Nói chuyện tiêu cực
Hầu hết chúng ta đều nói về bản thân một cách tiêu cực. Bạn thường thầm mắng mình trong những tình huống đau buồn hoặc không lựa chọn đúng, thấy hối hận hoặc phóng đại một khuyết điểm vì thấy xấu hổ.
Chúng ta thường không nhận ra sức mạnh của lời nói. Lời nói kết tinh cảm xúc và những lời bạn lặp lại với chính mình sẽ trở thành hiện thực.
Nghiên cứu của tiến sĩ Masaru Emoto, Nhật Bản, về phản ứng của nước đã trở thành ví dụ điển hình cho sức mạnh ngôn từ. Ông phát hiện ra các tinh thể hình thành từ nước đóng băng có thể thay đổi để biểu lộ suy nghĩ về chúng. Nước ở những dòng suối trong sạch, được tiếp xúc với những ngôn từ đáng yêu thường có kết cấu đa dạng, rực rỡ và dạng bông tuyết đầy màu sắc. Ngược lại, nước ô nhiễm hay tiếp xúc với những suy nghĩ tiêu cực có kết cấu thiếu hoàn chỉnh, bất đối xứng, màu mờ tối.
Cách giảm bớt những đối thoại tiêu cực là loại bỏ ý nghĩ cực đoan. Bạn nên dừng sử dụng những từ như "luôn luôn", "chỉ" và "không bao giờ". Những từ này tạo cảm giác cuối cùng, làm các tình huống dường như thành vĩnh viễn.
Nên sử dụng những từ vựng tích cực. Ví dụ, trong khoảnh khắc đau buồn, hãy nghĩ "điều này cũng sẽ qua". Hãy cố nhìn bức tranh toàn cảnh về con người thay vì chỉ tập trung vào một khuyết điểm hay thất bại.
Làm hài lòng người khác
Đôi khi, bạn nghĩ làm hài lòng người khác là cách tạo ấn tượng tốt, nhưng cách tốt nhất để tạo ấn tượng là sự tự tin.
Thói quen làm hài lòng người khác đặt giá trị của bạn vào tay người khác và những ý tưởng bất chợt. Sống theo tiêu chuẩn và yêu cầu của người khác chỉ khiến bạn mất đi sự tự chủ và tự tin.
Giữ tình bạn độc hại
Những người độc hại nói về bạn một cách tiêu cực. Họ khiến bạn nghi ngờ bản thân, thấy tồi tệ khi ở bên họ.
Nhiều bài viết liệt kê những biểu hiện của tình bạn độc hại mà bỏ qua ảnh hưởng của thời gian đối với mối quan hệ đó. Đa số chúng ta đều cho rằng theo thời gian, một mối quan hệ sẽ phát triển. Tuy nhiên, thời gian cũng có thể biến một tình bạn thành độc hại.
Nên thiết lập ranh giới về cách trò chuyện, ứng xử với nhau để hạn chế tiêu cực, nếu bạn còn muốn duy trì tình bạn. Khi ranh giới được thiết lập không mang lại hiệu quả, hãy mạnh dạn loại bỏ tình bạn đó.
So sánh
Một thói quen khác phá hủy sự tự tin là so sánh bản thân với người khác. Khi so sánh, bạn đem giá trị, sự nỗ lực của mình so với giá trị mà bạn cảm nhận ở người khác. Nhưng những yếu tố đó không bao giờ đủ.
Hãy sống cuộc sống của mình, cố gắng hoàn thành những kỳ vọng bản thân đặt ra. Không nên lướt mạng xã hội quá nhiều, vì những gì hào nhoáng trên mạng chỉ là khoảnh khắc mà người đăng đã chọn lọc kỹ.
Bạn cũng đừng mong thành công đến sớm và đừng bỏ cuộc chỉ vì chưa tiến bộ.
Bỏ bê bản thân
Sự thờ ơ bao gồm việc bạn không quan tâm đến vẻ ngoài hoặc không cho mình được phép làm điều thực sự muốn. Nó hủy hoại sự tự tin vì khiến bạn phải sống nửa đời người, muốn mà chẳng bao giờ dám thực hiện.
Khi không có được thứ mình muốn, bạn thấy bất lực, sự tự tin bị xói mòn.
Vì vậy, hãy can đảm và kỷ luật để theo đuổi cuộc sống mà bạn muốn.
(Theo Psych2go)