Không lâu sau khi các ngân hàng Phố Wall sụp đổ vào năm 2008, một tài liệu 9 trang đã được lan truyền trong một danh sách email bí ẩn. Tài liệu này đề xuất một hệ thống tài chính mới không dự vào bất kỳ “bên thứ 3 được tin tưởng nào”, theo New York Times.
Tài liệu này về cơ bản chính là thứ mà về sau trở thành ngành công nghiệp tiền mã hoá. Sử dụng giọng văn đầy sự lý tưởng, những người ủng hộ nó cam kết sẽ thực hiện mô hình kinh doanh này một cách minh bạch, bình đẳng và loại bỏ được rủi ro cao khi một số ít công ty tài chính mạnh đã gây ra cuộc Đại suy thoái.
Thế nhưng, tháng trước, sự sụp đổ của một công ty, sàn giao dịch trị giá 32 tỷ USD FTX, đã nhấn chìm ngành công nghiệp tiền mã hoá mới nổi vào một cuộc khủng hoảng không khác gì năm 2008. Từng được xem là một sàn giao dịch an toàn cho những người muốn đầu tư tiền ảo, FTX đệ đơn phá sản sau khi lâm vào tình trạng mất thanh khoản.
Thực tế này đặt khiến những người trong ngành, các nhà đầu tư và những người ủng hộ tiền số buộc phải đặt ra câu hỏi công nghệ có ý nghĩa như thế nào trong việc đáng lẽ ra là khắc phục các điểm yếu của hệ thống tài chính truyền thống nhưng cuối cùng lại lặp lại chúng.
Nhiều lãnh đạo trong ngành, những người mới chỉ vừa một năm trước còn đắm chìm với sự tăng trưởng dường như không thể ngăn cản được của tiền điện tử, giờ lại đang cố chứng minh rằng họ có thể học hỏi từ những sai lầm và cố gắng quay trở ề với những ý tưởng nguyên sơ nhất của ngành công nghiệp.
Binance, sàn giao dịch mã hoá lớn nhất thế giới, tháng trước khẳng định sẽ công bố nhiều thông tin hơn về tình hình tài chính của mình đồng thời tuyển các kiểm toán viên độc lập để xác minh số liệu. Coinbase, sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất nước Mỹ, cam kết xây dựng “một hệ thống phi tập trung nơi bạn không cần tin tưởng chúng tôi”.
Nhiều người ủng hộ tiền số thậm số kêu gọi những cuộc cải tổ lớn hơn. Họ kêu gọi các nhà đầu tư không để lại danh tính số với các công ty lớn mà thay vào đó chú ý nhiều hơn vào các nền tảng thử nghiệm được vận hành đơn thuần bằng các đoạn mã lập trình.
Sau tất cả những hứa hẹn, sự sụp độ của FTX cho thấy tiền mã hoá vẫn còn cách rất xa mục tiêu ban đầu của mình và phải còn rất lâu nữa mới được đón nhận rộng rãi khi niềm tin của người tiêu dùng dần bị xói mòn. Tại một hội thảo diễn ra vào tháng trước, ông Changpeng Zhao, CEO Binance, thừa nhận vụ việc của FTX khiến ngành tiền số đi thụt lùi nhiều năm.
Sự sụp đổ của FTX diễn ra trong bối cảnh thị trường tiền mã hoá chìm trong sự u ám suốt nhiều tháng. Bitcoin, đồng tiền mã hoá phổ biến nhất, có thời điểm giao dịch dưới mốc 17.000 USD, thấp hơn rất nhiều so với mốc đỉnh 70.000 USD ghi nhận vào tháng 11 năm ngoái.
“Bạn bắt đầu trải qua các vấn đề kiểu như vậy và chúng chất chồng lên nhau”, John Reed Stark, một cựu lãnh đạo cấp cao của Uỷ ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC), nhận định. “Ngày càng có nhiều người nhận ra điều này với bản chất là một vụ lừa đảo”.
Thực tế, ngành tiền mã hoá đã phục hồi từ nhiều lần sụp đổ trước đó và thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn thậm chí còn đổ nhiều tiền hơn vào các công ty mang tính chất thử nghiệm. Dù vậy, sự sụp đổ của FTX được xem là điều tồi tệ nhất từng xảy đến.
Ngành công nghiệp tiền mã hoá khởi động từ năm 2008 khi một nhân vật bí ẩn có tên Satoshi Nakamoto công bố sách trắng về Bitcoin. Sách trắng này có chứa các công nghệ nền tảng của Bitcoin.
