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành với đề xuất của TANDTC, quy định 2 ngạch thẩm phán, gồm thẩm phán TANDTC và thẩm phán. Quy định này cơ bản phù hợp với đặc thù công tác xét xử; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập hiện nay; nâng cao niềm tin của người dân đối với thẩm phán; khuyến khích thẩm phán phấn đấu, yên tâm công tác.
Về bậc thẩm phán, cơ quan thẩm tra tán thành đề xuất giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định bậc thẩm phán, tiêu chuẩn, điều kiện từng bậc. Tuy nhiên, không nên quy định “xét nâng bậc thẩm phán…” trong dự thảo Luật. Việc thi nâng bậc hoặc xét nâng bậc thẩm phán sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định sau khi Luật này được Quốc hội thông qua.
Đồng thời, việc không quy định ngạch thẩm tra viên tòa án, ngạch thư ký tòa án là chưa thống nhất với Luật Cán bộ, công chức và các luật tổ chức của các cơ quan tư pháp khác.
Cơ quan thẩm tra viện dẫn, Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương yêu cầu: Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn nghiệp vụ theo ngạch công chức… không giữ chức danh lãnh đạo. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ quy định của Luật hiện hành về 3 ngạch thẩm tra viên tòa án và 3 ngạch thư ký tòa án.
Liên quan đến quy định tiền lương, phụ cấp , Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định Nhà nước có chính sách ưu tiên về tiền lương, phụ cấp đối với thẩm phán, thẩm tra viên tòa án, thư ký tòa án. Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành dự thảo Luật. Việc ưu tiên về lương, phụ cấp đối với các chức danh tư pháp của Tòa án sẽ được xem xét trong quá trình thực hiện cải cách tiền lương, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương.
Về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, đa số Thường trực Ủy ban Tư pháp thấy rằng: tại phiên tòa, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh là bảo đảm hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật; nhưng đồng thời, phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa.
Do đó, tiếp thu ý kiến của ĐBQH và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp và TANDTC thống nhất đề xuất chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh…trong thời gian tuyên án, công bố quyết định; trường hợp cần thiết thì tòa án ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp.