Tại Tây Ban Nha, dầu ăn từ Ukraine đang ngày càng khan hiếm khỏi các kệ hàng siêu thị. Nhiều đơn vị bán lẻ đã phải áp dụng hạn mức mua từ 2-5 lít với mỗi khách hàng. Giá cả cũng đã tăng khoảng 2-3 lần, khiến gánh nặng chi phí lên doanh nghiệp và người tiêu dùng lại càng lớn hơn.
Ông Javier Alvarez, chủ một nhà hàng, cho biết: "Một năm trước chúng tôi có thể mua dầu với giá chỉ 0,8 Euro/lít, nhưng giờ đã lên tới 2,6 Euro. Bây giờ mọi thứ thật quá khó khăn với chúng tôi".
Đây là điều đã được dự báo kể từ khi xung đột diễn ra bởi cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu dầu ăn lớn, chiếm khoảng gần 70% thị trường dầu hướng dương toàn cầu, đặc biệt là tại châu Âu, nơi nguồn cung dầu thực vật nội địa khá thấp so với nhập khẩu từ 2 nước trên.
Không chỉ tại châu Âu, quyết định mới của giới chức Indonesia đang đe dọa đẩy nguồn cung dầu ăn trên toàn cầu khan hiếm hơn nữa.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói: "Chính phủ đã quyết định cấm xuất khẩu mặt hàng dầu ăn và các nguyên liệu thô kể từ ngày 28/4. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để đảm bảo nguồn dầu ăn trong nước dồi dào và có giá cả hợp lý".
Dù là nước xuất khẩu dầu ăn số 1 thế giới, chủ yếu là dầu cọ, nhưng nước này lại thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu hụt. Giới chức Indonesia cho biết đây là giải pháp cuối cùng, sau khi nhiều biện pháp giữ giá và đảm bảo nguồn cung nội địa không đạt kết quả.
Quyết định này đến đúng vào thời điểm, bên cạnh tình hình Ukraine, nguồn cung dầu ăn còn bị thắt chặt do các nguyên liệu khác như đậu nành và hạt cải dầu sụt giảm vì hạn hán.
Theo các chuyên gia, khủng hoảng thiếu hụt dầu ăn đang góp phần làm nghiêm trọng thêm lạm phát thực phẩm vốn đang cao kỷ lục trên toàn cầu, trong đó, các nước đang phát triển, phụ thuộc vào dầu cọ giá rẻ như Ấn Độ, Pakistan hay khu vực Trung Đông có thể là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.