Theo thống kê của Chứng khoán BIDV (BSC), kể từ năm 2000 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã có 29 lần hạ lãi suất điều hành. Lãi suất điều hành và VN-Index thường có xu hướng ngược nhau. Khi SBV hạ lãi suất điều hành, thị trường chứng khoán Việt Nam thường có xu hướng đi lên sau đó và ngược lại.
Xét về các ngành, BSC lấy diễn biến 3 lần SBV công bố hạ lãi suất điều hành gần đây nhất, là ngày 30/9/2020, 14/3/2023 và 31/3/2023, trong đó ngày 31/3/2023 SBV công bố hạ lãi suất tái cấp vốn 0,5%, ngày 14/3/2023 SBV công bố hạ lãi suất tái chiết khấu 1%, ngày 30/9/2023 SBV đồng loạt hạ cả lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn 0,5%. Nhìn chung, các ngành đều có phản ứng tích cực trong ngắn hạn và trung hạn đối với tin tức này.
Theo nhóm phân tích của BSC Research, các lý do nền kinh tế cần chính sách tiền tệ nới lỏng ở thời điểm hiện tại là do:
(1) Tháng 4/2023, CPI Việt Nam tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, CPI lõi tăng 4,56%, cả hai đã đạt đỉnh từ tháng 1/2023 và vẫn duy trì đà đi xuống cho đến hiện tại.
(2) Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn các quý I trong giai đoạn 2019 – 2022.
(3) Hoạt động sản xuất đình trệ: Chỉ số PMI tháng 4/2023 đạt 46,7, liên tục ở dưới ngưỡng 50 kể từ tháng 11/2022 (ngoại trừ tháng 2/2023 đạt 51,2 khi hoạt động sản xuất trở lại sau Tết). Chỉ số IIP trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm 1,76% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng sản xuất kinh doanh yếu đi trong năm 2023 chủ yếu đến từ khu vực xuất khẩu đình trệ khi cầu thế giới suy giảm.
(4) Tỷ giá USD/VND ở mức ổn định. Tính đến 30/4/2023, tỷ giá VND/USD tăng 2,14% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ mức đỉnh 5,21% hồi tháng 1/2023.
Tóm lại, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp và lạm phát dần ổn định là dấu hiệu cho chính sách tiền tệ hướng về tăng trưởng kinh tế.
Đối với doanh nghiệp, việc hạ lãi suất điều hành tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ xuống khiến chi phí sử dụng dòng vốn thấp, từ đó, cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nhiệp.
Với người tiêu dùng, người dân có thể quyết định tiêu dùng nhiều hơn chi chi phí vay vốn thấp. Hiện tượng này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng khối lượng đơn hàng cho doanh nghiệp.
Về vấn đề tỷ giá, hiện tại, swap giữa VND và USD vẫn đang ở mức âm, tuy nhiên đã thu hẹp đáng kể so với giai đoạn trước. Như vậy, rủi ro dòng vốn ngoại nóng chảy ra khỏi nền kinh tế khi lãi suất USD cao hơn cũng giảm đi so với giai đoạn trước.