Chứng khoán

Thị trường tài chính chao đảo bởi tin đồn

Tin đồn dồn dập, tràn lan

Chị H, một nhà đầu tư 16 năm gắn bó với thị trường cho hay trong suốt hai tuần qua, chị liên tục nhận được các tin đồn liên quan lãnh đạo công ty X, Y. Bản thân chị dù đã từng trải trên thị trường nhưng cũng cảm thấy bất an và phải đi hỏi các đầu mối nhằm xác minh thông tin.

Không riêng chị H, hầu hết các nhà đầu tư đang trở nên mẫn cảm với tin đồn hơn bao giờ hết, đặc biệt khi chứng kiến thị trường chứng khoán chuyển trạng thái rất nhanh - khi các cổ phiếu bị các lệnh bán mạnh tung ra trong khoảng một thời gian rất ngắn.

Ảnh hưởng của tin đồn vốn không còn là hiện tượng lạ trên các thị trường tài chính. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam chưa bao giờ thấy tin đồn lại nhiều như thế. Khắp các trang mạng xã hội, các hội nhóm đầu tư, tư vấn chứng khoán, tin đồn là thứ được quan tâm nhiều nhất vào lúc này. 

Thậm chí, một tin tức tiêu cực về một doanh nghiệp nào đó cũng gây nên những hậu quả to lớn, đã có hiện tượng nhà đầu tư rút hàng nghìn tỷ đồng mỗi ngày tại một công ty chứng khoán khiến thanh khoản kiệt quệ, lãnh đạo công ty này phải gấp rút trấn an, tổ chức các cuộc họp với nhà đầu tư. 

 

Chỉ số VNIndex tiếp tục giảm kể từ quý II/2022 và là một trong những thị trường ghi nhận mức giảm mạnh nhất thế giới. (Nguồn: Tradingview/Wichart).

Trước thực trạng tin đồn tràn lan đang khiến thị trường chứng khoán mong manh hơn bao giờ hết. Trong đó, rất nhiều cổ phiếu ghi nhận mức giảm nhiều phiên khi xuất hiện các tin đồn về công ty. Mới đây nhất là trường hợp cổ phiếu VND của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect. Cổ phiếu này đã giảm hơn 23% trong 7 phiên giao dịch tính từ ngày 18/10 với nhiều phiên giảm sâu và chưa có dấu hiệu ngừng giảm đến ngày 26/10. 

Doanh nghiệp này mới đây đã phát đi thông cáo cho rằng trong bối cảnh thị trường chung hiện nay, có rất nhiều đối tượng lợi dụng để tung các tin đồn thất thiệt, bịa đặt, xuyên tạc liên quan đến nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam, kể cả đối với VNDirect. Và trong giai đoạn tâm lý bi quan, tiêu cực nhà đầu tư luôn có rủi ro trở thành nạn nhân của những thông tin thất thiệt đặc biệt với động cơ làm giá, thao túng thị trường.

 

"Những tin đồn vô căn cứ đó đã khiến cho cổ phiếu của VNDirect và nhiều doanh nghiệp tốt khác trên thị trường chứng khoán bị bán tháo do nhà đầu tư không đủ thông tin có thể hành xử phù hợp, dẫn đến gây tổn thất nghiêm trọng đến an toàn hoạt động của thị trường tài chính, chứng khoán và các định chế tài chính trung gian", thông cáo của VNDirect nêu.

 

VNDirect cho rằng, những gì đang diễn ra ở thị trường chứng khoán Việt Nam, là biểu hiện của một quá trình phát triển nóng khá cục bộ trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, xét về kinh tế vĩ mô, các hoạt động đầu tư FDI, các chỉ số về sản xuất công nghiệp và dịch vụ vẫn ở mức lạc quan so vói khu vực.

"Rất nhiều chuyên gia nước ngoài đã gọi điện hỏi chúng tôi rằng, việc gì đang xảy ra ở Việt Nam và chúng tôi không hiểu sao nền kinh tế về vĩ mô vẫn tiềm năng mà thị trường lai xuống thấp nhất so với khu vực như vậy", thông cáo của VNDirect viết.

 

 Ảnh minh họa (H.T). 

Không chỉ có VNDrect, rất nhiều doanh nghiệp khác kể các các tổ chức tín dụng cũng đang phải vật lộn với cơn bão tin đồn trong thời gian gần đây. Đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn, điều này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.

Cần khôi phục niềm tin

 

Nhìn nhận về diễn biến này,  PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, đã xảy ra cuộc khủng hoảng về niềm tin trên thị trường tài chính, điều này dẫn đến sự đứt gãy nghiêm trọng về thanh khoản của toàn hệ thống tài chính.

 

Nhìn về thị trường trái phiếu, chuyên gia cho rằng không nguyên nhân nào khác ngoài khủng hoảng niềm tin khiến họ “quay mặt” với thị trường này. Thị trường tiền tệ cũng vậy, thanh khoản bị đứt gãy nghiêm trọng. Sau sự việc ngân hàng SCB, gần như các ngân hàng cũng bị mất niềm tin vào nhau, hoạt động cho vay liên ngân hàng bị đứt gãy, bằng chứng là lãi suất liên ngân hàng có thời điểm lên đến 10%.

Thị trường cổ phiếu cũng tương tự, thanh khoản ở thời điểm kỷ lục có thể lên tới 2 tỷ USD, trung bình cũng khoảng 1 tỷ USD nhưng hiện nay giảm xuống còn mấy nghìn tỷ đồng, bằng 1/4 đến 1/5 thanh khoản lúc cao điểm, cổ phiếu giảm thê thảm, nhà đầu tư bán bằng mọi giá.

Các thị trường vẫn liên thông với nhau, không chỉ lực bán từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ bán mà các doanh nghiệp hiện không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, không tiếp cận được thị trường trái phiếu thì buộc họ phải bán cổ phiếu trong danh mục đầu tư tài chính của họ bằng mọi giá để có thanh khoản. 

"Chúng ta có thể thấy rằng, do khủng hoảng niềm tin trong hệ thống dẫn đến khủng hoảng về thanh khoản, dẫn đến đứt gãy mạch máu lưu thông. Điều này rất rủi ro vì từ các đứt gãy của hệ thống tài chính sẽ truyền tải dần vào nền kinh tế thực là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Khi mọi kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp không còn hoạt động thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Nếu tình trạng này không được giải quyết, thì tiếp theo sẽ là làn sóng đóng cửa doanh nghiệp, sa thải lao động, tăng trưởng sản lượng sụt giảm, rủi ro đến toàn nền kinh tế",  PGS.TS Phạm Thế Anh khuyến cáo. 

 

 

 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm