Tài chính

Thị trường Tài chính Việt Nam đang có dấu hiệu "trời yên biển lặng" trở lại?

 TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia. (Ảnh: Quốc hội).

PV: Theo ông các ngân hàng trung ương trên thế giới đã phải đối diện với những khó khăn gì trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2022?

TS. Trương Văn Phước: Năm 2022, kinh tế thế giới rơi vào giai đoạn cực kỳ khó khăn. Đó là hậu quả của COVID-19, của sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Các nước trên thế giới cho rằng việc đưa ra các gói hỗ trợ tiền tệ khổng lồ sẽ giúp cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng nhiều nhân tố vượt ngoài dự đoán.

Giữa tháng 2/2022, xung đột Nga – Ukraine diễn ra không chỉ là về quân sự mà còn ảnh hưởng tới nhiều góc độ kinh tế, tài chính, tiền tệ. Nó làm trầm trọng hơn sự đứt gãy chuỗi cung ứng, trong đó có cung ứng về lương thực vì Nga, Ukraine là những quốc gia sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn lương thực thực phẩm tương đối lớn.

Kế đến là các lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu đối với Nga, sự đáp trả của Nga về khí đốt tạo nên khủng hoảng năng lượng. Các gói hỗ trợ tiền tệ trước nay đang quá lớn giờ gặp phải nhiều bất trắc khiến lạm phát bùng lên ở hầu hết quốc gia trên thế giới.

Theo đó, các ngân hàng trung ương (NHTW) phải phản ứng bằng chính sách tiền tệ, thông qua việc tăng nhanh lãi suất. Việc Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) tăng dồn dập lãi suất lên đến trên 4% hiện nay đã tạo ra bước ngoặt mới trên thị trường tiền tệ quốc tế do các dòng vốn quay trở lại Mỹ để hưởng lợi suất trái phiếu tốt hơn và tỷ giá USD cao hơn.

Một cuộc chiến tiền tệ giữa đồng USD và các đồng tiền khác trên thế giới đã nổ ra và thực tế phần thắng thuộc về đồng USD với lợi thế truyền thống của nó là tỷ giá và lãi suất. Đối với Việt Nam, nhà điều hành đã thực hiện chính sách “dò đá qua sông”. Dò dẫm từng bước để “lắng nghe” tác động từ xung đột quân sự, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát, giá năng lượng tăng cao, lãi suất thế giới tăng, USD tăng

PV: Các đồng tiền lớn trên thế giới đều mất giá mạnh so với USD trong khi VND mất giá ít hơn nhiều. Nguyên nhân là gì thưa ông?

TS. Trương Văn Phước: Tại các nước, đồng nội tệ của họ mất giá có thể nói bắt nguồn từ việc kinh tế vĩ mô của họ chưa ổn do lạm phát cao, mất cân đối trên cán cân thanh toán, đặc biệt là các tình trạng khan hiếm năng lượng, lương thực.

Trong khi đó tại Việt Nam các chỉ số vĩ mô các tháng đầu năm khá tốt, lạm phát bình quân vẫn ở mức thấp, do đó việc sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát vẫn ở mức độ nhỏ. Dưới góc độ thị trường, chúng ta có dự trữ ngoại tệ lớn và đã được sử dụng để can thiệp vào thị trường, đồng thời dòng vốn nước ngoài vẫn vào kể cả trực tiếp và gián tiếp, cán cân thương mại hiện tại là xuất siêu.

Quan hệ cung cầu USD đảm bảo cho chúng ta có một đồng USD tăng giá không nhiều so với tiền VND. Sở dĩ USD tăng giá so với VND không phải do các yếu tố cơ bản của Việt Nam mà là do sức hút của đồng USD quá lớn khi bất ổn trên thế giới xảy ra. Có thể nói tỷ giá và lãi suất VND là khá ổn định trong 9 tháng đầu năm 2022.

Lý do có thể là lãi suất của đồng Việt Nam trong giai đoạn này là khá cao trong tương quan với các đồng tiền khác, nhất là USD. Nhưng tới tháng 10/2022, việc Chính phủ xử lý các vi phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường.

Cùng với đó, đà tăng của đồng USD lên tới đỉnh điểm đã khiến lãi suất và tỷ giá của Việt Nam bắt đầu có biến động. Để ứng phó và làm dịu bớt các biến động này, NHNN đã tăng lãi suất điều hành khoảng 2%, đồng thời mở rộng biên độ giao dịch của tỷ giá hối đoái từ (+/-) 3% lên (+/-) 5%.

 

PV: Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao và đồng USD tăng giá mạnh, NHNN đã hai lần nâng lãi suất điều hành để giữ giá tiền đồng. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?

TS. Trương Văn Phước: Các ngân hàng trung ương trên thế giới điều chỉnh tăng lãi suất với ba mục tiêu chính. Thứ nhất, khi lãi suất tăng lên, tức giá tiền tệ tăng lên thì cầu giảm. Điều này giúp thực hiện mong muốn hạ bớt cầu về tín dụng ở các quốc gia đang có lạm phát cao.

Thứ hai, làm dịu bớt thị trường lao động hết sức nóng. Bởi lẽ, sau đại dịch COVID-19, các nước sử dụng biện pháp tăng tiền lương để kéo lao động, đồng thời chống được lạm phát thì lại rơi vào một hiệu ứng nan giải.

Đó là, giá tăng khiến tiền lương tăng, tiền lương tăng làm cho giá tăng. Thứ ba, tăng lãi suất suy cho cùng là làm cho đồng nội tệ tăng lên. Hay hiểu đơn giản, tăng lãi suất làm cho tỷ giá giảm xuống. Hiện tại, lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát kỳ vọng thì ra lãi suất thực dương của Việt Nam vẫn rất cao.

Trong khi đó, nếu Mỹ tăng lãi suất mà NHNN vẫn để trần lãi suất huy động 6 tháng ở mức 4%/năm thì sẽ “không ổn”. Trong năm 2022, NHNN đã tăng lãi suất điều hành lên hai lần mỗi lần là 1 điểm %, có thể nói đây là mức tăng rất lớn.

Bên cạnh đó, NHNN cũng mở rộng biên độ tỷ giá từ 3% lên 5%. Tỷ giá của thị trường đã có lúc tăng gần 10% so với tỷ giá ngân hàng. Trong bối cảnh đồng USD tăng giá quá mạnh, chắc chắn NHNN không thể “ngồi yên”. Do đó, ứng xử của NHNN là chấp nhận được trước bối cảnh biến động linh hoạt. Việt Nam chưa phải rối loạn nhưng đã có những phản ứng tương đối mạnh, dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

PV: Theo nhận định của nhiều chuyên gia áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu. Ông dự báo ra sao về diễn biến tỷ giá, lãi suất của Việt Nam trong năm 2023?

TS. Trương Văn Phước: Sang năm 2023, kinh tế thế giới đứng trên bờ vực của suy thoái, bởi chính sách chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất lên quá cao sẽ có những hiệu ứng phụ, mà theo kinh tế học chính là suy thoái. Do đó, khi lạm phát đạt đỉnh và đang đi xuống thì các NHTW phải tính phương án giảm bớt liều lượng “vắc xin” tiêm vào nền kinh tế.

Đó là lý do vì sao ngày 14/12/2022 Fed chỉ tăng 50 điểm cơ bản so với mức kế hoạch trước đó là 75 điểm đưa mức lãi suất điều hành lên 4,25 – 4,5%. Có thể quý I/2023 sẽ tăng thêm một chút nhưng sẽ dừng lại ở mức 5% và sẽ đảo chiều sau đó.

Trong năm 2023, các NHTW mong muốn sẽ đưa lãi suất thực tới vùng cân bằng, không dương không âm. Hiện nay ở phần lớn các nước trên thế giới, lãi suất thực (lãi suất trừ đi lạm phát) đang âm, nghĩa là lạm phát cao mà lãi suất lại thấp.

Ở Việt Nam thì ngược lại, lạm phát thấp và lãi suất cao. Lãi suất huy động tại các ngân hàng Việt khoảng 8-9%/năm, so với lạm phát 4% nên lãi suất thực tại Việt Nam là dương. Lợi thế của chúng ta lúc này là có thể làm cho lãi suất thấp xuống sao cho chênh lệch giữa lãi suất danh nghĩa và lạm phát vẫn ở mức dương vừa phải nhưng phải tương thích với lạm phát. 

Ví dụ mức lạm phát mà Quốc hội thông qua cho năm 2023 là 4,5%, tức chênh lệch sẽ rơi vào khoảng 2-3%, thì lãi suất huy động bình quân của Việt Nam dự báo ở mức 6,5-7,5% là hợp lý. Tóm lại, lãi suất có thể thấp xuống.

 

Nhìn chung, thị trường tài chính Việt Nam đang có những dấu hiệu trời yên biển lặng trở lại trên nền xung động. Năm 2023, điều Việt Nam cần phải quan tâm, theo dõi, dự báo là những tác động bên ngoài. 

Theo đó, năm nay, tình hình được dự báo vẫn khó khăn khi tăng trưởng toàn cầu dự báo giảm xuống còn 2,6% nhưng lạm phát của thế giới sẽ ở mức trên 5% (5,3- 5,7%). Với mức lạm phát thế giới thấp xuống, điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn. Giá trị của sức mua đối nội ở các quốc gia nói chung không mất giá nhiều, khả năng xuất khẩu của Việt Nam sẽ dễ hơn.

Nhìn lại năm 2022, có thể thấy thị trường tài chính Việt Nam còn nhiều vấn đề cần khắc phục trong thể chế, đặc biệt cơ chế giám sát cần được hoàn thiện. Mô hình hiện nay tại Việt Nam - người làm chính sách cũng là người giám sát thị trường - dường như không còn phù hợp.

Điều này cần phải được xem lại một cách thận trọng, nghiêm túc và kịp thời, kể cả với thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Khuôn khổ pháp lý, quy phạm pháp luật và cơ chế giám sát nên được điều chỉnh một cách khoa học và thực tiễn hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục

Đọc thêm