Bác sỹ cũng bất lực, hoang mang
Điều trị ung thư thực quản ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều hai tháng nay, bà Phạm Thị Chi (ở Hải Dương) quá quen với hình ảnh người bệnh phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ mới được xạ trị. Ngay cả bản thân bà thường xuyên phải đến từ sáng đến chiều, có hôm đến lượt thì bác sĩ thông báo máy xạ trị trục trặc.
Bà Chi nói trường hợp của bà còn "may mắn", nhiều người đợi đến tối muộn, thậm chí thâu đêm suốt sáng chờ xạ trị. Họ hiểu, thực trạng thiếu máy móc thiết bị y tế, nhất là máy xạ trị xảy ra ở hầu hết các bệnh viện lớn cả nước. Vì vậy dù mang trong mình bệnh hiểm nghèo, xạ trị như cơn ác mộng nhưng họ vẫn cố gắng để hy vọng có thêm "cơ hội sống".
"Chúng tôi nghe đài báo được biết máy móc không có là do đấu thầu. Ai cũng lo lắng cho tình trạng bệnh, bởi nếu không đủ máy móc, bệnh nhân ung thư không biết sẽ ra sao", bà Chi nói.
Ông Nguyễn Văn Đức (60 tuổi, ở Quảng Bình) mắc ung thư dạ dày giai đoạn 3. Theo phác đồ điều trị, ông sẽ hoá trị 10 đợt, mỗi lần cách nhau 2 tuần. Mới xạ trị được 4 lần thì số thuốc của bệnh viện không đủ để đáp ứng nhu cầu, máy móc cũng quá tải khiến khoảng cách mỗi lần xạ trị kéo dài hơn so với dự kiến. Lần xạ trị gần đây nhất là 1 tháng. Việc gián đoạn xạ trị ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị cũng sức khoẻ của ông và nhiều người bệnh khác.
Chứng kiến tất cả, không ai là không đau xót. "Cảm giác không cứu được bệnh nhân, như là một sự tra tấn tinh thần đối với các thầy thuốc" , TS.BS cao cấp Võ Văn Xuân - Trưởng khoa Xạ trị 5, Bệnh viện K từng chia sẻ như vậy trên báo Lao động.
BS Xuân và đồng nghiệp nhiều lần cảm thấy bất lực trước tình trạng thiếu máy móc, không có trang thiết bị, phương tiện để điều trị cho bệnh nhân.
Máy xạ trị tại Bệnh viện K "đắp chiếu" thời gian qua, còn bệnh nhân mỏi mòn chờ được điều trị.
"Không được điều trị kịp thời, trước hết là bệnh nhân sẽ rất đau đớn. Việc điều trị kéo dài thời gian chắc chắn cũng ảnh hưởng đến quá trình tiến triển của bệnh, phải chờ xạ trị đến 1 tháng, bệnh ung thư có thể nhảy từ giai đoạn 1 lên giai đoạn 2, giai đoạn 3 lên giai đoạn 4", nam bác sĩ nói.
Không chỉ bác sĩ Xuân, mà rất nhiều bác sĩ chia sẻ, nhiều đêm không ngủ được. Mỗi lần nhắm mắt lại, những gương mặt mệt mỏi, lo lắng, cùng những lời khẩn cầu cứu lấy bệnh nhân lại hiện lên trong tâm trí họ.
GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K từng chia sẻ với báo chí thời điểm cuối năm ngoái rằng, trước đây bệnh viện có 9 máy xạ trị, nay chỉ có 5 máy hoạt động. Có máy đã hết khấu hao, nên các máy còn lại hiện hoạt động hết công suất 23-24 tiếng/ngày, bệnh nhân ung thư phải thức cả đêm xạ trị.
Hiện bệnh viện cần khoảng 10 máy nữa, trong khi giá một máy 130 tỷ đồng. Vì vậy để đầu tư cần rất nhiều tiền, đơn vị không thể lo nổi.
"Trong hai năm thực hiện việc thí điểm tự chủ toàn diện, Bệnh viện K chưa đầu tư được thiết bị mới nào. Với ngành Y tế, việc có đầy đủ máy móc, thiết bị rất quan trọng trong công tác khám chữa bệnh. Hơn nữa, các máy móc, thiết bị phục vụ việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư thường rất đắt tiền" , bác sỹ Quảng nói.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đô, Bệnh viện Chợ Rẫy xót xa nhìn đống máy móc hỏng không được thay thế.
