Sốt đất hạ nhiệt, khu vực ven biển Quảng Bình giờ vắng bóng những nhà đầu tư từ khắp nơi đến tìm mua đất. Ảnh: Ngọc Tân
Sốt đất hạ nhiệt, nhà đầu tư "bỏ cọc"
Trong giai đoạn cuối năm 2021, đầu 2022, Quảng Trị, Quảng Bình liên tục xảy ra các đợt sốt đất cục bộ khi cả 2 địa phương cùng công bố thông tin triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Trong đó, nổi bật là các dự án đường ven biển và tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua tỉnh.
Việc các dự án được triển khai đã khiến giới đầu tư địa ốc khắp nơi đổ về khu vực nông thôn ở 2 tỉnh này để tìm mua đất, hoặc "lao theo" các cuộc đấu giá với giá đấu cao chót vót nhằm ăn theo quy hoạch.
Tuy nhiên, bước sang thời điểm từ tháng 5 đến nay, với việc chính quyền 2 địa phương đã có những động thái quyết liệt nhằm ổn định thị trường, tình hình sốt đất đã bắt đầu lắng dịu trở lại. Kéo theo đó, nhiều nhà đầu tư đã "bỏ cọc" khi không thể "lướt sóng" thành công.
Tại TP. Đông Hà, Quảng Trị, Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Đông Hà cho biết, trong tổng số 58 lô đất trúng đấu giá vào cuối năm 2021 tại 2 dự án Khu dân cư phía Tây đường Khóa Bảo và Khu tái định cư Bắc sông Hiếu, có 9 lô đất đã bị người trúng đấu giá bỏ cọc do quá 30 ngày nhưng không nộp đủ tiền.
Việc siết chặt quy định về phân lô, tách thửa cũng góp phần hạ nhiệt các đợt sốt đất cục bộ tại khu vực nông thôn Quảng Bình - Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Tân
Tại huyện Gio Linh, Quảng Trị, vào giữa tháng 6 năm 2022, UBND huyện này cũng đã ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá đối với 41/46 lô đất tại dự án Phát triển điểm dân cư xã Gio Hòa (nay là xã Gio Sơn, huyện Gio Linh) do quá thời hạn mà khách hàng không nộp đủ tiền theo quy định. Cả 46 lô đất này được đưa ra đấu giá trước đó vào tháng 3/2022, trong đó có những lô đất trúng đấu giá với mức giá cao gấp 4 lần giá khởi điểm.
Tại khu vực ven biển 2 huyện Lệ Thuỷ - Quảng Ninh, Quảng Bình, trong tháng 3 vừa qua, hàng loạt nhà đầu tư đã đổ về đây tìm mua đất trong dân hoặc tham gia các cuộc đấu giá đất tại địa phương. Tuy vậy, sau khi tỉnh Quảng Bình có động thái rà soát tình trạng kê khai "hai giá" trong mua bán đất, siết chặt các điều kiện phân lô tách thửa, tạm dừng đấu giá các dự án quỹ đất để tập trung công tác kiểm kê, đo đạc và GPMB các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, sốt đất cũng đã lắng lại.
Theo anh Nguyễn D., một nhà đầu tư tại huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình cho hay, ở khu vực xã Ngư Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ), sau khi sốt đất hạ nhiệt, đã có nhiều nhà đầu tư rút đi và chấp nhận "bỏ cọc" với số tiền từ 100-300 triệu đồng mà trước đó họ đã đặt cọc để mua đất nền trong dân. Đồng thời, giá đất riêng lẻ tại xã cũng đã chững lại, thậm chí có khu vực giảm 5 -10 % so với trước.
"Kết quả trúng đấu giá dự án quỹ đất cao chót vót đã ảnh hưởng đến giá đất khu vực lân cận, khiến cho sốt đất càng tăng lên. Nhưng qua một thời gian, khi các đợt đấu giá đất bị tạm dừng, việc mua bán đất bị chính quyền địa phương rà soát kỹ về giá bán đã khiến sốt đất hạ nhiệt. Giới đầu tư nhận thấy cơ hội "lướt sóng" không còn nữa nên họ sẽ rút đi", anh D. lý giải.
Xu hướng đầu tư các dự án bất động sản quay trở lại
Trên thực tế, việc giới đầu tư rút lui khỏi thị trường đất nông thôn tại 2 địa phương Quảng Bình – Quảng Trị đã được nhiều chuyên gia dự báo trước đó. Đây là hệ quả tất yếu của việc giá đất tại các địa phương trong một thời gian ngắn bị các "cò đất" và giới đầu cơ thao túng, đẩy lên quá cao so với giá trị thật tạo nên tình trạng "bong bóng" bất động sản.
Ông Nguyễn Bảo Huy, Uỷ viên BCH Hội môi giới bất động sản Việt Nam, Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Babylon nhận định, so với các dự án bất động sản do doanh nghiệp đầu tư tại các đô thị, phân khúc đất nền nông thôn có hệ thống cơ sở hạ tầng và các tiện ích đi kèm không thể bằng, do vậy, các sản phẩm này thường chỉ phù hợp với nhu cầu định cư của người dân bản địa hơn là nhu cầu đầu tư. "Trong tầm trung hạn, dài hạn thì phân khúc này rất khó gia tăng được giá trị", ông Huy nói thêm.
Dòng tiền trên thị trường khu vực Quảng Bình đã bắt đầu trở lại với các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại có quy mô lớn. Ảnh: Ngọc Tân
Cũng theo ông Huy đánh giá, sau khi sốt đất nông thôn lắng xuống, dòng tiền của nhà đầu tư đã có dấu hiệu quay trở lại với các dự án bất động sản lớn trên địa bàn do doanh nghiệp đầu tư. Điều này được chứng thực khi tại các đợt giới thiệu, mở bán ra thị trường của một số dự án bất động sản lớn ở Quảng Bình mới đây như Seoul Village, Regal Ocean Quang Binh, La Celia City…., số lượng sản phẩm được thanh khoản khá tốt. Các dự án này cũng ghi nhận sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Ông Phạm Sắc Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Tâm Việt Miền Trung nhận định, khi thị trường được kiểm soát chặt chẽ và đúng hướng từ chính quyền địa phương, tính minh bạch của thị trường sẽ tăng lên. Trong trạng thái ấy, chỉ những dự án nào hội tụ đủ các yếu tố vị trí đẹp, hạ tầng đồng bộ, tiện ích - pháp lý đầy đủ, khả năng gia tăng giá trị trong trung hạn, dài hạn thì mới thu hút được khách hàng, nhà đầu tư.
"Đây là lý do giới đầu tư rút đi khỏi các khu vực nông thôn và chọn các dự án bất động sản lớn ở trung tâm để đầu tư", ông Long chia sẻ.
Cũng theo ông Long đánh giá, những động thái của chính quyền 2 địa phương Quảng Bình - Quảng Trị gần đây như siết chặt các quy định về phân lô tách thửa, đấu giá đất; rà soát tình trạng kê khai "hai giá" trong giao dịch bất động sản; công khai quy hoạch và đưa ra những cảnh báo về tình trạng sốt đất ảo đối với người dân...đây sẽ là các giải pháp căn cơ để đưa thị trường bất động sản 2 tỉnh trở lại trạng thái ổn định, tạo điều kiện cho việc phát triển bền vững, lâu dài.