C-37 và C-38 là những mảnh vỡ lớn nhất của Conger sau khi thềm băng này sụp đổ hoàn toàn ở phía đông Nam Cực - Ảnh: AFP
Ngày 25-3, báo New York Times dẫn lời các nhà khoa học thuộc Cục Khí tượng Úc cho biết đây là lần đầu tiên kể từ khi ảnh vệ tinh bắt đầu được dùng để quan sát Nam Cực cách đây gần 50 năm trước, họ đã nhìn thấy sự sụp đổ của một thềm băng ở phía đông lục địa này.
Theo đó, sự sụp đổ của thềm băng Conger rộng 1.165 km2 xảy ra giữa tháng 3. Theo dữ liệu của trạm nghiên cứu Concordia ở Nam Cực, vào thời điểm giữa tháng 3, nhiệt độ của khu vực là khoảng âm 12 độ C, ấm hơn 40 độ so với nhiệt độ thông thường tại thời điểm này của năm.
Theo Đài CNN, những thềm băng như Conger là phần mở rộng của các tảng băng và sông băng trên lục địa nhô ra ngoài đại dương. Chúng giúp ngăn những tảng băng và sông băng này trôi ra đại dương.
Khi một thềm băng sụp đổ, băng trong đất liền sẽ di chuyển ra đại dương nhanh hơn, dẫn đến băng tan và làm mực nước biển dâng, một hiện tượng đe dọa đến môi trường sống của các cộng đồng ven biển trên khắp thế giới.
Theo các nhà khoa học, đã có hàng loạt vụ sụp đổ thềm băng xảy ra trong suốt 40 năm qua, song chủ yếu là ở phía tây Nam Cực, nơi có nhiệt độ ấm hơn so với phía đông.
Theo nhà nghiên cứu Ted Scambos, làm việc tại Trung tâm Quan sát và Khoa học Trái đất của ĐH Colorado Boulder (Mỹ), do hai sông băng phía sau thềm băng Conger tương đối nhỏ, sự sụp đổ của Conger sẽ có tác động tối thiểu tới mực nước biển, khoảng 2,5cm trong vòng 100 năm.
Một số sông băng lớn ở tây Nam Cực đang di chuyển nhanh, và nếu các thềm băng phía trước chúng sụp đổ hoàn toàn, mực nước biển có thể dâng tới 3m trong nhiều thế kỷ tới.