Tuy nhiên, cơ hội thường xuất hiện trong những thời điểm khó khăn. Theo nhiều chuyên gia, định giá của thị trường tại vùng giá 1.150-1.250 điểm đang ở mức khá hấp dẫn với P/E của VN-Index đạt khoảng 13 lần và P/E của VN30 là khoảng 12 lần, thấp hơn ngưỡng trung bình của 5 năm gần nhất. Nếu tính theo P/E kỳ vọng cho năm 2022, các mức định giá này đang trở nên hấp dẫn hơn, đặc biệt đối với các nhà đầu tư dài hạn theo trường phái giá trị.
Vậy đối với các cơ hội ngắn hạn (dưới 3 tháng) trong các nhịp “sóng hồi” của thị trường thì sẽ như thế nào? Bài nghiên cứu này sẽ hỗ trợ độc giả tìm kiếm câu trả lời thông qua diễn biến biến động thị trường sau các nhịp điều chỉnh lớn trong hơn 4 năm qua (2018-2022).
Trong Hình 1, 3 mốc thời gian được khoanh vùng có thể coi là mốc thị trường “tạo đáy ngắn hạn” và sau đó hồi phục lại sau các đợt điều chỉnh mạnh, bao gồm: tháng 08/2018 và tháng 1/2019 (trong bối cảnh năm 2018 thị trường thế giới điều chỉnh chung do lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và FED 4 lần tăng lãi suất), và tháng 4/2020 (nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19).
Tại các khung thời gian này, dữ liệu giao dịch của khoảng 500 cổ phiếu có vốn hóa lớn hóa nhất thị trường đã được thu thập. Để so sánh độ mạnh yếu của các ngành/nhóm cổ phiếu tương quan với các nhóm khác, Chỉ tiêu Chỉ số sức mạnh giá 1 tháng (RS 1T) được sử dụng, đây là chỉ tiêu RS được tính toán theo phương pháp độc quyền của Techcom Securities (TCBS). (Để làm rõ hơn, chỉ tiêu này giúp nhà đầu tư sàng lọc ra các cổ phiếu đang có xu hướng tăng mạnh bằng cách so sánh sự thay đổi giá của một cổ phiếu với những cổ phiếu còn lại trong 1 tháng gần nhất và xếp hạng từ 1 đến 100. Ví dụ, một cổ phiếu có chỉ số Sức mạnh giá ở mức 90 nghĩa là trong 1 tháng gần nhất, cổ phiếu có mức độ tăng giá mạnh hơn 90% các cổ phiếu còn lại trên thị trường.)
Dữ liệu được tập hợp và nghiên cứu theo các nhóm cổ phiếu, phân loại theo vốn hóa và thanh khoản (VN30, Large Cap, Mid-Cap, Penny) và theo Ngành. Từ 3 mốc thời gian được lựa chọn, bài nghiên cứu sẽ tính toán và phân tích giá trị RS trung bình của 2 tháng trước thời điểm tạo đáy (“Cuối xu hướng giảm”) và 3 tháng sau thời điểm tạo đáy (“Hồi phục”).
Kết quả phân tích đối với phân loại các nhóm cổ phiếu theo vốn hóa và thanh khoản
Hình 2 cho thấy các nhóm VN30 và Vốn hóa lớn vẫn có sự hồi phục trung bình tốt hơn 2 nhóm còn lại với chỉ tiêu RS chủ yếu đạt quanh mức 60. Tuy nhiên, sau 2 tháng hồi phục, 2 nhóm này sẽ có xu hướng yếu hơn so với các nhóm Mid-cap và Penny.
Điểm đáng chú ý là bản chất giai đoạn điều chỉnh năm 2018-2019 (chiến tranh thương mại, tăng lãi suất) có khác biệt so với năm 2020 (dịch bệnh bất thường) nên diễn biến các nhóm cổ phiếu có khác nhau. Cụ thế, các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có dấu hiệu vững vàng hơn trong giai đoạn 2018-2019 trong khi tại năm 2020, dòng tiền lớn rút ra vô cùng mạnh mẽ ảnh hưởng rất sâu sắc tới nhóm này, dẫn đến chỉ số RS trung bình rất thấp tại ~26.
Kết quả phân tích đối với phân loại cổ phiếu theo ngành
Hình 3 đem đến một cái nhìn sắc nét hơn về biến động sức mạnh giá, do các cổ phiếu có xu hướng vận động tương quan cao trong cùng một ngành. Một số nhận định chính tương đồng trong cả 3 khung thời gian có thể rút ra như sau:
Nhóm Dầu khí luôn có sức bật khá tốt trong vòng 2 tháng đầu trong các đợt phục hồi, sau đó điều chỉnh mạnh. Với hiện tượng “thiên nga đen” như năm 2020 (COVID-19), giá dầu giảm sâu trong giai đoạn đầu năm (Q1/2020) dẫn đến diễn biến của các cổ phiếu trong nhóm này ở mức RS đáy (chỉ khoảng ~31-35) nhưng bật lại rất nhanh trong 2 tháng khi thị trường phục hồi.
Nhóm Công nghệ thông tin với đại diện tiêu biểu là cổ phiếu FPT luôn có mức RS cao kể cả trong giai đoạn cuối xu hướng giảm và giai đoạn hồi phục. Điều này cho thấy sự đồng nhất với quan điểm chung về FPT, một cổ phiếu có thể “trú bão” trong các giai đoạn khó khăn.
Nhóm Dịch vụ tài chính (đa phần là các Công ty chứng khoán) thường phục hồi khá nhanh, sớm hơn so với thị trường chung, nhưng thời gian kéo dài không lâu, thể hiện qua việc chỉ số RS sụt giảm ngay trong tháng liền kề phía sau.
Một số nhóm “phòng thủ” có sự duy trì sức mạnh giá khá ổn định (RS>50) trước và sau xu hướng giảm, bao gồm: Hàng cá nhân và gia dụng, Thực phẩm và đồ uống, Bảo hiểm, Điện nước xăng dầu khí đốt. Điều này khá phù hợp với các lý thuyết chung về nhóm ngành phòng thủ khi thị trường diễn biến phức tạp hoặc khi nền kinh tế gặp khó khăn.
Ngân hàng và Bất động sản, hai nhóm “trụ” của thị trường, thể hiện sức mạnh giá không ổn định và không nổi bật do không thực sự được ưa thích của dòng tiền ngắn hạn trong bối cảnh phức tạp chung.
Bài viết này nhằm hỗ trợ thông tin cho các nhà đầu tư về diễn biến các nhóm cổ phiếu/nhóm ngành, tìm kiếm sự phục hồi ngắn hạn mạnh nhất sau điều chỉnh, dựa trên phân tích chỉ tiêu RS các nhóm cổ phiếu tại các đợt điều chỉnh mạnh trong quá khứ giai đoạn 2018-2022.
Chỉ số RS theo phương pháp tính toán độc quyền dành cho các khách hàng của TCBS hiện có thể xem tại đây và được ứng dụng trong rất nhiều công cụ khác tại TCInvest (bao gồm Bảng giá, Bộ lọc thông minh, TCRating… ).