Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã góp ý sâu vào nội dung phát hành trái phiếu riêng lẻ. Ông Hiếu cho biết, trong tỷ trọng phát hành trái phiếu thì trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tới 95%.
Về quy định của pháp luật đối với nhà đầu tư, năm 2019 và năm 2020, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán. Trong các văn bản này, có một thay đổi rất quan trọng. Đó là trước 2020, trái phiếu riêng lẻ bán cho mọi nhà đầu tư. Còn sau 2020, trái phiếu riêng lẻ chỉ được bán và chuyển nhượng giữa những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
"Đây là một bước tiến rất tốt", ông Hiếu đánh giá và lý giải thêm: Tiếng Anh gọi là "nhà đầu tư đã được kiểm định", tiếng Việt gọi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Thứ hai, là đã phân biệt giữa phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Chúng ta nên tiếp tục nguyên tắc này, quan điểm này. Vì đây là cách tiếp cận phù hợp với thông lệ quốc tế và thị trường.
Nên tập trung can thiệp thị trường thứ cấp
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, việc hoàn thiện khung pháp luật sắp tới có 2 vấn đề. Về nguyên tắc, thứ nhất, thị trường vốn, cổ phiếu, trái phiếu là kênh có sự chia sẻ giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp, chứ không thể có an toàn tuyệt đối. Thủ tướng Chính phủ đã nói rất nhiều lần, đó là khó khăn thì phải san sẻ, lợi ích cùng hưởng.
Thứ hai, trong biện pháp can thiệp, việc giám sát để bảo đảm tuân thủ pháp luật là điều phải làm. Nhưng nếu đặt thêm các chính sách, biện pháp can thiện thì cũng phải tính đến việc "đôi khi thị trường bị vỡ lại do sự can thiệp", cho nên cần hết sức cân nhắc.
Theo thống kê của Hiệp hội trái phiếu, khi phát hành trái phiếu ở thị trường sơ cấp thì số nhà đầu tư là cá nhân tham gia chỉ có 8,6%, sau đó tất cả các trái phiếu ở thị trường sơ cấp lại được bán cho các đầu tư cá nhân ở thị trường thứ cấp.
Do đó việc can thiệp, nên tập trung nhiều ở thị trường thứ cấp. Đó là chính là nhà đầu chuyên nghiệp là cá nhân.
Rà soát, hoàn thiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp
Về quy định của pháp luật về nhà đầu tư chuyên nghiệp, theo ông Hiếu, Điều 11 của Luật Chứng khoán, có 2 điểm bất cập.
Thứ nhất, các điều kiện để một cá nhân trở thành nhà đầu tư chứng khoán rất dễ để đạt được về mặt luật pháp nhưng có thể không làm thay đổi bản chất của nhà đầu tư đó. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán.
Điển hình như quy định: Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Vậy sau thời điểm đó thì như nào? Ông Phan Đức Hiếu nêu vấn đề và dẫn chứng luật pháp nước ngoài: Theo tôi tìm hiểu, luật Chứng khoán của Mỹ năm 1933, sửa đổi năm 2010, nhà đầu tư đã được chỉ định thì phải có tài sản là 200.000 USD. Và trong 2 năm liên tiếp phải luôn phải duy trì, chứ không chỉ tại thời điểm đó. Năm 2020, họ lại sửa đổi sửa thêm lần nữa, bổ sung thêm quy định mới về năng lực chuyên môn… thì khi đó mới được công nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Thứ hai, Luật Chứng khoán giao cho chính công ty chứng khoán là những người bán hàng. Có nghĩa là mua ở thị trường sơ cấp xong bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Như thế sẽ có xung đột, vì nếu họ muốn bán hàng, họ sẽ tìm mọi cách để xác nhận người kia đủ tư cách người mua.
Từ phân tích nêu trên, ông Hiếu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho xem xét, rà soát Điều 11 của Luật Chứng khoán và Nghị định 155 liên quan điều kiện của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nếu như nâng được chất lượng thực sự của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ có một lợi ích rất dài hạn. Đây là công cụ thị trường để tự họ sàng lọc mà không cần can thiệp về mặt chính sách.
Quản lý rủi ro phù hợp, không áp dụng cào bằng
Trao đổi về ý kiến đề xuất bổ sung thêm quy định yêu cầu đánh giá xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp phát hành, ông Phan Đức Hiếu nêu quan điểm: "Tôi lại có ý kiến khác. Bởi ở thị trường này mức độ rủi ro của các chủ thể phát hành rất khác nhau, đơn cử như ngân hàng là chủ thể khác. Tôi cũng đánh giá cao ngân hàng nhà nước đã có sự kịp thời sửa Thông tư 16 ban hành ngay đầu năm 2021".
Theo ông Hiếu, doanh nghiệp niêm yết bị ràng buộc vào thể chế pháp luật cao hơn thì không thể theo nguyên tắc cào bằng mà phải phân biệt theo nguyên tắc rủi ro.
Nếu áp dụng quy định yêu cầu đánh giá xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp phát hành thì phải loại trừ những chủ thể không rủi ro. Vì thế, chúng ta nên đặt theo quy tắc quản lý rủi ro phù hợp, không áp dụng cào bằng.
Cần nâng cao chất lượng doanh nghiệp
Về dài hạn, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, cần nâng cao chất lượng của doanh nghiệp. Do vậy, không có gì khác ngoài quản trị doanh nghiệp.
Ông Hiếu cho biết, Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh được cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao, có bộ chỉ số bảo vệ nhà đầu tư, chính là chỉ số nâng cấp chất lượng quản trị doanh nghiệp.
"Do đó, cần thực thi mạnh mẽ Nghị quyết 02 của Chính phủ", Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu đề xuất.