Nhiều người ban đầu kỳ vọng Bitcoin có thể sẽ là nền móng cho một hệ thống tài chính minh bạch hơn. Tuy nhiên, ban đầu, tiền mã hoá chủ yếu được tội phạm sử dụng. Nhóm tội phạm dùng Bitcoin để chuyển các số tiền lớn mà không cần đến ngân hàng hay các trung gian thanh toán.
Dù vậy, qua các năm, các cơ quan luật pháp dần có khả năng theo dõi tội phạm tiền số tốt hơn và công nghệ cũng phát triển cho phép triển khai các dịch vụ cao cấp hơn như vay – mượn. Nhiều người bắt đầu sự nghiệp tại Phố Wall, bao gồm người sáng lập FTX Sam Bankman-Fried, cũng muốn tìm đến ngành công nghiệp non trẻ mới để tìm kiếm lợi nhuận.
Khi tiền mã hoá phát triển, nó bắt đầu biểu hiện một số đặc điểm giống các định chế tài chính Phố Wall mà nó muốn thay thế. Giao dịch mã hoá trở nên tập trung hơn với lượng lớn giao dịch được thực hiện trên các sàn giao dịch lớn như Binance, FTX hay Coinbase. Vài tháng trước khi FTX sụp đổ, lượng giao dịch tiền mã hoá trên Binance lớn hơn tất cả 7 đối thủ gần nhất của nó cộng lại.
Tầm nhìn đầu tiên của tiền mã hoá là “cố gắng viết lại quy tắc tài chính trên phạm vi toàn cầu”, Charley Cooper, giám đốc điều hành của R3, nói. “Và rồi chúng ta lại ở đây, trong một ngành có tính tập trung hơn cả những gì đã thấy ở các ngân hàng”.
Gía trị tiền mã hoá tăng mạnh trogn năm ngoái và tới tháng 5/2022. Đó là thời điểm một đồng tiền mã hoá phổ biến là Luna sụp đổ. 2 công ty cho vay lớn là Celsius Network và Voyager Digital đệ đơn xin phá sản. Ngay cả những người ủng hộ tiền mã hoá cũng cho rằng đây là “điềm báo” cho một “mùa đông của tiền số”.
Giữa khủng hoảng, FTX nổi lên nhưng một cái tên đáng tin cậy. Có trụ sở tại Bahamas, công ty này phục vụ nhu cầu mua, bán tiền mã hoá với những tuỳ chọn rủi ro cao vốn không được cho phép triển khai tại Mỹ. Bankman-Fried, người đứng đầu FTX, liên tục ra tay cứu các công ty đang gặp khó khăn.
Và rồi tháng trước, một làn sóng rút tiền ồ ạt để lộ lỗ hổng 8 tỷ USD trong tài khoản của FTX. Công ty này sau đó đệ đơn phá sản chỉ trong 1 tuần. SEC và Bộ Tư pháp Mỹ đã mở một cuộc điều tra để xác định khả năng FTX đã chuyển tiền của khách hàng trái phép sang Alameda Research, một quỹ phòng hộ tiền mã hoá mà Bankman-Fried cũng sáng lập và sở hữu. Sự sụp đổ của FTX kéo theo sự ra đi của nhiều công ty khác có liên quan đến công ty này,
Một số người cho rằng sự sụp đổ của FTX là một phát triển tích cực khi năng lượng sẽ chuyển hướng tìm kiếm các mục đích sử dụng thực tiễn hơn của công nghệ.
“Với chúng tôi, đây là một khoảnh khắc tuyệt vời”, Jeremy Allaire, CEO công ty thanh toán mã hoá Circle, nói. “Chúng tôi mang đến các giá trị thực mà những người tập trung xây dựng các sòng bạc giao dịch đầu cơ không quá vui vì điều đó”.
Binance về cơ bản có mô hình kinh doanh giống FTX, nhưng ông Zhao, CEO Binance, gần đây luôn cố gắng thể hện sự khác biệt giữa bản thân mình và Bankman-Fried. Hôm 25/11, Binance công bố một “hệ thống bằng chứng dự trữ mới”.
Hệ thống này hứa hẹn sẽ cập nhật cho người dùng số dư tiền mã hoá trong tài khoản của Binance. Điều này có thể sẽ giúp người dùng bớt lo lắng về khả năng mất thanh khoản của nó. Coinbase cũng khẳng định luôn nắm giữ số tiền bằng số tiền người dùng nộp vào.
Dù vậy, với nhiều người, sự tồn tại của các công ty lớn như Binance, Coinbase hay FTX vẫn đi ngược lại với lý tưởng của tiền mã hoá. Từ khi FTX sụp đổ, nhiều người ủng hộ tiền mã hoá đã chuyển sang dùng các công ty nhỏ hơn hoạt động trong lĩnh vực tài chính phi tập trung (DeFi).