Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1-7 đã có nhiều "chốt chặn" để ngăn sở hữu chéo và tình trạng thao túng ngân hàng (NH). Tuy nhiên, hiệu quả của việc này phụ thuộc rất lớn vào thực tiễn thi hành luật.
Hé lộ những cổ đông lớn
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) 2024 có quy định nổi bật, là NH cổ phần phải công khai thông tin cá nhân, tổ chức sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên; tỉ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân đó và người có liên quan. Đồng thời, tỉ lệ nắm giữ cổ phần của cổ đông tổ chức giảm từ 15% xuống 10% vốn điều lệ, tỉ lệ nắm giữ cổ phần của cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15% vốn điều lệ.
Luật cũng quy định rõ những trường hợp sở hữu cổ phần vượt mức theo quy định mới (tức tỉ lệ sở hữu trước ngày 1-7) vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, đến nay một loạt NH thương mại gồm Techcombank, LPBank, OCB, VPBank, HDBank, MSB, Eximbank... đã công bố thông tin theo quy định mới. Trong đó, NH Kiên Long (Kienlongbank) là cái tên mới nhất công bố thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Theo đó, có tổng cộng 22 tổ chức và cá nhân đang nắm giữ từ 1% vốn điều lệ của NH này. Đáng chú ý, trong danh sách được công bố, duy nhất bà Trần Thị Thu Hằng giữ vị trí trong HĐQT và ban điều hành nhà băng này. Bà Hằng hiện là thành viên HĐQT, trước đó từng là Chủ tịch HĐQT của Kienlongbank. Bà Hằng đang nắm hơn 17,24 triệu cổ phiếu, tương đương 4,72% vốn điều lệ NH này.
NH Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã TCB) có 13 cổ đông, trong đó có 6 cá nhân và 7 tổ chức nắm giữ 1,84 tỉ cổ phiếu TCB, tương đương tỉ lệ sở hữu 52,2% NH. Theo danh sách công bố của Techcombank, 4 quỹ ngoại gồm Quỹ Đầu tư chính phủ Singapore sở hữu hơn 1% và Morgan Stanley & Co. International Plc 1,45%, COG Investment I B.V và người liên quan nắm 7,9%, Vesta VN Investments B.V và người liên quan nắm 7,9%. Công ty CP Tập đoàn Masan và người liên quan nắm 15,2% vốn NH này.
Với cổ đông cá nhân, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, nắm giữ hơn 1,1% vốn điều lệ. Ba người con của ông nắm giữ gần 12% cổ phần...
NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có 2 cá nhân và 3 tổ chức sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên bao gồm: Công ty CP Tập đoàn Gelex (GEX) đang là cổ đông lớn nhất của Eximbank khi sở hữu 4,9% vốn điều lệ (hơn 85,5 triệu cổ phiếu). Hai cổ đông tổ chức còn lại gồm Công ty CP Chứng khoán VIX sở hữu 3,58% và Công ty CP Thắng Phương sở hữu 3,07% vốn.
Quan trọng là thực thi
Luật sư Lê Cao, Công ty Luật FDVN, nhận xét việc các NH cổ phần phải cung cấp thông tin nhà đầu tư sở hữu trên 1% cổ phần sẽ minh bạch hơn trong các vấn đề liên quan đến cổ đông nhỏ lẫn cổ đông lớn. Đây là một trong những giải pháp nhằm hạn chế hoạt động các nhóm thâu tóm NH, kiểm soát được tốt hơn tính liên quan sở hữu cổ phần, góp phần giảm thiểu tình trạng sở hữu chéo.
