Thời sự

Thu hút FDI sẽ tích cực hơn trong những quý còn lại của năm 2022

CTCP Chứng khoán VNDirect đưa ra nhận định trên trong báo cáo mới nhất và dự đoán vốn FDI đăng ký và vốn FDI thực hiện trong năm 2022 tăng trưởng lần lượt 10% và 9% so với cùng kỳ. 

Vốn FDI thực hiện tăng 8,7% so với cùng kỳ lên 1,7 tỷ USD trong tháng 3 vừa qua. Trong quý I, vốn thực hiện của các dự án FDI tăng 7,8% so với cùng kỳ lên 4,4 tỷ USD. Trong khi đó, vốn đăng ký của các dự án FDI lại sụt giảm, chỉ đạt mức 3,9 tỷ USD (-16,1% so với cùng kỳ) trong tháng 3.

Trong quý I vốn đăng ký của các dự án FDI giảm 12,0% so với cùng kỳ xuống còn 8,9 tỷ USD. Cụ thể hơn, có 322 dự án (+37,6% so với cùng kỳ) được cấp phép mới trong quý I với số vốn đăng ký 3,2 tỷ USD, giảm 55,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ 2021; 228 dự án được cấp phép trong các năm trước được phê duyệt điều chỉnh tăng vốn đầu tư (FDI tăng thêm) với tổng vốn tăng thêm 4,1 tỷ USD (+93,3% so với cùng kỳ); 734 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 1,6 tỷ USD, tăng 102,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Vốn đăng ký của các dự án FDI giảm trong quý I chủ yếu do cùng kỳ năm ngoái ghi nhận một dự án quy mô rất lớn, tiêu biểu là nhà máy điện khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) Long An I, II trị giá 3,1 tỷ USD và nhà máy nhiệt điện Ô Môn II trị giá 1,3 tỷ USD.

Trong khi đó, vốn đăng ký của dự án FDI lớn nhất trong 3 tháng đầu năm 2022 là nhà máy sản xuất đồ chơi Lego, trị giá 1,3 tỷ USD. Điểm tích cực trong năm nay là số lượng dự án được cấp phép mới trong quý I đã tăng mạnh, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có cái nhìn tích cực về triển vọng vĩ mô và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

 

Cũng đưa nhận định tích cực về dòng vốn FDI vào Việt Nam, Chứng khoán Agribank (Agriseco) trong báo cáo mới đây nhấn mạnh vốn thực hiện FDI đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại cho thấy sự tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn, giúp tăng trưởng kinh tế. Agriseco kỳ vọng khi đường bay mở cửa trở lại, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh nhờ vào sự phục hồi kinh tế và vị thế của Việt Nam trong khu vực châu Á.

Việc các dự án FDI mới đầu tư vào Việt Nam trong quý I cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp FDI vào thị trường Việt Nam vẫn đang gia tăng. Singapore, Hàn Quốc, Đan Mạch tiếp tục là các quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm.

Trong khi đó, cho rằng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài được cải thiện và tích cực hơn trong năm 2022 nhờ hai yếu tố. Thứ nhất, Việt Nam mở cửa hoàn toàn giao thương quốc tế từ ngày 15/3, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia từ đối tác đến Việt Nam nghiên cứu và ký kết hợp đồng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã bị trì hoãn do ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách và đóng cửa đường bay quốc tế trong năm 2020-2021.

Yếu tớ thứ hai, KBSV cho rằng Việt Nam vẫn đang là điểm đến lý tưởng nhờ các yếu tố thuận lợi nhờ số lượng lớn các hiệp định FDA đã ký kết, vị trí địa lý lý tưởng, lực lượng lao động dồi dào với chi phí nhân công thấp tương đối, cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm