Bất động sản

Tiến độ khu nhà ở 127 ha của VSIP tại TP Tân Uyên, Bình Dương

Khu đất dự án trên bản đồ.

Công ty TNHH Liên doanh KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) vừa qua đã lập một báo cáo liên quan đến dự án Khu dân cư ấp 4 - Vĩnh Tân tại phường Vĩnh Tân, TP Tân Uyên, Bình Dương.

Dự án này được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch, cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu và duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) từ năm 2009. Cũng từ giai đoạn đó, chủ đầu tư đã phối hợp với địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và bàn giao đất tái định cư.

Đến nay, các trường hợp người dân trong vùng quy hoạch đồng ý nhận bồi thường đã ổn định cuộc sống mới, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đã đạt 98,5%. Trong ranh giới khu quy hoạch còn vướng một số hộ với diện tích khoảng 18.849 m2 chưa thỏa thuận được việc bồi thường, phần lớn nằm tại khu vực nút giao đường N1 đấu nối với đường ĐT.742.

Qua đối thoại nhiều lần, hiện nay VSIP đã đền bù được phần phạm vi giao thông đấu nối của đường N1 với ĐT.742 và đã thi công đấu nối hoàn tất.

Phần còn lại VSIP nhận thấy các vị trí này không thật sự quan trọng do nằm khu vực ngoài rìa dự án, thuộc các phần đất quy hoạch cây xanh, đất thương mại dịch vụ, đất ở thương mại và đất tái định cư còn dư. Việc tách các vị trí này ra khỏi ranh thực hiện dự án không ảnh hưởng đến kết quả đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp và đô thị Tân Uyên.

Hiện tại, chủ đầu tư đang tiến hành thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để điều chỉnh phương án quy hoạch hệ thống nước thải cho dự án, đồng thời lập lại ĐTM.

 

Ranh giới dự án.

Khu dân cư ấp 4 Vĩnh Tân có tổng diện tích hơn 129 ha. Phía Đông giáp đường ĐT.742 và đất dân cư; phía Tây và phía Bắc giáp KCN VSIP II (mở rộng); phía Nam giáp khu dân cư ấp 5 - Vĩnh Tân.

Vị trí này cách chợ dân lập 700 m, cách đường ĐT.742 khoảng 400 m, cách trung tâm TP Thủ Dầu Một khoảng 8 km. Dự án cách UBND phường Vĩnh Tân, TP Tân Uyên khoảng 2 km. Ở phía Nam dự án tiếp giáp Suối Bần Gạo.

Về hiện trạng sử dụng đất, tính đến nay, quỹ đất dự án đã được lấp đầy 82,8 ha, chiếm tỷ lệ 65,09%. Hiện tại, trong khu vực dự án đã có khoảng 13,37% dân cư sinh sống với khoảng 500 căn hộ với 3.000 người dân. Nhà ở do người dân tự xây dựng dựa trên quy định thiết kế và thẩm định của cơ quan cấp phép xây dựng.

Hiện tại dự án đã đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tỷ lệ xây dựng nhà ở của người dân khoảng 56,32%. Nhà ở có kiến trúc đa dạng gồm nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, nhà phố, nhà biệt thự, nhà phố thương mại liền kề. Tầng cao nhà ở 1 - 3 tầng.

 

 

Một số hình ảnh hiện trạng dự án.

Khu vực quy hoạch đã được đầu tư xây dựng mạng lưới cấp điện và chiếu sáng, thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước mưa tương đối hoàn chỉnh dọc theo các tuyến đường giao hiện hữu.

Trên cơ sở hạng mục công trình xây dựng đã triển khai xây dựng, chủ đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạng mục công trình theo quy hoạch điều chỉnh 1/500 dự án.

Quy mô dân số của toàn dự án sau điều chỉnh là 22.438 người (tăng 9.438 người), bao gồm 7.096 người ở khu đất thương mại; 10.842 người ở khu đất tái định cư và 4.500 người tại khu đất nhà ở xã hội.

 

Về cơ cấu sử dụng đất, tại lần điều chỉnh ĐTM này, tổng diện tích của toàn dự án giảm khoảng 1,9 ha xuống còn 127,2 ha. Trong đó, diện tích đất ở giảm hơn 4,7 ha xuống còn 62,3 ha.

Dự án sẽ điều chỉnh diện tích một số lô tái định cư phù hợp với diện tích lô đã cấp cho các hộ dân tái định cư. Do hoán đổi vị trí cấp đất tái định cư tại một số vị trí dẫn đến các lô đất tái định cư được phân bổ trước đây có diện tích lớn ( 500 m2 - 1.000 m2) nên cần điều chỉnh chia lô thành các lô nhỏ hơn (khoảng 150 m2). Một số lô đất ở giáp ranh cũng có sự thay đổi diện tích tuy nhiên không đáng kể.

Nhìn chung, toàn dự án sau điều chỉnh sẽ có tổng cộng 2.816 sản phẩm bất động sản, trong đó gồm 1.042 lô đất ở tái định cư (cao 5 tầng); 1.774 lô/căn đất ở thương mại (cao 3-5 tầng); đất nhà ở xã hội cao tối đa 9 tầng.

Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục xây dựng công trình nhà ở trên 27,2 ha, bao gồm 17,6 ha nhà ở tái định cư; 6,3 ha đất ở thương mại và 3,3 ha đất nhà ở xã hội. Cùng với đó, xây dựng công trình thương mại dịch vụ cao tối đa 9 tầng trên khu đất 6,7 ha.

Về tiến độ, dự kiến từ tháng 1/2024 - tháng 12/2029, dự án sẽ tiếp tục xây dựng các công trình còn lại, từ tháng 1/2030 sẽ vận hành chính thức toàn dự án. Tổng mức đầu tư dự án là gần 319 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là gần 64 tỷ đồng.

VSIP làm ăn ra sao trong nửa đầu năm?

Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) được thành lập vào năm 1996 với vốn điều lệ 946 tỷ đồng trên cơ sở hợp tác giữa hai Chính phủ là Singapore do SembCorp dẫn đầu và phía Việt Nam là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC, mã chứng khoán: BCM).

Tính đến cuối 2022, VSIP có vốn điều lệ 1.222 tỷ đồng, trong đó Becamex IDC nắm giữ 49%. Ở Việt Nam, VSIP đang sở hữu hàng loạt KCN, như VSIP Bình Dương 1, 2, 3; VSIP Bắc Ninh; VSIP Hải Phòng; VSIP Quảng Ngãi; VSIP Hải Dương; VSIP Nghệ An; VSIP Bình Thuận; VSIP Bình Định... Đi kèm với các KCN, VSIP cũng tích hợp các khu dân cư thương mại.

Báo cáo thường niên năm 2022 của Becamex IDC cho thấy, trong năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của VSIP là 8.834 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.258 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, VSIP báo lãi sau thuế 442,3 tỷ đồng, tương đương giảm 55,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp giảm từ 7,45% ở kỳ trước về mức 3,13%.

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của VSIP đạt mức 24.478 tỷ đồng, giảm 13 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng giảm 3,5% còn 14.149 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả là 10.329 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm, trong đó dư nợ trái phiếu là 990 tỷ đồng, giảm gần 4%.

 

Vào cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore đã tham dự Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore.

Tại buổi làm việc, hai bên đã công bố các văn kiện ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Singapore, trong đó có biên bản hợp tác phát triển 12 dự án VSIP mới tại nhiều địa phương của Việt Nam (Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Phòng, Tây Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Quảng Ngãi, Thái Bình).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao cho đại diện VSIP quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án VSIP mới gồm VSIP Lạng Sơn và Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2, tỉnh Bình Thuận.

Hai Thủ tướng cũng đã thực hiện nghi thức khởi công các dự án mới của VSIP gồm VSIP Cần Thơ, VSIP Bắc Ninh 2 và VSIP Nghệ An 2.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm