Chứng khoán

Thêm nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết HoSE

HoSE liên tiếp nhận 5 hồ sơ niêm yết cổ phiếu

Vào những ngày cuối tháng 9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) liên tiếp thông báo nhận hồ sơ niêm yết cổ phiếu của 5 doanh nghiệp. Như vậy, số lượng doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết HoSE chờ ngày được chấp thuận tăng lên 14 đơn vị.

Thêm nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết HoSE - Ảnh 1.

Danh sách doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết HoSE chờ được phê duyệt. Nguồn: HSX.VN

Trong đó, Thương mại và Sản xuất Lập Phương Thành, Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương và Dệt may Thọ Hòa là chuyển giao dịch cổ phiếu từ UPCoM sang niêm yết HoSE, Nova Consumer và Dược Bảo Châu thực sự là các tân binh trên thị trường chứng khoán.

Công ty Thương mại và sản xuất Lập Phương Thành (UPCoM: LPT) có vốn điều lệ 120 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực đạo tạo sát hạch lái xe và kinh doanh thương mại sản phẩm phục vụ xây dựng, y tế. Đơn vị có 3 cơ sở kinh doanh ở Hải Dương. Công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM từ đầu năm 2021. Hiện cổ phiếu giao dịch vùng 10.000 – 11.000 đồng/cp, đi ngang nhiều tháng qua, thanh khoản vài chục đến vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 123 tỷ đồng, đi ngang so với năm trước. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 12,7 tỷ đồng, gấp 2,7 lần nhờ tìm được nhà cung cấp hàng hóa thương mại với giá vốn thấp cùng tiết kiệm chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp.

Nửa đầu năm, doanh thu đạt 95 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 7,4 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm trước.

PV Trans Pacific (UPCoM: PVP) hoạt động trong lĩnh vực vận tải dầu thô, công ty con của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans, HoSE: PVT). Doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM từ 2016 và hiện giao dịch vùng 11.400 đồng/cp với thanh khoản vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên.

Tình hình kinh doanh của công ty ghi nhận đi xuống trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, doanh thu thuần 640 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước do tăng doanh thu hoạt động thương mại. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế thu được 31 tỷ đồng, giảm 74% do chuyển đổi hình thức khai thác tàu và trích trước chi phí sửa chữa lớn cho đội tàu (tàu Apollo, tàu FSO Đại Hùng Queen).

Dệt may Thọ Hòa (UPCoM: HTG) được thành lập từ 1962, đơn vị thành viên của Vinatex ( UPCoM: VGT ). Sản phẩm dệt may của doanh nghiệp bao gồm veston, đồ bảo hộ lao động, áo khoác, quần tây và sản phẩm sợi.

Năm 2021 là năm ghi nhận lợi nhuận ròng cao nhất kể từ khi công khai BCTC với 188 tỷ đồng, gấp 3 lần 2020. Trong nửa đầu năm, doanh nghiệp dệt may tiếp tục gặt hái thành công khi doanh thu đạt 2.587 tỷ đồng, tăng 67%. Lợi nhuận cổ đông công ty mẹ gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 133 tỷ đồng. Nguyên nhân là nhờ nhu cầu mua sắm hàng may mặc tăng cao so với cùng kỳ khi nền kinh tế quay về trạng thái bình thường mới.

Nova Consumer là đơn vị thành viên của Tập đoàn NovaGroup, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Vào tháng 3, công ty đã hoàn tất đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) 10,9 triệu cổ phiếu với giá 44.000 đồng/cp, huy động được gần 480 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nông nghiệp dùng nguồn tiền huy động được để mua công ty TNHH Thực phẩm Mặt Trời Mọc (Sunrise Foods), doanh nghiệp sở hữu gián tiếp Anco Family Food có hệ thống phân phối với 80.000 điểm bán lẻ ở kênh truyền thống và hơn 4.000 bán lẻ ở kênh siêu thị.

Ngoài ra, Anco Family Food cũng có cơ sở sản xuất, đặc biệt là sản phẩm từ thịt như xúc xích, bánh gạo, đồ hộp… Trong đó, sản phẩm xúc xích Xuxifarm, Bé khỏe đã có chỗ đứng trên thị trường với thị phần 30% trong ngành hàng này.

Mua Sunrise Foods là bàn đạp cho Nova Consumer tiến vào ngành hàng tiêu dùng trong tương lai. Trong quá trình phát triển, Nova Consumer đã xây dựng được chuỗi cung ứng khép kín từ khâu đầu đến khâu cuối, cung cấp toàn diện giải pháp chăn nuôi từ thuốc thú y, con giống, thức ăn chăn nuôi và cả kiến thức cho người nông dân. Ông Nguyễn Hiếu Liêm, Chủ tịch HĐQT chia sẻ những nền tảng vững chắc trong mảng nông nghiệp sẽ là tiền đề quan trọng để Nova Consumer tiến vào ngành hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể tận dụng được hệ sinh thái của NovaGroup để đa dạng cách tiếp cận người tiêu dùng.

