Anh Xuân Tùng (29 tuổi, kỹ sư CNTT tại Hà Nội chia sẻ trên một diễn đàn về bất động sản: “Tôi năm nay 29 tuổi, sống tại Hà Nội. Thu nhập cố định từ lương của tôi là 18 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra tôi có kinh doanh nhỏ lẻ bên ngoài thu nhập không cố định, rơi vào khoảng 15-20 triệu đồng mỗi tháng. Vợ tôi làm kế toán, thu nhập mỗi tháng 10 triệu đồng. Cô ấy cũng kinh doanh ngoài được thêm 4-5 triệu đồng một tháng. Chúng tôi mới cưới đầu năm nay, hai vợ chồng tiết kiệm được 450 triệu đồng.
Với điều kiện như trên, liệu chúng tôi có nên mua trả góp nhà hay không và nên vay tối đa bao nhiêu? Nhà giá khoảng bao nhiêu tiền sẽ hợp lý? Ai đã từng vay ngân hàng mua nhà, chia sẻ giúp tôi gói vay để có thể tham khảo. Xin cảm ơn”.
Khá nhiều cặp vợ chồng trẻ muốn mua nhà trả góp nhưng chưa biết nên vay tối đa bao nhiêu là hợp lý
Câu hỏi của anh Tùng sau khi được đăng tải đã thu hút sự quan tâm, góp ý và chia sẻ của nhiều người. Phần lớn ý kiến góp ý đều là của người mới mua nhà nên có những chia sẻ khá thực tế về kế hoạch chi tiêu, số tiền vay, thời gian vay và phân khúc nhà phù hợp.
Tài khoản Nam Anh đưa ra lời khuyên: Bạn tính toán sao cho số tiền gốc và lãi trả ngân hàng chiếm 50% số thu nhập chính thức của cả hai. Số thu nhập bên ngoài là không cố định nên không nên đưa vào khoản thu nhập chắc chắn, nếu khoản đó tốt lên bạn có thể trả thêm vào ngân hàng, nếu không bạn sẽ gặp khó khăn.
Bạn nên vay tối thiểu là 10 năm để số gốc phải trả hàng tháng không bị lớn quá, áp lực hàng tháng cũng nhẹ nhàng hơn. Bởi trong tương lai gần, khi có con thì chi phí nuôi con tối thiểu cũng chiếm khoảng 2 triệu/tháng, chưa kể chi phí khi có giúp việc.
Tài khoản Minh Minh cũng cho rằng, tổng thu nhập 50 triệu nhưng thực tế không phải là cố định được như vậy hàng tháng. Nếu bạn mua nhà theo dự trù trên thì đó chính là áp lực dẫn đến mâu thuẫn đấy. Theo mình, thu nhập bao nhiêu không quan trọng, quan trọng mỗi tháng để dành được bao nhiêu.
Một ý kiến khác có tên Trương Thanh Hùng - là người đã từng vay ngân hàng mua nhà cũng cho rằng, khi mua nhà điều quan trọng nhất là phải dựa vào khả năng tài chính của mình, chỉ nên vay 30% giá trị căn nhà, và thu nhập sau khi mua nhà phải ổn định để trả lãi gốc và sinh hoạt.
“Theo kinh nghiệm của tôi, bạn chỉ nên mua nhà hoặc căn hộ giá dưới 1.5 tỷ đồng. Bạn nên mua căn nhỏ tiện cho việc đi làm và học hành cho con cái. Khoản vay nên để trong thời hạn 10 - 15 năm để giảm áp lực trả nợ. Nếu bạn tiết kiệm được 1 khoản lớn thì mình xin tất toán.
Bạn phải luôn nhớ thu nhập là 1 việc luôn thay đổi và mình phải luôn dự trù cho những trường hợp xấu nhất xảy ra. Nhà cửa là quan trọng nhưng cố mua để rồi trả nợ trong thời gian dài cũng rất mệt, bản thân gia đình tôi trải qua 8 năm trả nợ để có căn nhà thật sự mệt mỏi” – tài khoản Trương Thanh Hùng góp ý.
Đa số nhiều người khuyên chỉ nên vay tối đa 30-40% giá trị nhà hoặc trả ngân hàng không quá 70% thu nhập
Rất chi tiết và thiết thực, tài khoản Trinh Hung đã chia sẻ từ chính bài toán chi tiêu của gia đình mình: “Vợ chồng mình cũng có thu nhập tương đồng như 2 bạn, nhưng mình có 2 con rồi. Theo kinh nghiệm của mình, bạn có thể mạnh dạn vay ngân hàng mua nhà và tuân thủ các bước sau:Thứ nhất, đánh giá thu nhập của mình có ổn định và tăng không, ít nhất là trong vòng 5 năm tới. Thứ hai, các thu nhập từ việc làm thêm, do không ổn định, nên bạn đừng tính nó vào, nếu không có nó thì mình vẫn trả gốc lãi được từ tiền lương ổn định. Thứ ba, tiền gốc và lãi trả ngân hàng hằng tháng không được quá 70% thu nhập từ nguồn lương ổn định. Sở dĩ như vậy vì vì 2 bạn chưa có bé, trong vòng 2-3 năm tới, nếu quyết định có con thì số này giảm xuống 60% hoặc 50% tùy mức các bạn chi phí cho con.
Điểm cuối cùng, bạn có thể lựa chọn căn hộ hoặc nhà đất có khả năng tăng giá, vị trí dễ bán (phần tăng giá sẽ bù vào lãi ngân hàng, nếu chẳng may mình mất việc). Chúc bạn sớm tìm được nhà như ý!”
Tuy nhiên, một tài khoản khác thì lại đưa ra lời khuyên nên thuê nhà. Với thu nhập 50 triệu đồng một tháng, theo tôi vẫn nên thuê nhà với giá tầm hơn 10 triệu đồng. Cố gắng tích lũy và coi như mình đã mua ngôi nhà đó bằng vay ngân hàng. Mỗi năm dành số tiền dư để tiết kiệm hoặc đầu tư ít nhất được 300 triệu đồng (sau khi trừ tiền ở 10 triệu đồng và tiền ăn 15 triệu/ tháng). Khoảng vài năm nữa ta sẽ có cái nhà mà vẫn khỏe, vẫn hạnh phúc, thư thái.
Theo các chuyên gia tài chính, dù đã có nhà hay ở nhà thuê thì để cân đối và đảm bảo đủ số tiền dành cho sinh hoạt, y tế, đi lại, mua sắm, xã giao..., mỗi người không nên dành quá 30-40% tổng thu nhập hàng tháng cho nhà ở. Công thức này được áp dụng rộng rãi và con số cụ thể sẽ tùy thuộc vào môi trường sống và thói quen sinh hoạt của mỗi người. Đối với người đã có nhà riêng, khoản tiền 30% này gồm các chi phí như tiền điện nước, thuế nhà đất, lãi thế chấp, phí bảo trì. Như vậy, nếu thu nhập hàng tháng của gia đình bạn là 50 triệu thì bạn không nên chi quá 20 triệu đồng cho nhà ở.