Chìa khóa "vượt khó"
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động tài chính tiêu dùng. Bằng chứng là 9 tháng đầu năm 2021, tổng dư nợ tín dụng của các công ty tài chính hội viên tăng trưởng -3,64% (âm 3,64%) so với cuối năm 2020.
Tuy nhiên trong quý 4, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng cùng với sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng, thị trường tài chính tiêu dùng chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ từ mức tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm lên mức tăng trưởng 18,72% tại thời điểm 31/12/2021.
Xu hướng số hóa các dịch vụ tài chính ngày càng thể hiện rõ nét trong hoạt động kinh doanh của ngành tài chính tiêu dùng, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid là chướng ngại cho kênh bán tiếp xúc vật lý truyền thống của các công ty tài chính. Thị trường chứng kiến một số doanh nghiệp tăng trưởng bùng nổ sau quá trình đẩy mạnh đầu tư vào chuyển đổi số. Đơn cử, Mcredit tăng trưởng doanh số đạt 148%, thu về 600 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng 88% so với 2020.
Điểm chung của những công ty tài chính vượt khó thành công là đã mạnh mẽ chuyển đổi toàn bộ mô hình, chiến lược và văn hóa kinh doanh trên nền tảng đổi mới công nghệ.
Việc tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng cho phép xây dựng mô hình kinh doanh mới, thay đổi văn hóa hoạt động và trải nghiệm khách hàng hiện có nhằm đáp ứng các yêu cầu thay đổi của thị trường và mong muốn của khách hàng.
Chuyển đổi số giúp Công ty tiết kiệm chi phí và hợp lý hóa các quy trình hoạt động. Công ty có thể thực hiện hầu hết các giao dịch bằng hình thức trực tuyến thông qua Internet nên khách hàng không bị gián đoạn hoặc đứt gãy dịch vụ trong thời gian đại dịch hoành hành.
Một ví dụ nho nhỏ để thấy quy trình và sản phẩm đã được chuẩn hóa theo tiêu chí công nghệ như thế nào. Hiện nay, khách hàng chỉ mất dưới 1 tiếng cho Khoản vay tiền mặt – chưa đầy 20 phút cho Khoản vay trả góp tại Mcredit. Năm 2021, 100% khách hàng vay tiền mặt của Mcredit được hướng dẫn ký hợp đồng bằng công nghệ eContract, giảm thời gian TAT giải ngân của Công ty về bằng không.
Khi sử dụng các giao dịch số, khách hàng không phải đến các điểm giao dịch, được giảm thiểu đến mức tối đa những thủ tục giấy tờ liên quan. Đồng thời, tính năng của giao dịch số có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi mà không phụ thuộc vào thời gian, không gian nên khách hàng hoàn toàn chủ động. Họ dễ dàng hài lòng hơn vì có thể liên tục theo dõi số dư tài khoản và quản lý thông tin trên hồ sơ cá nhân của mình.
Hiện các công ty tài chính tiêu dùng đã cung cấp tập sản phẩm số khá đa dạng như: revolving loan (cho vay theo hạn mức tuần hoàn), thẻ tín dụng, BNPL (buy now pay later – tiêu dùng trước, trả tiền sau).
Yếu tố đặc biệt quan trọng theo chia sẻ của lãnh đạo các công ty tài chính tiêu dùng là công nghệ cho phép cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Lấy ví dụ, chuyển đổi số cho phép các tổ chức tài chính biết người tiêu dùng thực sự muốn gì. Từ đó, họ có thể tạo ra các dịch vụ tài chính cá nhân và cung cấp theo yêu cầu của khách hàng hơn là phỏng đoán. Những phát triển công nghệ sáng tạo mới cho phép các Công ty tăng cường sự tham gia của khách hàng với các dịch vụ cá nhân hóa. Nhờ đó họ giữ chân và tăng độ gắn kết, trung thành của khách hàng.
Với nhiều tiện ích như vậy, song không phải tổ chức tài chính nào cũng dễ dàng chuyển đổi số bởi tiến trình này có không ít khó khăn, thách thức. Khó khăn nhất cần vượt qua trên con đường số hóa là các hệ thống kế thừa và tích hợp hệ thống. Thực tế, nhiều tổ chức tài chính vẫn đang sử dụng hệ thống đã được xây dựng cách đây hàng chục năm và luôn bị luẩn quẩn giữa chuyện con gà - quả trứng trong đầu tư và triển khai số hóa. Yếu tố khác quan trọng hơn là nguồn lực cho chuyển đổi số rất lớn, nếu không phải là các tổ chức có tiềm lực, có tầm nhìn xa, việc thực hiện rất dễ rơi vào đầu voi đuôi chuột và không hiệu quả.
Miếng bánh còn rất lớn
Cùng với xu hướng số hóa, dư địa tăng trưởng cho các công ty tài chính tiêu dùng là rất lớn. Báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán MB dự báo, nhu cầu tín dụng tiêu dùng sẽ bùng nổ trong năm 2022, khi nền kinh tế được mở cửa trở lại, cộng với nhu cầu chi tiêu cho nhiều dịp lễ trong năm và hầu hết các cơ sở kinh tế sẽ gia tăng kích cầu nhằm bù đắp cho các 2 quý trước đó.
Trong trung và dài hạn, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục có tăng trưởng cao, kéo theo đó là thu nhập người dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Do đó, tiềm năng của ngành tài chính tiêu dùng sẽ còn rất lớn. Đây có thể là lý do mà các ông lớn trong ngành tài chính thế giới liên tục tiến hành M&A các công ty tài chính tiêu dùng Việt Nam trong thời gian qua.
Theo Euromonitor, tốc độ tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam giai đoạn 2019-2025 ước đạt 21%/năm, dư nợ cho vay tiêu dùng đóng góp 20,4% vào tổng tín dụng của nền kinh tế. Công ty nghiên cứu thị trường này đánh giá, 76% dân số Việt Nam vào năm 2025 là khách hàng của các công ty tài chính.
Nhìn sang sự phát triển của các thị trường khu vực và các nền kinh tế tương đồng với Việt Nam, hoàn toàn có lý do để tin tưởng đại dương xanh của thị trường tài chính tiêu dùng. Cụ thể, trong khi 70% dân số Việt Nam chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng theo một khảo sát năm 2018 thì ở Thái Lan tỷ lệ này là 18%, ở Malaysia là 15%, ở Singapore chỉ có 2%. Sự bùng nổ về các dịch vụ tài chính ở Việt Nam, theo xu hướng khu vực và thế giới là không thể đảo ngược. Đây chính là dư địa lớn để các công ty tài chính tiêu dùng thỏa sức "vẫy vùng".
70% dân số Việt Nam chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng (2018). Nguồn: Euromonitor, World Bank, Bain và Temasek
"Ai nhanh hơn người đó sẽ thắng", thực tế này đã thể hiện rõ trong hiệu quả hoạt động của các nhà băng khi những định chế có khả năng tung ra danh mục sản phẩm phong phú, may đo theo khẩu vị khách hàng, ứng dụng công nghệ mạnh mẽ đã trở thành những người dẫn đầu. Với lĩnh vực tài chính tiêu dùng, sự vận động như vậy không là ngoại lệ. Trong đó, doanh thu dịch vụ tài chính kỹ thuật số của các công ty tài chính tiêu dùng theo đánh giá của Euromonitor, đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 38% cho đến 2025.
Doanh thu dịch vụ tài chính kỹ thuật số dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm là 38% cho đến 2025, cao nhất Đông Nam Á (Triệu USD). Nguồn: Euromonitor, GlobalData, Bain và Temasek.