Sáng 28/9, báo cáo tại hội nghị sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão Yagi, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết Quảng Ninh tổn thất nhiều nhất với 24.800 tỷ đồng; Hải Phòng 12.200 tỷ; Hải Dương 7.400 tỷ; Lào Cai 6.600 tỷ; Yên Bái 5.730 tỷ; Bắc Giang 5.000 tỷ; Hưng Yên 3.600 tỷ đồng... Riêng thiệt hại nông nghiệp hơn 30.800 tỷ đồng, chiếm 38% tổng thiệt hại kinh tế.
Một tuần trước trong bài viết Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn thống kê thiệt hại kinh tế do bão Yagi là 61.000 tỷ đồng, khiến GDP cả nước năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản đề ra (6,8-7%).
Bão Yagi với sức gió lúc đổ bộ cấp 12-14 khiến 344 người chết và mất tích, trong đó số chết và mất tích do sạt lở đất, lũ quét 264 người. Riêng Lào Cai ghi nhận 132 người chết, 19 người mất tích; Cao Bằng 55 người chết và 2 người mất tích; Yên Bái 54 người chết; Quảng Ninh 29 người chết; Hải Dương 8 người chết; Hòa Bình 7 người chết; Phú Thọ 6 người chết và 4 người mất tích; Thái Nguyên 8 người chết; Tuyên Quang 5 người chết.
Ngoài ra, 281.900 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 112.000 nhà ngập; 284.400 ha lúa và 61.100 ha hoa màu ngập úng, hư hại; hơn 5,6 triệu gia cầm chết.
14 sự cố đường dây 500 kV và nhiều sự cố khác khiến hơn 6 triệu khách hàng bị mất điện, trong đó có hơn 430 khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Phương án ứng phó thiên tai diện rộng còn hạn chế
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra hàng loạt khó khăn trong ứng phó bão Yagi, trong đó các kịch bản, phương án với những tình huống thiên tai lớn, diện rộng, vùng sâu khi bị chia cắt còn hạn chế, chưa bài bản, chưa phù hợp thực tế. Cảnh báo nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ "còn chưa cụ thể, người dân chưa hình dung thiệt hại to lớn khi bão đổ bộ cũng như tác động sau khi bão vào". Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó, theo ông Hoan.
Ông Hoan cũng cho rằng còn tình trạng thực hiện chưa nghiêm khuyến cáo phòng chống bão dẫn đến thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản như ở lại trên tàu thuyền, đi lại trên đường khi có gió bão. Có nơi chưa triệt để cắt tỉa cành cây, gia cố nhà cửa, biển quảng cáo dẫn đến bị tốc mái, gẫy đổ rất nhiều.
Phương tiện, trang thiết bị ứng phó thiên tai, cứu nạn còn "thiếu và yếu", chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là khi xảy ra tình huống ở vùng sâu, thời tiết phức tạp như gió bão, mưa lũ lớn, sạt lở chia cắt. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhất là nhà dân còn thấp trước sức tàn phá của bão lũ. Giao thông thường xuyên sạt lở, ngập sâu, chia cắt.
Bộ trưởng Hoan cho rằng công tác dự báo, cảnh báo sớm, chính xác, phạm vi hẹp nhất là về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất có vai trò quan trọng hàng đầu trong điều hành, ứng phó. Tuy nhiên, cảnh báo mưa lớn, lũ vượt lịch sử; dự báo mưa lũ phục vụ vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng (nhất là hồ Thác Bà) "chưa kịp thời, tin cậy, chưa bám sát thực tế".
Các cơ quan cũng chưa xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tới từng thôn bản để người dân biết, phục vụ di dời, sắp xếp dân cư.
Quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng "còn một số hạn chế, bất cập". Cụ thể, quy định về thời gian mùa lũ không phù hợp, quy định về tích nước sớm, vì nhiều trận lũ lớn đã xảy ra vào thời kỳ lũ muộn như năm 2017, năm 2024 dẫn đến dung tích cắt lũ các hồ chứa không đáp ứng yêu cầu cắt giảm lũ cho hạ du. Quy định về thẩm quyền và quy trình thực hiện trong tình huống khẩn cấp đảm bảo an toàn hồ chứa chưa cụ thể, dẫn đến lúng túng, thời gian kéo dài khi phối hợp xử lý (như quy định về tình huống khẩn cấp hồ Thác Bà).
Nhiều địa phương xảy ra ngập lụt nghiêm trọng, kéo dài, diện rộng, kể cả đô thị miền núi. Nguyên nhân là quá trình đô thị hóa, xây dựng công trình, lấn chiếm làm giảm khả năng thoát lũ của các tuyến sông, suối gây ngập úng kéo dài.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá đây là trận lũ lớn nhất kể từ năm 1971 trên toàn bộ đồng bằng sông Hồng - Thái Bình, "là bài học cảnh tỉnh cho các địa phương trong khai thác, sử dụng bãi sông".
