Mở đầu Leader Talks về chủ đề tự chủ công nghệ, ông Trần Việt Hải, Phó chủ tịch Bkav cho rằng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ mang ý nghĩa lớn bởi đây cuộc cách mạng của sự sáng tạo không giới hạn. Bất kỳ quốc gia, công ty, cá nhân nào ứng dụng công nghệ để tạo ra công nghệ mới đều có khả năng thay đổi thế giới. Do đó những người tự chủ công nghệ sẽ có khả năng dẫn đầu, có lợi thế tuyệt đối trong cuộc cách mạng này. "Tôi thấy nhu cầu này phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, ở rất nhiều lĩnh vực".
Còn theo ông Cao Văn Việt - Giám đốc mảng Education Technology của FPT Software, tự chủ được công nghệ giúp Việt Nam có thể làm ra nhiều hơn nữa những sản phẩm công nghệ có giá trị, góp phần thúc đẩy, hỗ trợ sự phát triển, hiện đại hóa cho các ngành, nghề khác, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tự chủ công nghệ có thể nâng cao vị thế quốc gia, thu hút được đầu tư và nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Nếu không tự chủ sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài. Ngoài ra, câu chuyện về cơ sở dữ liệu cũng rất quan trọng. "Nếu chúng ta dùng phần mềm nước ngoài, cơ sở dữ liệu sẽ được lưu trữ ngoài quốc gia, như vậy rất nguy hiểm", ông Việt nhận định.
Theo ông Việt, về phần mềm, Việt Nam có thể tự chủ công nghệ cao với nhiều sản phẩm "made in Việt Nam". Ví dụ trong lĩnh vực AI hay blockchain, nước ta đã đi rất nhanh, theo kịp trào lưu của thế giới. Tuy nhiên trong lĩnh vực phần cứng, Việt Nam vẫn chưa có nhiều sản phẩm. "Hy vọng trong tương lai chúng ta có thể tự chủ nhiều công nghệ khác trong lĩnh vực sinh học, hoá học, cơ khí,..."
Trong khi đó, lãnh đạo Bkav cho rằng Việt Nam đang có đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hoà" để trở thành cường quốc công nghệ. "Xét về tư duy toán học người Việt có thể ở nhóm đầu trên thế giới. Ngoài ra những đặc tính như kiên trì, bền bỉ, linh hoạt cũng phù hợp với nghiên cứu khoa học, làm công nghệ", ông Hải nói.
Theo ông Hải, trước đây việc làm chủ phần cứng ở Việt Nam khá khó khăn. Nhưng từ những năm 2014 trở lại đây, với sự chuyển dịch của các doanh nghiệp FDI lớn vào, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất của thế giới.
"Bây giờ chúng tôi có thể tự tin 100% quy trình sản xuất của thiết bị điện tử thực hiện hoàn toàn trong nước. Từ thiết kế, làm mạch in, chế tạo cơ khí, lắp ráp hoàn chỉnh, đều có thể làm hoàn toàn trong nước", Phó chủ tịch Bkav khẳng định việc tự chủ công nghệ đã được nâng tầm.
Các diễn giả của Leader Talks cho rằng phát triển công nghệ mới luôn cần niềm tin và sự ủng hộ của người dùng. Ngoài yêu cầu về khả năng tài chính thì điều kiện tiên quyết của việc tự chủ công nghệ là phải có được đội ngũ kỹ sư giỏi và năng động.
"Tiền rất quan trọng nhưng không phải tất cả. Vốn công ty có nhưng nhân sự chất lượng cao luôn cần được ưu tiên hàng đầu. Tài chính là điều kiện cần nhưng điều kiện đủ phải có đủ người làm. Để làm những việc lớn hơn và tự chủ ở mức cao hơn chúng ta không chỉ đào tạo người tài mà còn phải lôi kéo những người giỏi thành danh trên thế giới về Việt Nam làm việc", ông Việt nói.
Có một góc nhìn khác về câu chuyện nhân lực ở Việt Nam, đại diện Bkav cho rằng: "Chúng ta 'không may' là có nhiều doanh nghiệp Việt cùng phát triển công nghệ, vô hình trung tạo ra sự cạnh tranh. Trong đó có những doanh nghiệp nghĩ họ có tiền, có thể có được nhân lực. Vì vậy, trong ngành công nghệ cao, chúng tôi chịu áp lực từ chính các doanh nghiệp nội. Thay vì hợp tác, nhân lực ‘chảy máu’ từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp kia". Giải pháp Bkav đưa ra là duy trì đào tạo, tuyển dụng sinh viên từ năm 2-3 và kết hợp đội ngũ kỹ sư người Việt ở các trung tâm công nghệ trong và ngoài nước để hợp tác.
Theo các lãnh đạo công nghệ, một trong những thách thức nhất trong tiến trình tự chủ công nghệ là quá trình dần thay đổi định kiến về "người Việt không làm được cái ốc vít". Ông Trần Việt Hải cho rằng thuyết phục khách hàng là một quá trình song hành với quá trình làm chủ công nghệ, làm chủ chuỗi cung ứng, làm chủ việc huy động tài chính. Còn ông Cao Văn Việt cho rằng: "Bất kỳ lĩnh vực nào khi bắt đầu cũng đều khó khăn. Tự chủ công nghệ thậm chí khó khăn hơn nhiều lần. Nhưng khó khăn luôn đi kèm cơ hội. Cái gì khó, ít người làm mới nhiều đất diễn. Không chỉ tôi, rất nhiều người Việt Nam đều mong muốn tự chủ công nghệ, tự làm ra cái gì đó giải quyết vấn đề cho đất nước và xã hội".
Cuối cùng, lời khuyên các diễn giả đưa ra cho thế hệ trẻ muốn khởi nghiệp là phải chuẩn bị tinh thần và quyết tâm mạnh mẽ, cũng nên tính toán kỹ. "Để khởi nghiệp thành công, bạn cần nền tảng tài chính hoặc là tiền túi bỏ ra hoặc là gọi vốn. Ngoài ra chúng ta cũng cần chuẩn bị nền tảng kỹ thuật, bạn đồng hành và các kỹ năng liên quan. Khi đã có đủ các yếu tố cần thiết và quyết tâm khởi nghiệp, tôi nghĩ cứ cố gắng hết sức, tận tâm tận lực cho sản phẩm, đừng sớm nản lòng khi gặp khó khăn", ông Cao Văn Việt Giám đốc mảng Education Technology của FPT Software chia sẻ.
Xem diễn biến chính