Tài chính

Thấy gì từ việc người Thái thâu tóm công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu Việt Nam?

Thấy gì từ việc người Thái thâu tóm công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu Việt Nam?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

SCB Thái Lan sẽ hoàn tất mua lại Home Credit vào đầu năm 2025

Tập đoàn công nghệ tài chính SCBX của Thái Lan mới đây cho biết, dự kiến sẽ hoàn tất thương vụ mua lại Công ty tài chính Home Credit Việt Nam trong nửa đầu năm 2025, tùy thuộc vào sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.

Được thành lập vào năm 2009, Home Credit Việt Nam là một trong những công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam. Hiện, công ty này giữ vị trí thứ hai trên thị trường tài chính tiêu dùng, chiếm khoảng 14% thị phần, chỉ đứng sau FE Credit. Home Credit Việt Nam cung cấp các dịch vụ tài chính tiêu dùng đa dạng, từ cho vay trả góp xe máy, đồ gia dụng, điện tử đến vay tiền mặt và phát hành thẻ tín dụng.

Trước đó, ngày 28/2/2024, Tập đoàn Home Credit thông báo chuyển nhượng 100% phần vốn góp trong Công ty tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam ("Home Credit Vietnam") cho The Siam Commercial Bank Public Company Limited (Siam Commercial Bank - SCB), Ngân hàng thành viên của Tập đoàn SCBX.

Với giá trị khoảng 900 triệu USD, đây là thương vụ M&A công ty tài chính lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau thỏa thuận mua 49% vốn FE Credit của SMBC diễn ra vào năm 2021.

Trước khi thâu tóm Home Credit, SCB - ngân hàng lớn thứ tư của Thái Lan - đã hiện diện tại Việt Nam từ năm 2015, khi thành lập chi nhánh tại TP HCM trên cơ sở mua lại, tiếp nhận tài sản, công nợ của Ngân hàng Liên doanh Việt - Thái (VSB). Hiện chi nhánh của SCB Thái Lan tại TP HCM có vốn điều lệ gần 3.000 tỷ đồng.

Kỳ vọng của người Thái đối với thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam

Cùng với SCB, Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) - Ngân hàng lớn thứ 5 của Thái Lan – cũng vừa được SHB chuyển nhượng nốt 50% vốn điều lệ còn lại tại SHBFinance, qua đó sở hữu toàn bộ công ty tài chính này.

Ngân hàng lớn thứ hai của Thái Lan là Kasikornbank (KBank) cũng đã tham gia vào thị trường Việt Nam từ năm 2014 và đang nỗ lực gia tăng sự hiện diện. Năm 2021, KBank đã nâng cấp văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh thành Chi nhánh Ngân hàng với đầy đủ dịch vụ. Sau đó, Chi nhánh KBank tại Việt Nam tăng vốn lên 285 triệu USD vào năm 2023, tức gần 7.000 tỷ đồng – tương đương một số ngân hàng nhỏ trong nước.

Trong buổi chia sẻ với truyền thông hồi đầu năm 2024, ông Pipit Aneaknithi, Chủ tịch KBank đã bất ngờ công khai kế hoạch rót hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam từ nay đến 2027. Phần lớn số tiền sẽ đầu tư vào hoạt động ngân hàng, với 735 triệu USD. Số tiền còn lại dành cho hai công ty con của KBank tại Việt Nam là quỹ đầu tư KVision (336 triệu USD) và công ty công nghệ KBTG (7 triệu USD).

Với việc tăng vốn đầu tư tại Việt Nam, "ông lớn" ngân hàng Thái nhắm đến nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và cá nhân. Theo ông Pipit Aneaknithi, ngân hàng này nhìn thấy cơ hội khi hơn 97% doanh nghiệp ở Việt Nam là SME nhưng chỉ chiếm 20% thị phần trong cơ cấu thị trường vốn tín dụng. KBank đặt mục tiêu sẽ lọt vào trong top 20 ngân hàng lớn nhất Việt Nam vào năm 2027.

Ngoài ba ông lớn nêu trên, ngân hàng lớn nhất Thái Lan là Bangkok Bank hiện cũng đã mở 2 chi nhánh tại Việt Nam (Hà Nội và TP HCM) với tổng mức vốn điều lệ đăng ký đạt hơn 5.200 tỷ đồng.

Như vậy, 4/5 ngân hàng lớn nhất Thái Lan đã tham gia thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam với tổng mức vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD.

Có thể nói, hiếm có nhóm nhà đầu tư nước ngoài nào lại "vào sâu, ở lâu, bám chặt", tham gia nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam như các nhà đầu tư Thái Lan. Nói về những lần "chơi lớn" của "người Thái" không thể bỏ qua các thương vụ thâu tóm các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, bán lẻ. Đáng chú ý nhất là "bom tấn" Sabeco về tay Thaibev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi vào cuối năm 2017. Hay như chuyện Central Group mua lại Big C Việt Nam, cũng như mua lại 49% cổ phần của hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim;…

Đi cùng sự hiện diện mạnh mẽ của doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và bán lẻ, các ngân hàng đến từ xứ sở "chùa Vàng" cũng tích cực mở rộng hoạt động tại Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu tài chính cho các doanh nghiệp nước này, cùng với nhóm khách hàng là công ty vừa và nhỏ, đối tác của các doanh nghiệp Thái Lan.

Bên cạnh đó, thị trường 100 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ và lĩnh vực dịch vụ tài chính vẫn còn khá mới mẻ của Việt Nam được coi là miếng bánh hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư trong khu vực như Thái Lan vốn có nhiều điểm chung về văn hóa.

Ông Pipit Aneaknithi - Chủ tịch Kbank - nhận định, Việt Nam được xem là trọng điểm phát triển tại khu vực Đông Nam Á của nhà băng này.

Theo ông Pipit Aneaknithi, nơi đây có lợi thế đáng chú ý ở dân số trẻ, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật có thể giúp đất nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với việc chính phủ có những chính sách chèo lái kinh tế tốt.

Ông ví công thức phát triển cho Việt Nam như việc chuẩn bị một món ăn với đủ 3 nguyên liệu. Nguyên liệu đầu tiên là nhân sự, với hơn 20 triệu sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật hàng năm. Nguyên liệu thứ hai là công nghệ. Nguyên liệu thứ ba là tài chính, nơi ngành ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ các hoạt động sản xuất công nghiệp tiến lên.

Nói về thương vụ mua lại Home Credit, ông Arthid Nanthawithaya, Giám đốc điều hành của SCB X Public Company Limited, cho biết: "Việc mua lại Home Credit Việt Nam, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình trở thành tập đoàn công nghệ tài chính hàng đầu khu vực của SCBX. Thương vụ này sẽ củng cố sự hiện diện của chúng tôi tại thị trường ASEAN tăng trưởng cao, đồng thời cũng mang lại giá trị và tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông của SCBX trong dài hạn."

Theo ông Arthid, với nền kinh tế năng động, tăng trưởng GDP trung bình 7,5% trong thập kỷ qua và dân số am hiểu công nghệ, Việt Nam là thị trường chiến lược quan trọng của SCBX. Việc mua lại Home Credit này đánh dấu sự khởi đầu cho việc mở rộng của Tập đoàn SCBX sang thị trường Việt Nam, quốc gia có dân số hơn 100 triệu người.

"Với 15 triệu khách hàng, 14.000 điểm bán hàng và đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm, Home Credit Việt Nam sẽ đóng vai trò là cơ sở quan trọng cho sự hiện diện của Tập đoàn SCBX tại Việt Nam và ngay lập tức đóng góp lợi nhuận tích cực cho tập đoàn sau khi hoàn tất thương vụ. Việc mua lại này cũng đa dạng hóa cơ sở thu nhập của tập đoàn để tăng cường sức cạnh tranh trong tương lai, đồng thời duy trì tỷ lệ an toàn vốn vượt trội ở cả SCBX và Ngân hàng sau khi hoàn tất giao dịch.", Giám đốc điều hành SCBX nói thêm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm