Thị trường BĐS Miền Tây sẽ sôi động
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, tăng trường GDP quý II đạt 7,72%, đã đưa GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%. Với đà hồi phục kinh tế mạnh mẽ, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 2 quý cuối năm tiếp tục đạt cao, đưa tốc độ tăng trường GDP năm 2022 đạt khoảng 7%, dự báo trong năm 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể từ bằng đến cao hơn năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2022, CPI chỉ tăng 2,44%, dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 nằm trong khoảng 3,8 - 4,2%. Về tỷ giá, mất giá tiền đồng so với USD chỉ 2,5%, thấp nhấp khu vực.
"Kinh tế hồi phục mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đây là môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển trong đó có lĩnh vực kinh doanh BĐS. Trong 6 tháng đầu năm thị trường BĐS đã có bước hồi phục tốt, với dự báo mức tăng trưởng trong 2 quý cuối năm sẽ có sự bức phá, tôi tin rằng thị trường BĐS cũng sẽ hồi phục mạnh mẽ vào quý IV năm nay", TS Lực nhận định.
Phân tích về thị trường BĐS khu vực Tây Nam Bộ, TS Lực cho rằng khu vực này đang đứng trước cơ hội tăng tốc phát triển vì nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ Trung ương.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025 vùng này được nguồn vốn Trung ương đầu tư kết cấu hạ tầng trên 260.000 tỷ đồng. Cùng với đó là việc Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất" sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để lành mạnh hóa thị trường BĐS.
Bên cạnh đó Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 20-NQ/TW, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phát triển kinh tế tập thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với hành lang pháp lý này vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được Trung ương đặc biệt quan tâm trong cải cách thể chế, đầu tư nhiều hơn để phát huy thế mạnh của vùng. Kinh tế phát triển sẽ kích thích thị trường BĐS tăng tốc.
Phân khúc đất nền, nhà phố đang chiếm tỷ lệ cao trong giao dịch BĐS khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong 6 tháng đầu năm. Ảnh An Hòa
Theo ông Phạm Văn Luận, Phó chủ tịch CaREA, thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2022 gặp khá nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên trong tương lai gần sẽ dần được tháo gỡ về nguồn vốn bất động sản, cũng như khơi thông dòng chảy đầu tư về khu vực Tây Nam bộ thông qua triển vọng về cơ sở hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hoàng Hoa, Tổng thư ký CaREA, Chuyên viên phân tích thị trường BĐS – Tập đoàn Đất Xanh, dòng vốn đầu tư FDI đang tăng tốc đổ về TP. Cần Thơ cũng như khu vực sẽ kích thích thị trường BĐS công nghiệp khu vực Tây Nam Bộ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Điển hình là dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh - TP. Cần Thơ, diện tích lên đến 900ha đã được VISIP (khu công nghiệp Việt Nam - Singapore) đăng ký đầu tư. Các phân khúc thị trường BĐS khác như BĐS căn hộ, trung tâm thương mại cũng đã có lượng giao dịch tăng mạnh.
Đối với thị trường BĐS tại TP. Cần Thơ phân khúc được ưa chuộng là dòng sản phẩm căn hộ cao cấp, nhà phố ở các vị trí trung tâm có nhiều tiện ích và đất nền sổ đỏ giá dưới 2 tỷ/ nền.
Đối với các tỉnh, thành khác nguồn cung và giao dịch chiếm ưu thế đất nền và nhà phố, riêng Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tiếp tục thu hút nhà đầu tư "rót" vốn vào dự án bất động sản nghỉ dưỡng, hạng sang. Tổng nguồn cung mới của thị trường BĐS Tây Nam Bộ trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 6.500 sản phẩm, trong đó đất nền chiếm 45%, nhà phố chiếm 27%, căn hộ chiếm 25%, shophouse chiếm 3%. Giao dịch BĐS trong 6 tháng đầu năm ở khu vực này đạt 2.550 sản phẩm, tỷ lệ hấp thu khoảng 39%.
"Thị trường BĐS khu vực Tây Nam Bộ đang có nhiều tín hiệu khởi sắc khi cơ sở hạ tầng kết nối ngày càng hoàn thiện trong khi giá giao dịch vẫn ở mức tương đương năm 2021. Động thái xuất hiện nhà đầu tư cá nhân từ các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội… đến đầu tư đã cho thấy tín hiệu hấp dẫn từ thị trường BĐS khu vực này.
Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, nguồn cung BĐS khu vực này giảm mạnh do việc kiểm soát pháp lý BĐS, kiểm soát tín dụng BĐS, hạn chế tách thửa một số địa phương, tăng cường chống thất thu thuế... hiện thị trường đang giao dịch đa số là các dự án cũ, dự báo trong nửa cuối năm giá BĐS ở khu vực này có thể sẽ tăng từ 10 – 15%, phân khúc giao dịch tốt là sản phẩm đã có sổ đỏ, căn hộ giá bình dân, căn hộ nhà ở xã hội", bà Hoa nhận định.
Tại Diễn đàn BĐS Tây Nam Bộ đã có nhiều ý kiến đóng góp cho định hướng phát triển thị trường lành mạnh, bền vững. Ảnh An Hòa
Lành mạnh hóa thị trường BĐS
Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Cẩn Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, Cần Thơ được xem là địa phương có thị trường BĐS sôi động nhất khu vực.
Nhằm thực hiện tốt hơn việc quản lý cũng như tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh trong thời gian tới, địa phương đang tiến hành rà soát lại dự án cũ, đồng thời lập quy hoạch tích hợp, lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, xem đây là cơ sở pháp lý khung để quản lý và mời gọi đầu tư vào lĩnh vực này.
"Về ý kiến đề xuất của CaREA, mỗi quý làm việc với Thường trực UBND thành phố một lần là ý kiến rất hay, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe những góp ý CaREA về chính sách để từ đó kịp thời điều chỉnh những bất cập, hướng thị trường BĐS phát triển lành mạnh và bền vững", ông Hiển nói.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sẽ là hành lang pháp lý quan trọng và đầy đủ để quản lý, tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh.
"Nghị quyết 18 có 10 điểm mới đáng chú ý, đó là: Việc quản lý, kiểm soát về đất đai sẽ chặt chẽ hơn; giải quyết cơ bản vướng mắc tồn động về đất đai trong các năm qua; bỏ khung giá đất đưa giá đất về giá trị thực theo thị trường; đánh thuế cao đối với người sở hữu nhiều BĐS; hoàn thiện khung pháp lý đấu giá đất, đấu thầu giao đất thực hiện dự án; hoàn thiện pháp lý về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất; mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương; bổ sung, hoàn thiện các quy định đối với quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh; thanh toán không dùng tiền mặt và minh bạch thông tin về đất đai", TS Cấn Văn Lực nói.
TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, điểm nhấn đáng chú ý của Nghị quyết 18 là các vướng mắc lâu nay của thị trường BĐS như hạn mức sử dụng đất; Condotel (căn hộ và biệt thự du lịch); chính sách giá, đấu giá, đấu thầu về đất đai; hỗ trợ, đền bù, tái định cư…sẽ được cụ thể hóa, đây là giải pháp căn cơ nhất để lành mạnh hóa thị trường BĐS.