Sáng nay 11-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có công điện hỏa tốc gửi Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La và Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình lệnh mở cửa xả đáy các hồ thủy điện để chống lũ.
Thuỷ điện Hòa Bình mở cửa xả đáy để chống lũ năm 2020 - Ảnh: Văn Duẩn
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 11-6 đến sáng ngày 12-6, ở vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-90 mm, có nơi trên 120 mm.
Vào hồi 7 giờ ngày 11-6, mực nước thượng lưu hồ Sơn La ở cao trình 205,52 m, lưu lượng về hồ 3.072 m3/s, lưu lượng xả 2.758 m3/s (phát điện); mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở cao trình 108.87 m, lưu lượng về hồ 3.360 m3/s, lưu lượng xả 2.300 m3/s (phát điện).
Căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 7 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên ưu vực sông Hồng được ban hành tại Quyết định số 740/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du cần đưa dần mực nước hồ Sơn La về cao trình 200,0 m; mực nước hồ Hòa Bình về cao trình 105,0 m trước ngày 15-6 (hiện nay, mực nước hồ Sơn La đang cao hơn mực nước cao nhất trước lũ là 5,52 m; mực nước hồ Hòa Bình đang cao hơn mực nước cao nhất trước lũ là 3,87 m và còn tiếp tục gia tăng), Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La và Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình: Mở cửa xả đáy thứ nhất hồ Sơn La vào hồi 14 giờ ngày 11-6. Mở cửa xả đáy thứ nhất hồ Hòa Bình vào hồi 7 giờ ngày 12-6; mở tiếp cửa xả đáy thứ hai hồ Hòa Bình vào hồi 13 giờ ngày 12-6.
Để đảm bảo an toàn về người và tài sản khi hồ xả lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình:
Tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang; rà soát, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động, nhất là phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu, các công trình đang thi công; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Sơn La và hồ thủy điện Hòa Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Chủ hồ có giải pháp đảm bảo an toàn đối với người dân hiếu kỳ đến gần khu vực xem xả lũ.
Báo cáo và đề xuất kịp thời phương án xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra trong quá trình xả lũ về Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai.