Về vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, với trách nhiệm quản lý cả nước về giáo dục, Bộ GD&ĐT “tuýt còi” là đúng. Luật Giáo dục 2019 và Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên không có bậc THCS. Lâu nay vẫn có 2 trường tuyển sinh lớp 6 trong trường THPT chuyên đó là Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam (Hà Nội) và Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) và đó là một bước đệm để đào tạo học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hiệu quả.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải triển khai theo luật, tạm dừng tuyển sinh lớp 6, không có sự ưu tiên đặc biệt cho địa phương nào nhằm đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh. Mặt khác, cũng cần phải có cơ chế phát triển sớm cho những em có tài năng, năng lực nổi trội. Ông Lâm cho rằng, Bộ GD&ĐT phải giải quyết vấn đề ngay.
“Chúng ta phải nghiên cứu được mô hình đào tạo nhân tài nhưng phải phù hợp năng lực học sinh, chống luyện thi tràn lan khiến học sinh phát triển không đúng lứa tuổi. Bộ GD&ĐT cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc. Về phía phụ huynh cũng không nên tiếc nuối khi trường dừng tuyển sinh lớp 6 từ năm học tới mà cần xem xét lại việc đầu tư cho con luyện thi, chạy theo bằng cấp, điểm số đã đúng hay chưa”. TS Nguyễn Tùng Lâm
Cũng theo TS Lâm, ở góc độ khoa học, học sinh ở bậc tiểu học, THCS tất cả đều phải học một chương trình như nhau đã được Bộ GD&ĐT công bố. Nếu khoác lên cho các em một chương trình học nặng hơn liệu có phù hợp hay không? Và phương thức tuyển sinh thi cử, xét học bạ cũng khiến học sinh phải đi học thêm, luyện thi từ nhỏ gây áp lực rất lớn lên vai trẻ.
“Ngay cả trường THPT chuyên hiện nay cũng cần phải xem xét lại về việc đào tạo vì đa số các trường chạy theo thành tích về số lượng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, không chú trọng đào tạo nhân tài. Trường chuyên phải là môi trường học tập thôi thúc từng học sinh phát triển độc lập hết năng lực, sở trường riêng. Ở chúng ta, em nào được chọn thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế môn nào thì chỉ tập trung môn đó, những môn khác coi nhẹ, bỏ ngỏ”, TS Lâm nói.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, ngành giáo dục cần có chính sách lâu dài, ổn định trong tuyển sinh để phụ huynh yên tâm, an lòng. Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam năm nào cũng tuyển sinh lớp 6 rất căng thẳng, tỉ lệ chọi cao, áp lực cho học sinh luyện thi rất lớn. “Do đó, theo luật và cả thực tiễn, tôi cho rằng việc dừng tuyển sinh bậc THCS là đúng và việc này cần phải làm từ rất lâu rồi ”, PGS Nhĩ nói.
Theo Sở GD&ĐT, sở dĩ sự tồn tại của bậc THCS trong trường THPT chuyên lâu nay có căn cứ pháp lý, đó là hệ THCS chất lượng cao và đào tạo nguồn học sinh chuyên được thực hiện theo Luật Thủ đô. Điều 12 Luật Thủ đô có nội dung: “ Xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Việc theo học tại các cơ sở giáo dục chất lượng cao theo nguyên tắc tự nguyện”. Điều đó đã tạo ra cơ chế đặc thù riêng cho thủ đô.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, Luật Giáo dục 2005 quy định trường chuyên chỉ có ở cấp THPT. Nội dung này cũng được giữ nguyên ở Luật Giáo dục 2019. Mô hình khối THCS trong trường chuyên không nằm trong quy định pháp lý nào.
Năm 2023, Bộ GD&ĐT có Thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên, trong đó, các trường THPT chuyên sẽ không còn lớp không chuyên. Và đương nhiên, các lớp THCS không chuyên trong các trường chuyên cũng phải ngừng tuyển sinh. “Do đó, việc duy trì hay ngừng tuyển sinh lớp 6 của Trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam và Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa không phải là việc Bộ muốn cho phép hay không cho phép mà quy định đã ban hành có hiệu lực thì phải thực thi”, ông Thành khẳng định.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo nguồn cho trường THPT chuyên là nhiệm vụ của tất cả các trường THCS chứ không phải chỉ của riêng một số trường THCS có chất lượng cao. Trên thực tế, có một số học sinh đỗ cao trong các kỳ thi, đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực chỉ học ở các trường bình thường thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội không phát triển.