Doanh nghiệp

Thực hiện IFRS: "Ra sân chơi quốc tế, không thể nói chuyện kiểu Việt Nam"

Cách đây tròn 2 năm, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định 345/QĐ-BTC phê duyệt đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính kế toán trong giai đoạn mới. Đây được xem như là một bước đi rất đột phá của Bộ Tài chính trong việc đưa ngành Kế toán Việt Nam hội nhập cùng với quốc tế.

Về tác động của Quyết định này với ngành tài chính kế toán, ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, có thể nói, có sự thay đổi trong quan điểm về công tác kế toán của chúng ta, trước đây chúng ta thường quan niệm kế toán chỉ là một công cụ quản lý đơn thuần, nhưng nay, kế toán đã trở thành một ngôn ngữ kinh doanh. Trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, do đó chúng ta bắt buộc phải áp dụng chuẩn mực IFRS để có thể tăng cường sự phát triển của nền kinh tế và giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể hiểu biết được về thị trường, cũng như nền tảng của kinh tế Việt Nam.

Theo ông Vinh, tác động của việc áp dụng IFRS đến kinh tế là rất tích cực thông qua những khía cạnh như sau:

Thứ nhất, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng sẽ niêm yết trên thị trường quốc tế, cũng như phát hành các công cụ vốn ra thị trường quốc tế. Đương nhiên, khi chúng ta đã ra sân chơi lớn thì không thể mang một báo cáo tài chính được lập theo kiểu Việt Nam để nói chuyện với các nhà đầu tư quốc tế được, mà bắt buộc phải có báo cáo tài chính IFRS.

Thứ hai, là nó tác động đến những người làm công tác tài chính kế toán tại Việt Nam. Trước đây, người làm công tác tài chính kế toán cứ nghĩ rằng mình là người ghi sổ kế toán, nhưng thực sự hiện nay, người làm công tác tài chính kế toán phải là người lập báo cáo tài chính và tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp, để ra các quyết định kinh tế. Muốn làm được điều đó thì kỹ năng của người làm công tác tài chính kế toán phải có sự thay đổi, trước hết phải là một nhà kinh tế, bởi vì các quy định của IFRS hướng tới việc chúng ta phải chuyển hóa ngôn ngữ kinh doanh thành ngôn ngữ của báo cáo tài chính, phù hợp với bản chất và cách thức vận hành giao dịch.

Người làm công tác tài chính kế toán cũng không chỉ có kỹ năng về kế toán, bởi vì các chuẩn mực của quốc tế họ nói nhiều hơn về các mô hình xác định giá trị và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, nên thật sự chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế hướng đến việc tăng cường trau dồi các kỹ năng về tài chính, hơn là kỹ năng về ghi sổ kế toán.

Thứ ba, nó sẽ tác động đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp, vì khi chúng ta áp dụng IFRS, sẽ làm cho chất lượng báo cáo tài chính càng ngày càng tăng. Người ta ví von rằng, báo cáo được lập theo chuẩn mực IFRS có tác dụng tương tự như đi khám sức khỏe định kỳ và sử dụng xét nghiệm máu tại thời điểm hiện tại, điều đó giúp bác sĩ chẩn đoán được tình hình sức khỏe sát thực hơn so với việc sử dụng các thông tin trong quá khứ để đánh giá tình hình hiện tại. Nên việc áp dụng IFRS giúp doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm giải trình đối với các nhà đầu tư, từ đó gián tiếp góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, cũng như giúp sự phát triển của thị trường vốn và thị trường chứng khoán tại Việt Nam.

