Ngày 9/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 66 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41 ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Theo đó, mục tiêu từ nay đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.
Đến năm 2045, phấn đấu một số doanh nhân làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, tiến tới hình thành một số chuỗi giá trị của Việt Nam trong các ngành ưu tiên, có thế mạnh của đất nước. Hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế.
Hầu hết DN có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh còn yếu
Phát biểu tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới diễn ra ngày 10/5, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Tính đến tháng 3/2024, cả nước có khoảng 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nền kinh tế còn có sự tham gia của khoảng 32.000 hợp tác xã, và 5,2 triệu cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp, đội ngũ doanh nhân đã lên đến hàng triệu người.
Tuy nhiên, việc xây dựng cộng đồng doanh nhân cũng còn những tồn tại, hạn chế. Nghị quyết số 41 đã chỉ ra sự phát triển đội ngũ doanh nhân chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 còn yếu.
Còn một bộ phận doanh nhân đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ, công chức viên chức suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân.
Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai, hiệu quả chưa cao. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nhân.
Xây dựng mục tiêu hỗ trợ doanh nhân
Hiến kế để phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng cần xác định nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, VCCI đưa ra 7 mục tiêu đến năm 2030.
Thứ nhất là, xây dựng và triển khai các quy ước, quy tắc về ứng xử và đạo đức kinh doanh, hình thành hệ giá trị và các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa kinh doanh Việt Nam.
Thứ hai là, hình thành đội ngũ doanh nhân đầu ngành, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, hàng đầu quốc gia, có năng lực kinh doanh ngang tầm quốc tế, tiêu biểu về đạo đức, văn hóa kinh doanh. Có khoảng 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ thế giới, khoảng 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.
Thứ ba là, hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh cho 200.000 lượt doanh nhân, doanh nghiệp, tập trung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nhân nữ, doanh nhân khởi nghiệp, doanh nhân trẻ.
Thứ 4 là, Hỗ trợ hội nhập, kết nối và xúc tiến hợp tác quốc tế cho 30.000 lượt doanh nhân, doanh nghiệp.
Thứ 5 là, xây dựng, triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp, góp phần thực hiện Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng ít nhất 500 lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp lớn và 5.000 doanh nhân lãnh đạo kế cận.
Thứ 6 là, tiếp tục triển khai Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) hàng năm, góp phần xây dựng và hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.
Thứ 7 là, vận động, thu hút 5.000 doanh nghiệp áp dụng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI).
Người đứng đầu VCCI cho biết cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đang đứng trước những cơ hội lớn chưa từng có. Để giúp doanh nhân, doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội này, chúng ta cần tạo thông qua việc cụ thể những nội dung của Nghị quyết 41 thành các chương trình hành động.