Xuyên suốt năm 2023, làn sóng cắt giảm nhân sự cùng với chậm lương, nợ lương… vẫn tiếp diễn ở phần lớn doanh nghiệp bất động sản. Những doanh nghiệp ở trạng thái tốt hơn thì cũng cắt giảm các chi phí, bao gồm cả chi phí lương để tập trung mọi nguồn lực cho việc bán hàng, tạo dòng tiền mới.
Số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy, một doanh nghiệp bất động sản trên sàn đã chi khoảng 260 tỷ đồng để chiết khấu thanh toán và hỗ trợ khách hàng mua nhà trong năm qua, riêng quý cuối năm chiếm khoảng 100 tỷ đồng mà gần như cùng kỳ không phát sinh các chi phí này. Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí lương, hoa hồng... đều giảm sâu.
- TIN LIÊN QUAN
-
Chuyện thưởng Tết trong năm kinh tế khó khăn 28/01/2024 - 20:01
"Hàng bán ra rất chậm, cận kề cuối năm mới có giao dịch. Công ty chúng tôi không có chính sách sa thải hay cắt giảm nhân sự, tuy nhiên có sự sàn lọc lại và đón nhận thêm những nhân sự mới đáp ứng điều kiện năng lực từ bên ngoài để củng cố và phát triển bộ máy. May mắn là lương vẫn nhận đúng ngày. Về thưởng Tết có một số thay đổi so với mọi năm nhưng cơ bản vẫn có lương tháng 13", nhân sự một doanh nghiệp bất động sản chia sẻ.
"Bánh chưng có thịt” là cụm từ được nhân sự ngành bất động sản gọi tên để nhắc nhở và động viên nhau nhiều nhất vào những tháng cuối năm.
“Thưởng Tết xa xỉ quá. Năm nay khó khăn nên công ty cũng không có lương tháng 13 như những năm trước. Nhận đủ lương và đúng ngày là hạnh phúc rồi”, chị Hồng Thủy, nhân viên hành chính của một công ty bất động sản có trụ sở tại TP HCM chia sẻ.
Chị Kim Đan, nhân viên truyền thông một công ty bất động sản, cho biết: “Mấy năm trước công ty sẽ thưởng Tết bằng 2 - 3 tháng lương cơ bản. Năm nay khó khăn quá, công ty cắt giảm rất nhiều chi phí, còn không có tiền trang trí Tết”.
Bà Lê Thị Hằng, CEO CTCP Bất động sản Indochine, cho biết tình hình kinh doanh của công ty may mắn hơn so với thị trường chung, bởi tệp khách hàng tiềm năng có đến 70% là khách quốc tế và 30% là khách nội địa. Nhóm khách quốc tế này gần như không bị ảnh hưởng bởi bối cảnh kinh tế khó khăn trong nước.
“Nếu như ở thị trường trong nước mọi người nhìn nhận về vấn đề cung và cầu thì ở thị trường quốc tế, khối ngoại vẫn xem Việt Nam là điểm đến. Do đó, bánh chưng năm nay của chúng tôi vẫn có thịt”, CEO Indochine nói.
Hay như mới đây, đại diện CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia thông tin doanh nghiệp vẫn duy trì chính sách thưởng Tết cho người lao động. Trong đó, doanh nghiệp đã thực hiện thưởng lương tháng 13 cho 100% cán bộ nhân viên và thưởng tương 0,5 - 2 tháng lương đối với các cá nhân có đóng góp, thành tích nổi bật trong năm.
“Chính sách lương, thưởng năm 2023 của An Gia có sự điều chỉnh ở mức phù hợp với tình hình hoạt động, song doanh nghiệp vẫn cố gắng thực hiện đầy đủ các chính sách phúc lợi và duy trì khoản thưởng trong dịp Tết, nhằm khuyến khích các cán bộ nhân viên, tạo động lực để gắn bó lâu dài, đặc biệt trong giai đoạn thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn”, đại diện An Gia nói.
Trải qua một năm khó khăn của thị trường chung, phần lớn các doanh nghiệp đều kỳ vọng bất động sản trong thời gian tới sẽ sáng cửa hơn với nhiều tín hiệu phục hồi, từ đó đảm bảo các chế độ lương, thưởng tốt hơn cho người lao động.