Lũ lớn xảy ra trên hệ thống sông Hồng, Thái Bình, nhưng công tác tuần tra canh gác đê, hộ đê tại một số địa phương chưa nghiêm túc, còn chủ quan. Có nơi chưa có lực lượng quản lý đê điều chuyên trách. Tình trạng khai thác cát trái phép còn phức tạp, nhất là sông Lô, uy hiếp đến an toàn đê điều, đã gây sạt trượt thân đê hữu Lô xã Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Một trong những bài học được ông Hoan nêu ra là công tác ứng phó được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, từ sớm từ xa. Công nghệ thông tin, chuyển đổi số được ứng dụng trong chỉ đạo, điều hành, cảnh báo, dự báo.
Dẫn câu chuyện anh Ma Seo Chứ, trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) đã phát hiện và vận động cả thôn 115 người sơ tán đến nơi an toàn, tránh được sạt lở đất, ông Hoan cho rằng cần rút ra bài học chính quyền các cấp và người dân chủ động phát hiện, di dời khỏi khu vực nguy cơ.
"Bão Yagi đi qua đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng về người và tài sản, nhưng cũng đề lại những bài học lớn về tổ chức, chỉ đạo, phối hợp liên ngành phòng chống thiên tai liên quan đến thể chế, hạ tầng, nhân lực", ông Hoan nói.
Địa phương đề xuất hỗ trợ 25.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão lũ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã đánh giá thiệt hại do bão lũ gây ra và đề xuất Chính phủ hỗ trợ hơn 25.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Trên cơ sở này, Bộ đề xuất Thủ tướng hỗ trợ 10.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 cho các địa phương, tập trung hỗ trợ dân sinh, sửa chữa, tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi.
Trước mắt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các đơn vị tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất (Lào Cai, Cao Bằng...). Cơ quan tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho hộ dân nguy cơ thiếu đói; hỗ trợ dân sửa chữa nhà ở; rà soát gia đình mất nhà để tái định cư đến chỗ an toàn. Người dân cần được hỗ trợ nguồn giống để nhanh khôi phục sản xuất.
Các địa phương huy động nguồn lực sửa chữa đê điều, thủy lợi, giao thông, cơ sở y tế, trường học. Cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thiệt hại do bão, mưa lũ cần được giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Các doanh nghiệp bảo kinh doanh bảo hiểm cần khẩn trương bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm.
Về lâu dài, ông Hoan đề xuất thực hiện đồng bộ giải pháp hướng đến mục tiêu "từ ứng phó đến hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu". Trong đó, cần rà soát, điều chỉnh quy chuẩn về xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn trước thiên tai; sửa bất cập trong quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng. Không gian thoát lũ trên các lưu vực sông cần được bảo vệ.
Người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét cần được di dời đến nơi an toàn và được tạo sinh kế bền vững cho họ tại nơi ở mới.
Về cơ sở hạ tầng, ông Hoan đề nghị lắp các trạm cảnh báo lũ quét tự động tại nơi nguy cơ cao. Bản đồ rủi ro thiên tai chi tiết đến những nơi bị chia cắt, vùng ngập trong đô thị cần được xây dựng. "Lấy mực nước cao nhất làm cơ sở quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch hệ thống đê điều, thủy lợi", ông Hoan đề xuất.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đánh giá, bão Yagi "có những đặc điểm bất thường". Đây là cơn bão có cường độ tăng rất nhanh, từ bão tăng lên cấp siêu bão trong 48 giờ và duy trì cấp siêu bão thời gian dài. Khi Yagi đổ bộ phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc) vẫn còn giữ cường độ siêu bão.
Mức độ giảm cấp trên đường đi của Yagi không theo quy luật thông thường. Thông thường, khi bão đi qua đảo Hải Nam vào vịnh Bắc Bộ sẽ suy yếu nhanh, nhưng Yagi cường độ không giảm nhanh, khi áp sát bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng vẫn giữ cấp 12-13. Thông thường bão vào đất liền chỉ khoảng 6-8 giờ hoặc tan nhanh, nhưng thời gian lưu bão Yagi trên đất liền kéo dài 12 giờ.
Theo ông Duy, các cơ quan chưa dự báo được gió giật mạnh cấp 17 trên đất liền bởi chưa từng xảy ra trong lịch sử. Công nghệ hiện nay chưa dự báo được mưa cường suất lớn trên 200 mm/6 giờ. Công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến từng thôn, bản hiện còn khó khăn về mặt khoa học, kể cả với nước tiên tiến.