Cuối cùng, HoSE công bố nhận hồ sơ niêm yết 21,5 triệu cổ phiếu Tập đoàn Dược Bảo Châu vào ngày 29/9. Công ty chuyên sản xuất và kinh doanh đồ uống không cồn, nước giải khát, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và hóa phẩm từ thiên nhiên.

Vào đầu tháng 9, Dược Bảo Châu vừa hoàn tất chào bán 3,5 triệu cổ phiếu ra công chúng với giá 10.000 đồng/cp, vốn điều lệ tăng lên 215 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm, công ty dược phẩm công bố doanh thu đạt 168 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Song lợi nhuận sau thuế giảm từ 10,4 tỷ đồng xuống 9,2 tỷ đồng do chi phí bán hàng gia tăng khi công ty đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, trưng bày sản phẩm, quảng cáo để mở rộng địa bàn, tăng doanh thu.

Lượng doanh nghiệp chính thức chào sàn thấp

Từ đầu năm đến nay, số lượng doanh nghiệp chính thức chào sàn HoSE khá nhỏ giọt, trong 3 tháng đầu năm có 3 doanh nghiệp được niêm yết mới và chính thức giao dịch gồm Đầu tư nhãn hiệu Việt (HoSE: ABR), Tổng công ty phát điện 3 (HoSE: PGV) và Công trình Viettel (HoSE: CTR). Đến tháng 9, HoSE chấp thuận niêm yết và đưa vào giao dịch thêm 1 mã chứng chỉ quỹ (Quỹ Đầu tư tăng trưởng Thiên Việt 4) và 1 mã chứng chỉ quỹ ETF (Quỹ DCVFMVNMIDCAP).

Ngoài ra, Gỗ An Cường (UPCoM: ACG) cũng đã được chấp thuận niêm yết vào ngày 25/8, dự kiến ngày 10/10 tới đây là ngày giao dịch đầu tiên tại HoSE. Giá tham chiếu là 67.300 đồng/cp.

Quy định mới thay đổi theo hướng yêu cầu kỹ lưỡng hơn trong việc xét duyệt hồ sơ niêm yết HoSE.

Trao đổi với Người Đồng Hành, một chuyên gia nhận định những quy đinh pháp lý thời gian qua có nhiều thay đổi theo hướng yêu cầu kỹ càng hơn trong việc xem xét hồ sơ niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp. Nguyên nhân số lượng cổ phiếu niêm yết mới tại HoSE thấp chủ yếu là do doanh nghiệp chưa bổ sung đủ hồ sơ kịp thời. Quy định mới bắt buộc doanh nghiệp phải có yếu tố cập nhật thông tin, bổ sung báo cáo soát xét và kiểm toán theo từng mốc công bố thông tin. Ví như, doanh nghiệp nếu không hoàn tất hồ sơ trước tháng 6 thì buộc phải cập nhật thêm BCTC soát xét bán niên, điều này khác với trước đây là cho phép đến tháng 8 mới cần bổ sung thêm.

Vị này nhận định quy định mới này có thể đã khiến những doanh nghiệp mới lúng túng và không hoàn thiện hồ sơ niêm yết cổ phiếu theo kế hoạch đề ra.

Mặt khác, diễn biến thị trường chứng khoán năm 2022 không tích cực khiến doanh nghiệp không mặn mà với việc thúc đẩy hồ sơ niêm yết cổ phiếu.

Như Tôn Đông Á lên kế hoạch IPO và niêm yết cổ phiếu từ giữa năm 2021 thời điểm cổ phiếu thép đạt đỉnh và kết quả kinh doanh khả quan. Mặc dù HoSE thông báo nhận hồ sơ niêm yết từ tháng 4 nhưng ban lãnh đạo trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tháng 6 cho biết thời gian chính thức giao dịch cổ phiếu có thể vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Một số doanh nghiệp khác rút hồ sơ niêm yết cổ phiếu với nhiều lý do khác nhau. Như Sơn Á Đông (UPCoM: ADP) nộp hồ sơ từ tháng 10/2021 và đến tháng 5 năm nay xin rút để kiện hoàn hồ sơ theo đúng quy định. Chứng khoán kiến thiết Việt Nam (UPCoM: CSI) rút hồ sơ do thay đổi lộ trình kinh doanh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm