Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023.
Tại chỉ thị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, lực lượng chức năng đã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ trong dịp Tết Nguyên đán. Chính phủ đánh giá nhân dân đón Tết Quý Mão 2023 trong không khí vui tươi, đầm ấm, sum vầy, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; mọi người, mọi nhà đều có Tết.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước được dự báo còn nhiều khó khăn, phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 phải khẩn trương tập trung ngay vào công việc, bảo đảm kịp thời, chất lượng, hiệu quả, không để chậm trễ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế - xã hội.
Phương tiện xếp hàng chờ đăng kiểm ở một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội
Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực; thúc đẩy tiến độ triển khai các đề án, dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành, lĩnh vực và của đất nước.
Đối với đầu tư công, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu khẩn trương phân bổ chi tiết, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023. Đặc biệt, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm các mục tiêu đề ra.
Nhấn mạnh đến các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương cần quan tâm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hình thức hợp tác công tư…
Các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án đường bộ cao tốc khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết dứt điểm các vướng mắc, hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư xây dựng để khởi công các dự án, đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tại chỉ thị, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình thế giới, trong nước, nhất là chính sách của các nền kinh tế lớn, sự dịch chuyển, các xu hướng lớn toàn cầu và tác động đến nước ta, chủ động, kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định hướng, giải pháp phù hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu cơ quan này có các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, không xảy ra tình trạng thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung trong mọi tình huống, gây bất ổn thị trường; bảo đảm hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng xăng, dầu ổn định, giảm khâu trung gian. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do; bảo đảm đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng...
Bộ Tài chính cũng được giao nhiệm vụ cùng Bộ Công Thương, các địa phương, các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi sát, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường; tăng cường phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Về khơi thông dòng vốn cho sản xuất - kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng nguồn vốn tín dụng vào các động lực tăng trưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Cùng với đó, rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với cả doanh nghiệp bất động sản và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…
Cũng liên quan đến lĩnh vực bất động sản, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Xây dựng tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường, đề xuất giải pháp phát triển thị trường lành mạnh, an toàn, hiệu quả, ổn định, bền vững...
Đáng chú ý, tại chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát các quy trình nghiệp vụ về công tác đăng kiểm , kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các trung tâm đăng kiểm duy trì hoạt động bình thường, không làm ảnh hưởng đến việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, không để xảy ra tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.
Về vấn đề đi lại sau Tết Nguyên đán, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến để phục vụ người dân; xử lý nghiêm hành vi tăng giá vé trái quy định; chủ động xả trạm (mở barie) để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài.
Đối với vấn đề đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế còn vướng mắc thời gian qua, Thủ tướng giao Bộ Y tế tập trung xử lý dứt điểm, đồng thời hoàn thiện, phát huy cơ chế tự chủ của các cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, tăng cường giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19 nhiễm biến thể mới, nguy hiểm của SARS-CoV-2; đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, tại trường học, cơ quan, doanh nghiệp, nhất là khi học sinh trở lại trường, người lao động trở lại làm việc sau Tết. Tiếp tục thúc đẩy tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; Kế hoạch nâng hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, công việc trọng tâm nêu trên, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện, đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023.
Không chèo kéo, ép du khách mua hàng tại các điểm du lịch, lễ hội
Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương tăng cường quản lý lễ hội theo thẩm quyền. Hướng dẫn các địa phương khẩn trương tổ chức các biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội trên địa bàn, bảo đang trang trọng, tiết kiệm, văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp.
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về tổ chức và tham gia lễ hội; yêu cầu người cung ứng dịch vụ, hàng hóa tại khu vực lễ hội phải niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết; không chèo kéo và ép giá, ép du khách mua hàng tại các điểm du lịch, lễ hội.