Bất chấp những bất ổn toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì được sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Các dự báo cho biết kết quả thu hút, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp đà tăng trưởng trong những tháng tới và khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi, phát triển nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Kết thúc tháng 9, cả nước đã thu hút được 20,21 tỷ USD vốn FDI, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng thời gian, kết quả giải ngân nguồn vốn này cũng đạt 15,9 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Như vậy, trong 9 tháng đã có gần 16 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đưa vào nền kinh tế.
Lãnh đạo Cục Đầu tư Nước ngoài cho biết các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục có xu hướng cải thiện hơn theo từng tháng so với các tháng đầu năm. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng so với cùng kỳ, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Trong Báo cáo cập nhật Tình hình Kinh tế Vĩ mô của Việt Nam công bố mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định cam kết và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài ổn định phản ánh sự quan tâm của các nhà vốn đầu tư nước ngoài đối với các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam bất chấp những bất ổn toàn cầu.
Đặc biệt, giới đầu tư truyền thông như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản… ngày càng khẳng định niềm tin, sự quyết tâm duy trì hoặc nâng cấp quy mô đầu tư tại Việt Nam.
Họ đang hiện thực hóa mục tiêu chiến lược là biến Việt Nam thành "cứ điểm" sản xuất các loại sản phẩm chất lượng cao nhằm tham gia vào chuỗi sản xuất-cung ứng toàn cầu với cấp độ cạnh tranh quyết liệt.
Cụ thể ở Đồng Nai, 9 tháng năm 2023 thu hút được hơn 120 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn gần 940 triệu USD, đạt gần 134% kế hoạch năm.
Theo ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghiệp Đồng Nai, điểm nổi bật trong thu hút FDI của tỉnh là có nhiều doanh nghiệp đầu tư từ Trung Quốc đã chuyển một phần vốn sang Việt Nam.
Trong 9 tháng, Đồng Nai cấp mới gần 50 dự án FDI; trong đó, 17 dự án vốn đầu tư từ Trung Quốc với tổng vốn gần 150 triệu USD.
Đây hầu hết là các dự án thuê nhà xưởng để sản xuất, kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực dệt may, linh điện điện tử, hàng gia dụng.
Đặc biệt, suất đầu tư bình quân tại các dự án đạt cao với gần 6 triệu USD/ha. Các dự án không thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, không thâm dụng lao động, đảm bảo tiêu chí về công nghệ tiên tiến.
Không những thế, Đồng Nai cũng đã thu hút được nhiều dự án có vốn lớn, điển hình như dự án của Công ty Kingfa Science & Technology Vietnam, vốn đăng ký 80 triệu USD; dự án sản xuất của Công ty Evertie Lighting Việt Nam, vốn đầu tư 27 triệu USD; dự án Nhà máy ZIEHL-ABEGG Việt Nam, vốn đầu tư 20 triệu USD.
Ông Nguyễn Trí Phương khẳng định nhờ vị trí địa lý thuận lợi, ngành chức năng không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng nên Đồng Nai được nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá khu vực đầu tư nước ngoài góp phần quan trọng vào phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế Việt Nam. Khu vực này thường xuyên chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Các dự báo cho biết kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI sẽ tiếp đà tăng trưởng trong những tháng tới và chắc chắn sẽ là nguồn lực bổ sung quan trọng, bù đắp cho những hạn chế của lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, nhiều nhà đầu tư đang rất quan tâm đến Việt Nam, nhất là đối với mục tiêu triển khai các dự án quy mô vừa và nhỏ.
Thực tế cho thấy Chính phủ, các bộ và địa phương luôn theo sát tình hình, chủ động hoàn thiện khung khổ pháp lý, cải thiện chất lượng môi trường kinh doan, đặc biệt là triển khai nhiều giải pháp kêu gọi, xúc tiến đầu tư nước ngoài.
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital cho biết trong số hơn 150 nhà đầu tư đến tham dự Hội nghị Nhà đầu tư 2023 vừa qua tại TP HCM, nhiều nhất là các nhà đầu tư đến từ khu vực Bắc Á như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Số nhà đầu tư này đại diện cho các tập đoàn, quỹ đầu tư đang quản lý nguồn vốn khoảng 1.000 tỷ USD.
“Lượng khách tham dự tăng mạnh trong năm nay cho thấy Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn bao giờ hết. Đây là cơ hội để các chuyên gia của VinaCapital chia sẻ sâu hơn về những cơ hội đầu tư hấp dẫn trên thị trường Việt Nam,” ông Don Lam cho hay.
Qua khảo sát sơ bộ, nhà đầu tư nước ngoài đang đặc biệt quan tâm đến câu chuyện chuyển đổi xanh và tiềm năng của lĩnh vực tiêu dùng ở Việt Nam, đặc biệt là ngành bán dẫn, chip.
Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam hút thêm dòng vốn trung dài hạn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Bên cạnh các quỹ đầu tư, Tập đoàn VinaCapital cũng đang hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, góp phần củng cố nền tảng vững chắc để kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và toàn diện.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng giai đoạn phát triển mới đang mở ra cơ hội mới cho Việt Nam trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn lực phát triển này chứa đựng trong đó tiềm năng to lớn để tạo đột phá trong phát triển kinh tế.
“Do đó, mấu chốt vấn đề ở đây là hệ thống thể chế kinh tế thị trường hiện đại, quản trị thông minh cộng với các điều kiện nền tảng đồng bộ là hạ tầng kết nối, nguồn nhân lực chất lượng, lực lượng doanh nghiệp bản địa cần đủ mạnh để kết nối," ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Còn chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng Chính phủ cần rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Cùng với đó, cần thay thế chính sách ưu đãi thuế bằng việc hoàn thiện môi trường đầu tư và các biện pháp phù hợp nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn lao động, cũng như cần phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các tỉnh, vùng kinh tế tạo thuận lợi cho thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghiệp Đồng Nai cho rằng hiện, quỹ đất công nghiệp còn lại của tỉnh để sẵn sàng cho thuê không còn nhiều. Vừa qua, một số tập đoàn lớn muốn đầu tư vào tỉnh song địa phương chưa có quỹ đất để bố trí, giới thiệu cho nhà đầu tư; đồng Nai, mong cơ quan Trung ương sớm thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư 5 khu công nghiệp mới, tạo cơ hội cho tỉnh thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao.
“Ngoài các giải pháp chung như ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Thời gian tới Việt Nam tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phù hợp với môi trường kinh doanh số, trong đó nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực công nghệ cao; đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục liên quan tới đầu tư theo hướng đơn giản hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ra đời, phát triển," Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định.