Cũng trong tình cảnh tương tự, bác sĩ Nguyễn Văn Đô, Trưởng khoa Xạ trị, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) hoang mang khi viện có 4 máy xạ trị gia tốc nhưng chỉ 2 máy đang hoạt động. Số máy còn lại đã “đóng băng” gần một năm qua, trong khi lượng bệnh nhân mỗi ngày một tăng.
Trung bình mỗi ngày, gần 400 bệnh nhân ung thư sẽ xạ trị. Trang thiết bị hiện tại không thể đáp ứng nhu cầu thực tế.
"Hai máy dừng hoạt động từ quý 2/2022 vì hết thời gian bảo hành, đang chờ mua gói bảo trì song vướng các vấn đề đấu thầu. Nếu xạ trị không đúng kế hoạch điều trị, việc kiểm soát bệnh chắc chắn sẽ không tốt. Nhìn bệnh nhân ốm yếu mà không thể cứu chữa, thấy bản thân rất bất lực và vô dụng, thậm chí hoang mang", bác sĩ Đô nói.
Bệnh viện Trung ương xơ xác hơn trạm y tế xã
"Từ ngày 1/3, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) hạn chế mổ xếp lịch để ưu tiên cấp cứu, chỉ chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết, do thiếu vật tư, hóa chất", thông báo được bệnh viện đưa ra sáng 24/2, trước bối cảnh nguồn vật tư, hóa chất cạn kiệt, trong khi không thể đấu thầu mua sắm do vướng mắc về thủ tục.
GS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, có những xét nghiệm đơn giản như công thức máu chỉ còn một tuần nữa là không còn hóa chất để dùng nếu như sử dụng bình thường. Bên cạnh đó, số lượng vật tư điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống tại đơn vị cũng hạn chế, chỉ chỉ định cho trường hợp cấp cứu.
"Đây là việc cấp cứu của cấp cứu cần được tháo gỡ. Chúng ta chỉ còn khoảng thời gian từ một tuần tới hai tuần nữa. Không tháo gỡ thì các bệnh viện hầu như sẽ không hoạt động được", ông Giang nói.
Việt Đức là bệnh viện hạng đặc biệt, đầu ngành ngoại khoa. Năm 2022, bệnh viện thực hiện hơn 79.000 ca mổ. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân nội trú và khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám.
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức trong ca phẫu thuật.
Không những vậy, bệnh viện còn thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống.
Bên cạnh đó, các vật tư tiêu hao dành cho mổ xẻ cũng chỉ đủ dùng trong một tháng nữa. Theo quy định của luật pháp, việc mua các vật tư tiêu hao phải đảm bảo các vật tư đó được phép lưu hành trên thị trường và có giấy phép. Hầu hết giấy phép cho các vật tư tiêu hao hiện nay chưa được cấp, chưa được gia hạn nên các đơn vị không thể mua hay đấu thầu.
Ngoài ra, các vấn đề khác như tính giá dịch vụ, đấu thầu thuốc tập trung, mua thuốc theo Hiệp định CPTPP, thuốc hiếm, thuốc gây nghiện… hiện chưa biết cách nào xử lý để các bệnh viện có thể hoạt động được. Trước những khó khăn này, bệnh viện đã họp rất nhiều lần, kể cả họp Đảng ủy, họp Hội đồng khoa học mở rộng tới tất cả trưởng, các bộ phận, đơn vị để tháo gỡ nhưng chưa thể giải quyết.
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Đức mà còn ở một số bệnh viện tuyến cuối khác. Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai không mua được máy móc và hóa chất xét nghiệm, phải gửi bệnh nhân đến cơ sở khác chụp chiếu. Hiện Bệnh viện Chợ Rẫy thiếu hoặc phải dừng hoạt động nhiều trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như máy chụp cắt lớp vi tính (CT), máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler màu...
Trong khi đó, GS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, thiết bị y tế là vấn đề vô cùng khó trong giai đoạn hiện nay. Sau Tết, lượng bệnh nhân đến bệnh viện tăng đột biến. Không giống như mọi năm thường quý II hoặc tháng 2, tháng 3 âm lịch người đến khám mới đông, năm nay bệnh nhân tăng đột biến ngay từ mùng 6 Tết.
Ngày đầu tiên sau Tết, bệnh nhân đến khám ngoại trú đã là 6.000 người. Do vậy thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh tại đơn vị đang thiếu trầm trọng. Trong khi đó, hầu hết các thiết bị của Bệnh viện Bạch Mai 10 năm qua thực hiện liên doanh liên kết. Khi hết hợp đồng, các thông tư về liên doanh, liên kết cũng hết hiệu lực. Các bệnh viện đang chờ thông tư mới, quy định mới nên hiện chưa thể tái ký hợp đồng cũng như không thể ký hợp đồng mới được. Bệnh viện không có nguồn ngân sách nào trong việc đầu tư, mua sắm các thiết bị mới.
Nhiều mặt hàng được Bệnh viện Bạch Mai ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu, nhưng đến nay hàng vẫn không được giao do giấy phép nhập khẩu hết hạn, như vật tư ECMO, ống trợ giúp can thiệp động mạch vành, bóng nong động mạch vành...
Ngoài "khát" thiết bị, thuốc, bệnh viện đang đối mặt với những khó khăn về tài chính, phải sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp tiết kiệm hơn 10 năm qua để chi tiêu. Ba năm gần đây, Bạch Mai không được đầu tư cũng như không mua sắm thiết bị. Các tòa nhà xuống cấp trầm trọng, không được duy tu bảo dưỡng, trong khi bệnh viện quá tải, mỗi ngày khám, điều trị 8.000-12.000 bệnh nhân.
"Giờ đây, bệnh viện tuyến Trung ương mà xơ xác, nghèo nàn hơn cả trạm y tế xã với 3 không "thuốc không, thiết bị không, tiền không" , GS Đào Xuân Cơ nói.
Bệnh viện Bạch Mai cũng đang phải bỏ nhiều thiết bị y tế, do thông tư liên doanh liên kết hết hiệu lực, trong khi thông tư mới chưa ban hành. Do đó, đơn vị không thể tái ký hợp đồng, còn mua mới thì "không có tiền". Việc này đang ảnh hưởng đến hàng nghìn người bệnh, trong đó có nhiều trường hợp mắc bệnh nan y hiểm nghèo.
Thiếu thiết bị, thiếu thuốc bắt nguồn từ đâu?
Bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) mới đây tiếp tục nêu loạt khó khăn, vướng mắc về mua sắm, thiếu thiết bị y tế mà nơi này đang gặp phải.
Từ 1/1/2022 khi Nghị định 98/2021 có hiệu lực thi hành đến nay, việc thu thập đầy đủ các báo giá cũng như tham khảo giá kê khai, công khai trên cổng thông tin gặp rất nhiều khó khăn.
Hầu hết các trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như máy chụp cắt lớp vi tính (CT scanner), máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler màu… đều không có đủ 3 báo giá theo quy định để thực hiện đấu thầu mua sắm mới trang thiết bị y tế cũng như sửa chữa, bảo trì. Vì vậy, hiện bệnh viện thiếu hoặc phải dừng hoạt động nhiều trang thiết bị y tế kỹ thuật cao.
"Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh viện thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh", ông Thức nói.
Thực tế trong quá trình triển khai, việc có được 3 bảng báo giá gần như không thực hiện được. Dù là Bệnh viện Bạch Mai hay Chợ Rẫy, khi mở gói thầu lớn, những sản phẩm đủ 3 báo giá chỉ dao động 30-40%.
Trên thị trường có hàng trăm loại máy CT với nhiều độ phân giải, nhiều chức năng khác nhau. Mỗi bệnh viện, mỗi tuyến lại mua máy có chức năng và đặc thù riêng biệt theo nhu cầu, nhưng chỉ có một đơn vị kê khai giá thì không thể đáp ứng quy định.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy dẫn chứng máy siêu âm, thậm chí gói thầu đặt stent mạch vành cũng trong tình trạng không đủ 3 báo giá. Bệnh viện đứng trước nguy cơ chỉ có thể đặt stent với những bệnh nhân cấp cứu, còn các trường hợp đặt chương trình phải chờ. Họ đều là các bệnh nhân nặng.
Chưa kể, hiện vẫn không có cơ quan nào kiểm định giá kê khai có chính xác hay không, dẫn đến tình trạng giá kê khai bị đẩy lên cao hơn rất nhiều so với giá bán thực tế. Từ đó, bệnh viện gặp rất nhiều rủi ro khi xây dựng giá mua sắm đấu thầu.
Thủ tục đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế khó thực hiện khiến các bệnh viện rơi vào thế khó.
Giám đốc Việt Đức cũng nêu nguyên nhân của tình trạng thiếu thiết bị y tế hóa chất là do các công ty cung cấp, kèm theo máy đặt, mượn. Trước đây, cơ quan chức năng cho phép thanh toán bảo hiểm y tế với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy đặt, mượn do nhà thầu cung cấp. Như vậy, bệnh viện có nguồn thu cũng như cơ sở pháp lý để đấu thầu mua sắm hóa chất, triển khai các xét nghiệm phục vụ người bệnh.
Tuy nhiên, điểm mới trong Nghị quyết 144 quy định các hợp đồng ký sau tháng 11/2022 (thời hạn áp dụng đến tháng 11/2023) sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả. Do đó, từ tháng 12 năm ngoái, bệnh viện không thể kéo dài hình thức mượn máy, đặt theo kết quả đấu thầu hóa chất như trước, dẫn đến thiếu hụt. Đặc biệt, những hóa chất quan trọng và ảnh hưởng đến cấp cứu, khám, điều trị bệnh nhân như công thức máu, đông máu, Mg... hết số lượng thầu.
Mặt khác, hiện các vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong một tháng, nhưng hầu hết giấy phép với những sản phẩm này vẫn chưa được gia hạn, nên không thể mua sắm.
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức khẩn thiết đề nghị Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan cần "vào cuộc hết sức cấp thiết" để xây dựng, ban hành các thông tư, nghị định, giúp bệnh viện có hành lang pháp lý giải quyết khó khăn.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị Bộ Y tế cần khẩn trương thực hiện sửa đổi, bổ sung Nghị định 98 để giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế.
Cụ thể, việc quản lý giá trang thiết bị y tế (bao gồm cả vật tư y tế, hóa chất), linh kiện thay thế sửa chữa bảo trì phải đảm bảo tính công khai, khách quan với giá trị thực của thiết bị, cũng như phải có cơ quan kiểm soát, chịu trách nhiệm việc kê khai và công khai giá.
Bộ Y tế cần khẩn trương cấp mới, cấp lại, gia hạn số lưu hành, giấy phép nhập khẩu được quy định tại Nghị định 98. Về lâu dài, vị bác sỹ này cho rằng cần xây dựng luật đấu thầu riêng cho ngành Y tế hoặc bổ sung chương đấu thầu cho ngành y tế trong Luật đấu thầu; xây dựng giá gói thầu riêng cho ngành Y tế, đặc biệt là mua sắm trang thiết bị; hướng dẫn thanh toán bảo hiểm cho các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy mượn, đặt.
Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm trong tháng 3
Ngày 25/2, trong công điện yêu cầu các bộ ngành có giải pháp đảm bảo thuốc, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế phải giải quyết dứt điểm thiếu thuốc, trang thiết bị tại một số bệnh viện trong quý I/2023, tránh đùn đẩy, kéo dài không dám chịu trách nhiệm.
Bộ Y tế cần rà soát việc tiếp nhận máy, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng do tổ chức, cá nhân tặng bệnh viện để đưa vào sử dụng, tránh lãng phí. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nhà thầu cung cấp máy cho bệnh viện sau khi trúng thầu.
Tại tọa đàm “Ngành Y vượt khó” sáng 23/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế tập trung giải quyết 3 thách thức lớn.
Thứ nhất, Bộ Y tế đang khẩn trương tham mưu, đề xuất Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết 80 cho phép gia hạn đăng ký tuổi thuốc đến hết năm 2024 để phần nào giải quyết trình trạng thiếu thuốc, thuốc đến hạn.
Thứ hai, Bộ đã dự thảo và trình Chính phủ nghị định 98 sửa đổi. Khi nghị định này ban hành sẽ giải quyết được căn cơ nội dung liên quan đến việc cung ứng trang thiết bị vật tư y tế như các bệnh viện lớn Việt Đức, Chợ Rẫy, Bạch Mai... đang gặp phải.
Thứ ba, Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định 146 sửa đổi về thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và rà soát các văn bản có liên quan đến đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị trong giai đoạn hiện nay.
Bộ Y tế và Bảo hiểm y tế đang rà soát, hướng dẫn các cơ sở thanh toán nợ đọng bảo hiểm y tế của năm 2018, 2019, 2020, 2021. Hai đơn vị thống nhất thanh quyết toán số kinh phí này cho các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước. Tổng kinh phí khoảng 2.500 tỷ.
Như vậy, nếu thanh quyết toán được tất cả cho các cơ sở y tế trên toàn quốc, thì tổng kinh phí khoảng 7.000 tỷ đồng. "Đây sẽ là nguồn lực rất lớn để các cơ sở y tế tái cấu trúc lại trong quá trình cung ứng thuốc, vật tư cũng như đảm bảo công tác chi thường xuyên để duy trì hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh", Thứ trưởng Tuyên nói.