Có điều, vấn đề là đôi khi người đứng tên sở hữu cổ phần NH không hẳn là thật. Nhiều vụ án liên quan đến NH đã được làm rõ trong thời gian qua cho thấy tỉ lệ sở hữu thực sự so với tỉ lệ công bố là khác nhau, hiện tượng nhờ người đứng tên cổ phần NH vẫn là vấn đề nhức nhối. "Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) năm 2024 đã quy định rõ ràng, cụ thể nhưng muốn minh bạch sở hữu cổ phần, tránh tình trạng sở hữu chéo là cần sự quyết liệt trong thực tiễn thi hành thời gian tới" - ông Cao nhấn mạnh.
Trong khi đó, nguyên trưởng ban kiểm soát của một NH tại TP HCM cho biết một vụ án liên quan một NH lớn vừa qua cho thấy chỉ một cá nhân nắm giữ 5% vốn điều lệ nhưng thực tế người này lại là chủ của NH đó. Hiện nay, các cá nhân nắm giữ tỉ lệ cổ phần số lượng lớn có thể chia nhỏ rồi nhờ nhiều người khác đứng tên với tỉ lệ dưới 1%. Khi đó, những người đứng tên hộ không phải cung cấp thông tin cho NH. Đến một thời điểm thích hợp, người có số lượng cổ phần lớn sẽ kết nối những người đứng tên hộ rồi cử đại diện 10% vốn cổ phần trúng cử thành viên HĐQT. Việc này có thể dẫn đến thao túng NH, nhất là trong hoạt động cấp tín dụng cho những cá nhân, tổ chức có quan hệ thân thiết.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), hiện nay đã có những dấu hiệu cho thấy tình trạng sở hữu chéo NH giảm đáng kể, nhất là sau vụ NH SCB. Tuy nhiên, tình trạng thao túng NH vẫn còn phổ biến.
Theo ông Đức, pháp luật đã quy định khá chặt chẽ và đương nhiên sẽ giải quyết được cơ bản về mặt pháp lý. Nhưng yếu tố quyết định lại nằm ở khâu thực thi. Nếu vẫn cứ để thực trạng pháp luật diễn ra một hướng, thực tế lại theo hướng khác thì không những không triệt tiêu mà còn có nguy cơ hơn về vấn đề sở hữu chéo, lũng đoạn NH. "Các quy định pháp luật về tỉ lệ sở hữu cổ phần chỉ đáp ứng được 50% việc hạn chế sở hữu chéo và thao túng NH. Phần còn lại phụ thuộc vào các quy định liên quan, đặc biệt là việc thực thi pháp luật của các cổ đông, NH và nhiều cơ quan chức năng" - ông Đức nói.
Để bảo đảm hiệu quả trong thực thi quy định về cổ phần NH chuyên gia tài chính NH, TS Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, giám sát NH, trong đó có tăng cường trao đổi, phối hợp quản lý giữa các bộ, ngành, nhất là công tác điều tra của công an nhằm kịp thời phát hiện những hành vi cố tình "lách" quy định sở hữu cổ phần, về người có liên quan hoặc xác định các quan hệ giữa cổ đông lớn của các NH với các doanh nghiệp "sân sau". Khi đó, tình trạng sở hữu chéo, lũng đoạn NH mới hạn chế đến mức thấp nhất.
Mặt khác, theo ông Hiếu, NH Nhà nước cần tính đến biện pháp xử phạt mạnh tay nếu phát hiện NH tiếp tay cho các cổ đông gian lận tỉ lệ sở hữu cổ phần. Đồng thuận với ông Hiếu, Luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm cần phải thay đổi những quy định xử lý vi phạm như xử phạt thật nặng về hành chính lẫn hình sự, không loại trừ việc tịch thu số cổ phần vượt quá giới hạn.
Nhận diện rõ nguy cơ
Tại báo cáo gửi Quốc hội liên quan đến hoạt động chất vấn mới đây, NH Nhà nước cho biết những năm qua đã tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định cùng với quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Tuy vậy, việc kiểm soát sở hữu chéo giữa các công ty ngoài ngành với NH rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật. Điều này dẫn đến tổ chức tín dụng có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.