Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ 13 vấn đề cốt lõi để xây dựng và phát triển môi trường đầu tư, hệ sinh thái đầu tư hướng tới mục tiêu Công khai, minh bạch, bình đẳng, an toàn, hiệu quả, bền vững.
1. Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng
Trước hết là trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bao gồm 3 trụ cột là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, các giá trị văn hóa, đạo đức và môi trường sinh thái để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức, uy tín của con người Việt Nam.
2. Xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách minh bạch, công khai, ổn định, góp phần phát triển hệ sinh thái môi trường đầu tư
Tình hình diễn biến rất nhanh, khó lường, do đó phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để hoàn thiện thể chế.
3. Thực hiện các đột phá chiến lược về hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế
Các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà đầu tư đều có trách nhiệm trong thực hiện các đột phá này. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, trước hết là đường bộ cao tốc, cảng biển trong bối cảnh lượng hàng xuất khẩu của vùng ĐBSCL rất lớn, đặc biệt là nông sản, thủy sản… Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử.
Thủ tướng cho rằng, thực hiện các khâu đột phá này, chỉ Trung ương hay chỉ địa phương đều không thể làm được, do đó cần phải có sự nỗ lực, cố gắng của cả Trung ương và địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư…, tức là huy động sức mạnh tổng hợp trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Ông lấy ví dụ về việc đầu tư các tuyến cao tốc.
"Nhà đầu tư bao giờ cũng phải nghĩ tới hạ tầng, thể chế, người lao động. Những điều này chỉ Trung ương làm cũng không được, chỉ chính quyền địa phương làm cũng không được. Mà cả Trung ương và địa phương cùng làm nhưng người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư không vào cuộc thì cũng không làm được", Thủ tướng nói.
4. Coi trọng công tác quy hoạch
Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Đổi mới để tạo ra không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới, tạo công ăn, việc làm cho người lao động, tạo ra những con người mới. Phải có tư duy đột phá thì mới mang lại nguồn lực đột phá, mới có thể "đi sau về trước". Muốn phát triển bền vững thì phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn.
Quy hoạch phải tìm ra và phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, khắc phục được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, hạn chế, bất cập. Cùng với việc phát huy những thành quả, tiềm năng đã có, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cần phải chủ động tạo ra những cơ hội phát triển mới, sức hút mới từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng cho rằng, các nhà đầu tư sẽ nghiên cứu những điều này, soi chiếu vào tầm nhìn của họ, nếu thấy đúng, trúng, hai bên gặp nhau thì sẽ tự tìm đến đầu tư. Thủ tướng nhắc lại cách đây khoảng 20 năm, ông đã từng tiếp đại diện của Tập đoàn Intel, họ chỉ hỏi một câu là trong 48 tiếng đồng hồ, sản phẩm của họ có thể đi khắp thế giới được không. Thủ tướng cho biết khi đó, ông không trả lời được câu hỏi này và việc đầu tư của Intel khi đó chưa thể tiến hành.
5. Giải quyết tốt các vấn đề chiến lược có tính toàn cầu, toàn dân
Như ứng phó dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu với các vấn đề như xâm nhập mặn, nước biển dâng, sụt lún, sạt lở, thay đổi dòng chảy… tại khu vực ĐBSCL. Giải quyết được vấn đề của tỉnh thì sẽ góp phần giải quyết các vấn đề của cả nước, vấn đề toàn cầu. Phải xử lý được các vấn đề này thì các nhà đầu tư mới yên tâm tìm đến.
Tán thành với định hướng thu hút phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh, Thủ tướng cho rằng Sóc Trăng đường bờ biển dài 72 km, sức gió bình quân hơn 6 m/giây, là một trong những địa phương có tiềm năng gió lý tưởng để phát triển điện gió...
