Kỹ năng sống

“Tiên đoán” bị lãng quên của Leonardo da Vinci: Không ngờ đi trước thời đại hàng thế kỷ

Theo đó, trong một bài báo đăng trên tạp chí Leonardo, các nhà nghiên cứu đã tiến hành xem xét một trong những cuốn sổ tay của danh hoạ Leonardo da Vinci và nhận ra rằng thiên tài toàn năng này đã nghĩ ra các thí nghiệm đặc biệt để chứng minh trọng lực là một dạng gia tốc.

Leonardo da Vinci thậm chí còn lập mô hình hằng số trọng lực với độ chính xác khoảng 97%.

Da Vinci (1452 – 1519) đã tiến xa trong việc khám phá ra khái niệm này. Bởi đến năm 1604, Galileo Galilei mới đưa ra giả thuyết về quãng đường chuyện động của vật rơi tự do tỷ lệ thuận với bình phương thời gian. Sau đó, mãi đến cuối thế kỷ 17, Isaac Newton mới phát triển định luật vạn vật hấp dẫn và mô tả cách vật thể thu hút lẫn nhau.

“Tiên đoán” bị lãng quên của Leonardo da Vinci: Không ngờ đi trước thời đại hàng thế kỷ - Ảnh 1.

Leonardo da Vinci thực hiện thí nghiệm đi trước thời đại hàng thế kỷ. Ảnh: Caltech

Trở ngại chính của Leonardo da Vinci chính là nằm ở sự hạn chế của dụng cụ. Minh chứng là ông không có thiết bị để tiến hành đo chính xác thời gian vật thể rơi.

Thí nghiệm đặc biệt của danh hoạ Da Vinci được phát hiện lần đầu bởi Mory Gharib, giáo sư hàng không học và kỹ thuật y khoa. Thí nghiệm này nằm trong Codex Arundel, bộ sưu tập các ghi chép của Da Vinci về khoa học, nghệ thuật và chủ đề cá nhân.

Cụ thể, vào đầu năm 2017, trong khi đang tìm hiểu về kỹ thuật hiển thị dòng của Da Vinci để thảo luận với sinh viên cao học, Giáo sư Gharib đã chú ý tới một loạt các bản thảo về những tam giác tạo bởi hạt giống như hạt cát đổ ra từ hũ.

Để tiến hành phân tích ghi chép, Giáo sư Gharib đã làm việc cùng với Phó giáo sư Chris Roh tại ĐH Cornell và TS Flavio Noca tại ĐH Khoa học ứng dụng và nghệ thuật của miền tây Thuỵ Sĩ. Trong đó, ông Flavio Noca thực hiện cung cấp bản dịch ghi chép bằng tiếng Ý của Da Vinci.

“Tiên đoán” bị lãng quên của Leonardo da Vinci: Không ngờ đi trước thời đại hàng thế kỷ - Ảnh 2.

Hình vẽ mô tả thí nghiệm của Da Vinci. Ảnh: Phys

Trong ghi chép này, danh hoạ Da Vinci đã mô tả thí nghiệm dịch chuyển bình nước theo đường thẳng song song với mặt đất, làm đổ nước hoặc vật liệu dạng hạt (rất có thể là cát) trên đường đi. Các ghi chú của Da Vinci cho thấy rằng ông nhận thấy nước hoặc cát sẽ không rơi với vận tốc không đổi mà sẽ tăng tốc.

Vì không bị ảnh hưởng bởi bình đựng nên vật liệu ngừng tăng tốc theo phương ngang, đồng thời chiều gia tốc chỉ hướng xuống dưới do trọng lực.

Theo đó, nếu bình di chuyển theo tốc độ không đổi thì đường thẳng tạo bởi vật đang rơi sẽ thẳng đứng và vì vậy không tạo ra hình tam giác nào. Ngược lại, nếu bình đựng di chuyển tăng tốc đều, đường thẳng tạo bởi tập hợp vật liệu đang rơi xuống sẽ có hướng xiên chéo tạo thành hình tam giác.

Ngoài ra, ghi chú của Da Vinci cũng chỉ ra rằng nếu bình đựng tăng tốc ở cùng nhịp như vật đang rơi tăng tốc do trọng lực thì nó sẽ tạo ra tam giác đều.

Theo các nhà nghiên cứu, Leonardo Da Vinci đã tìm cách mô tả gia tốc này nhưng không thành công. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng mô hình vi tính để tiến hành thí nghiệm bình nước của Da Vinci và phát hiện ra lỗi mà danh hoạ nổi tiếng mắc phải.

Phó giáo sư Chris Roh cho biết: "Chúng tôi nhận thấy rằng Leonardo Da Vinci đã lập mô hình dưới dạng khoảng cách của vật thể đang rơi tỷ lệ thuận với thời gian luỹ thừa 2, thay vì bình phương thời gian".

Giáo sư Gharib cho biết thêm, nhóm nghiên cứu không biết liệu Da Vinci có thực hiện thêm các thí nghiệm nào sâu hơn hay không. Nhưng thực tế là ông đã trăn trở với vấn đề này vào đầu những năm 1500. Điều này cho thấy suy nghĩ của ông đã tiến xa tới mức nào.

Thiên tài toàn năng hiếm có

“Tiên đoán” bị lãng quên của Leonardo da Vinci: Không ngờ đi trước thời đại hàng thế kỷ - Ảnh 3.

Leonardo da Vinci là thiên tài toàn năng hiếm có trong lịch sử. Ảnh: Getty Images

Leonardo da Vinci thường được nhiều người biết đến với danh xưng là một danh hoạ tài hoa. Tuy nhiên, ông còn là một kiến trúc sư, nhà giải phẫu, nhà phát minh, nhạc sĩ, bác sĩ và nhà triết học tự nhiên người Ý. Leonardo da Vinci khiến hậu thế ngạc nhiên vì có những ý tưởng vượt thời đại và mang đến những phát kiến vô cùng sáng tạo.

Danh hoạ sinh vào năm 1452 tại một ngôi làng gần Vinci, ngoại ô Florence, thuộc miền Trung nước Ý. Lúc sinh thời, ông không chỉ quan tâm đến việc cơ thể người hoặc thiên nhiên trông ra sao trên bức hoạ mà còn muốn biết tại sao chúng lại xuất hiện như vậy. Chính nhờ sự nghiên cứu cặn kẽ tất cả các cơ liên quan đến việc mỉm cười nên nhờ đó Da Vinci vẽ nên kiệt tác về nàng Mona Lisa với cái nhìn đầy bí ẩn trên khuôn mặt.

Ngoài ra, Leonardo da Vinci cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu về giải phẫu người. Đặc biệt, ông còn có thói quen viết ngược từ phải sang trái. Chữ viết của ông chỉ có thể đọc bình thường nếu soi gương.

Nghệ thuật của Leonardo da Vinci có sự kết hợp của sinh học, hoá học, kỹ thuật, toán học và vật lý học. Tài năng của ông đã được Vua Francis I của Pháp đặc biệt thưởng thức. Theo đó, ông đã được phong là "Hoạ sĩ , kỹ sư và kiến trúc sư đầu tiên của nhà vua" khi ngoài 60 tuổi.

Leonardo da Vinci có thể được biết đến nhiều nhất ở lĩnh vực nghệ thuật, nhưng rõ ràng ông còn là nhà khoa học, nghệ sĩ vĩ đại có kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.

Bài viết tham khảo nguồn: Phys, Newsthink, Britannica

Cùng chuyên mục

Đọc thêm