9 địa phương trên gồm: Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang. Theo đó, các địa phương này được yêu cầu công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng, đảm bảo có đầy đủ các loại vật liệu xây dựng cho công trình giao thông, phản ánh đúng mặt bằng giá thị trường và mức độ biến động tại khu vực xây dựng dự án.
Thời gian gần đây, giá vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu cao tốc Bắc Nam gặp khó, giá thực hiện các gói thầu tăng 20-30% so với giá trúng thầu. Các doanh nghiệp cho biết, chi phí phát sinh sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá do địa phương công bố.
Tuy nhiên, việc công bố giá và chỉ số giá của địa phương chưa sát thực tế. Đại diện Vinaconex lấy ví dụ, tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, giá thép hiện hơn 19.000 đồng một kg, nhưng giá công bố của địa phương là hơn 18.000 đồng; giá đất hiện là 158.000 đồng một m3 trong khi giá công bố 105.000 đồng.
Ngoài ra, các địa phương cũng được yêu cầu sớm hoàn thành phần giải phóng mặt bằng còn lại của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án này đã đạt 99,99% nhưng vẫn còn một số tồn tại. Địa phương cần bàn giao mặt bằng trong tháng 4 này.
Riêng địa bàn tỉnh Ninh Bình và Bình Thuận cần vận động người dân tạo điều kiện cho nhà thầu khai thác vật liệu đất từng phần ngay sau khi bồi thường các loại nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu...
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Chính phủ đã thông qua mục tiêu hoàn thành toàn bộ dự án (gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 652,86 km) trong năm 2024, trong đó 4 dự án thành phần: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây phải hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm nay.