“Đáng chú ý, việc sử dụng IFRS sẽ trợ giúp chuyển đổi số diễn ra ngày càng mạnh mẽ, bởi vì chúng ta biết rằng, thông tin kế toán không đến từ bộ phận kế toán mà đến từ rất nhiều các bộ phận khác. Do đó, để có thể bám sát được diễn biến của thị trường thì chúng ta cần phải xây dựng Big Data và những quá trình chuyển đổi số để có thể cung cấp cho thị trường thông tin xác thực, nóng hổi với tình hình sức khỏe doanh nghiệp. Việc áp dụng này cũng giúp đẩy mạnh thị trường kiểm toán, tạo ra một mạng lưới cho các dịch vụ kế toán kiểm toán ngày càng phát triển”, ông Vinh phân tích.

Báo cáo tài chính: Thủ thuật đánh cược vào tương lai

Còn đối với lĩnh vực ngân hàng, bà Nguyễn Hồng Vân, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán (Ngân hàng Nhà nước) đánh giá, Quyết định 345 có ảnh hưởng đến toàn bộ ngành ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Ngoài những tác dụng tích cực như đã nêu ở trên, thì các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp và phải tuân thủ theo IFRS theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ kế toán, chế độ tài chính.

“Tuy nhiên, ngân hàng cũng phải nắm được việc thực hiện IFRS của các doanh nghiệp nói chung, vì doanh nghiệp là khách hàng, mà ngân hàng lại liên quan đến tất cả các doanh nghiệp của các ngành kinh tế và phục vụ tài chính cho tất cả các ngành kinh tế đó. Cho nên, ngân hàng càng cần phải hiểu được báo cáo tài chính của doanh nghiệp, để xếp hạng tín nhiệm, để quyết định cấp tín dụng và các dịch vụ tài chính kèm theo.

Đồng thời, trong Quyết định 345 đã có phân công cho Ngân hàng Nhà nước phải nghiên cứu, đề xuất ra lộ trình tuân thủ IFRS cho ngành ngân hàng nói chung và phối hợp cùng với Bộ Tài chính để ra những văn bản đảm bảo cho ngân hàng có thể tuân thủ IFRS đúng hạn", bà Vân nhấn mạnh.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài Chính) chia sẻ, muốn thực hiện được IFRS thì phải hoàn thiện thể chế Nhà nước vì có rất nhiều Luật ảnh hưởng. Cho nên phải tạo điều kiện mà trong đó có những vấn đề Nhà nước phải đi trước, phải công bố lộ trình một cách cụ thể, đồng thời phải đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp mong muốn đó là khi chuyển tiếp từ chế độ kế toán sang IFRS như thế nào, để doanh nghiệp có khung khổ pháp lý đảm bảo được hiệu quả, được xã hội nhà đầu tư chấp nhận. Đặc biệt cơ quan thanh tra cũng phải chấp nhận, đó là vấn đề tiên quyết phải làm được và cũng là trăn trở của các doanh nghiệp.

Về thể chế, chúng ta cũng phải khởi động đồng hành cùng với lộ trình Quyết định 345, chứ không phải đến lúc áp dụng rồi mới nghĩ sửa cái gì thì khi đó doanh nghiệp là, sao thực hiện được. Rõ ràng trong giai đoạn hiện nay đến năm 2025, chúng ta thí điểm thực hiện, về phía Bộ Tài chính cũng bắt đầu khởi động đồng hành cùng với Cục Giám sát kế toán kiểm toán xây dựng những nguyên tắc tài chính doanh nghiệp mới để phục vụ cho việc thực hiện IFRS.

“Tiến tới khi sửa luật để quản lý vốn đối với khu vực doanh nghiệp Nhà nước thì chúng tôi cũng phải đưa ra những nguyên tắc, để nó có thể tạo điều kiện định hướng cho các doanh nghiệp có khung khổ pháp lý. Ngược lại, các luật tài chính khác như Luật về thuế, Luật kinh doanh bảo hiểm,... thì cũng phải có những quy định định hướng gắn với IFRS, vì rõ ràng, đây là một công cụ phân tích kinh tế nên về luật phải có nguyên tắc đồng hành thì mới đảm bảo cho doanh nghiệp thực hiện”, vị Cục trưởng nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm