Thị trường chứng khoán vừa trải qua một nhịp điều chỉnh sâu trên diện rộng khiến hầu hết cổ phiếu đều chịu ảnh hưởng. Không chỉ nhóm đầu cơ tăng nóng, cổ phiếu cơ bản cũng đều giảm đáng kể so với đỉnh. Theo nhận định của SSI Research, sự sụt giảm mạnh của thị trường trong tháng 4 đi cùng với quá trình sàng lọc có tác động tích cực về dài hạn.
Có thể hiểu một cách đơn giản, biến động ngắn hạn sẽ mở ra cơ hội để nhà đầu tư mua gom cổ phiếu chất lượng với giá "mềm". Điều quan trọng là đánh giá được nền tảng cơ bản của doanh nghiệp, yếu tố có đóng vai trò quyết định đến khả năng phục hồi của cổ phiếu sau khi "giông bão" qua đi.
Với nhiều lợi thế từ hệ sinh thái Viettel cùng khả năng tăng trưởng được đánh giá cao, Tổng CTCP Công trình Viettel (Viettel Constructions – mã CTR) là một doanh nghiệp tăng trưởng điển hình có mức định giá vẫn còn tương đối hấp dẫn.
Theo tính toán của SSI Research, CTR hiện giao dịch với P/E 2022/2023 là 20x/15x, nhờ tăng trưởng EPS lần lượt là 25,9%/32,2%. Trong khi đó, các công ty cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông toàn cầu hiện giao dịch ở mức P/E 2022/2023 là 25,5x/22,6x nhưng với mức tăng trưởng EPS thấp hơn là 18,1%/10,2%.
Mọi dự phóng sẽ trở nên vô nghĩa nếu không được hiện thực hóa bằng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy Viettel Constructions cũng đang bám sát lộ trình tăng trưởng như dự báo.
4 tháng đầu năm, Viettel Constructions ghi nhận doanh thu đạt 2.717 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm, hoàn thành 32% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 152,4 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ và hoàn thành 29,5% mục tiêu cả năm 2022 được Đại hội cổ đông giao phó.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng dịch vụ khai thác và ứng cứu thông tin đóng góp 1.610 tỷ đồng, tăng 20%. Doanh thu hoạt động xây dựng tăng trưởng mạnh đến 91% lên mức 658 tỷ đồng. Doanh thu mảng DVKT và HTCT đều tăng 62% lên mức 89 tỷ đồng trong khi giải pháp tích hợp mang về 268 tỷ đồng doanh thu, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, Viettel Constructions định hướng sẽ trở thành Towerco số 1 tại Việt Nam với 4.487 trạm BTS, tỷ lệ dùng chung đạt 1.05; tiếp tục nâng cao công tác quản trị, hình ảnh thương hiệu và trải nghiệm khách hàng. Doanh nghiệp đặt mục tiêu chuyển đổi số đạt 3.8 điểm (theo DDM của TMForum).
SSI Research đánh giá Viettel Constructions có động lực tăng trưởng đa dạng đến từ mảng xây dựng dân dụng và cho thuê hạ tầng viễn thông. Trong đó, biên lợi nhuận gộp mảng cho thuê hạ tầng viễn thông được kỳ vọng sẽ bù đắp cho mảng xây dựng do giá thép có khả năng tăng cao.
Nhờ hệ sinh thái của Viettel, Viettel Constructions sẽ cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng hơn bao gồm: xây dựng, M&E, thiết bị smarthome, sửa chữa & bảo trì thiết bị điện, dịch vụ internet và dịch vụ phủ sóng tòa nhà - DAS.
Trong cuộc họp nhà đầu tư gần đây, ban lãnh đạo đã đặt kế hoạch tăng trưởng 50% cho phân khúc B2C và khá tự tin khi dành vị trí dẫn đầu trong phân khúc nhóm hộ gia đình. Bên cạnh đó, lượng mở bán mới và số lượng căn hộ bán được trong năm 2023/2024 ước đạt mức trước covid (theo triển vọng thị trường năm 2022 của CBRE) cũng sẽ hỗ trợ mảng xây dựng B2B của Viettel Constructions.
Đối với hoạt động viễn thông, tăng trưởng sẽ gắn với việc mở rộng thị phần băng thông internet và di động của Tập đoàn Viettel trong năm 2022 và mạng 5G là động lực tăng trưởng mới kể từ cuối năm 2022.
Ngoài ra, Viettel Constructions còn được hưởng lợi từ nhu cầu chi tiêu cho dịch vụ CNTT, chuyển đổi số trong nước tăng lên nhờ Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số. Theo đó, mục tiêu tỷ trọng của nền kinh tế số/tổng GDP sẽ lên đến 20% trong năm 2025 và 30% trong năm 2030 (từ mức 5,7% trong năm 2021, theo ước tính của Google, Temasek & Bain).