"Hôm qua tôi khảo sát ven biển Sóc Trăng, thì thấy việc bồi lắng ven bờ có thể giúp các trụ điện gió ngày càng đứng vững, trong khi năng lượng gió ngày càng rẻ. Nhưng muốn chuyển đổi năng lượng cần phải chuyển đổi đồng bộ về pháp lý, công nghệ, tài chính, quản trị và con người. Mặt khác, phải nói thẳng thắn với các nhà đầu tư, rằng Việt Nam trải qua chiến tranh kéo dài, là nước đang phát triển, vậy thì phải hỗ trợ Việt Nam để việc ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, công lý…", Thủ tướng phát biểu.
6. Chọn vấn đề ưu tiên, có tác động lan tỏa lớn, bền vững để làm trước
Làm từng bước chắc chắn, đi từ nhỏ đến lớn, thấp đến cao, đơn giản đến phức tạp, chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm, phải xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thực hiện, vừa có tính ổn định, vừa có tính linh hoạt, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người dân. Trong quá trình phát triển, phải bảo đảm cân đối, hài hòa giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng.
7. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
Thủ tướng cho rằng, các nhà đầu tư đều mong muốn đến một đất nước có nền kinh tế độc lập, tự chủ, không phụ thuộc vào bên ngoài. Nhưng độc lập tự chủ không có nghĩa là tự cung, tự cấp mà phải hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tinh thần dựa vào nội lực (con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử - văn hóa) là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài, xác định nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Cùng với đó, luôn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn (thu – chi ngân sách, xuất nhập khẩu, năng lượng, lương thực – thực phẩm, cung cầu lao động).
Thủ tướng cũng lưu ý các tỉnh phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình, không trông chờ, ỷ lại.
8. Sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương
Đây vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ, vừa là vinh dự của các cấp, các ngành. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phải quan tâm, bám sát, "lao tâm, khổ tứ" để cùng làm với địa phương, chống xin – cho.
9. Sự đồng hành của doanh nghiệp.
Thủ tướng mong các nhà đầu tư làm việc với các địa phương trên tinh thần "nói thật, nghĩ thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật", không "đánh bóng hình ảnh", tránh tình trạng "ký kết rầm rộ, hoành tráng, chỗ nào cũng xuất hiện" nhưng không triển khai được nhiều trong thực tế, gây mất niềm tin. Cùng với đó, phải chống tiêu cực, tham nhũng, chống "chạy chọt" dự án, đất đai, sai phạm về môi trường…
"Chỗ nào đẹp nhất mà quy hoạch làm bất động sản thì bán một lần là hết. Trước hết, phải thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo ra công ăn việc làm, thì mới có người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, như vậy thì phát triển bất động sản mới bền vững. Chưa có sản xuất kinh doanh đã nghĩ đến việc bán nhà thì bất động sản không thể phát triển bền vững", Thủ tướng lưu ý.
10. Sự ủng hộ của người dân
Thủ tướng đề nghị người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; mặt khác, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, đồng thời bảo đảm nơi tái định cư mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước. Khi tư tưởng đã thông thì người dân sẽ đồng tình, ủng hộ, sẵn sàng nhường mặt bằng cho các dự án.
11. Vấn đề huy động nguồn lực
Thủ tướng đề nghị đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội, tăng cường hợp tác công - tư, đồng thời huy động vốn qua các kênh hợp pháp như tín dụng ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu, ODA… Vừa qua, đã xảy ra một số vi phạm liên quan tới các thị trường này, nhưng cần khẳng định đây chỉ là thiểu số, chúng ta phải cương quyết xử lý để làm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ các nhà đầu tư chân chính, không hình sự hóa các quan hệ dân sự - kinh tế.
12. Vấn đề truyền thông
Thủ tướng lưu ý một số nơi chưa coi trọng công tác truyền thông. Phải đầu tư hơn nữa cho công tác truyền thông, không để khủng hoảng truyền thông.
13. Việc tổ chức thực hiện
Trên cơ sở lựa chọn trọng tâm, trọng điểm cho đúng, trúng, thực hiện đúng quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường gặp gỡ, trao đổi giữa các bên liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rà soát thể chế, cơ chế, chính sách, đề xuất với các cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền để hoàn thiện, bổ sung, huy động sức mạnh của người dân và doanh nghiệp.