Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 486.000 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó dịch vụ lưu trú, ăn uống gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước và dịch vụ du lịch lữ hành gấp 35,5 lần.
Tổng cục Thống kê đánh giá, hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7 sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành, đặc biệt là dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành. Trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có quy mô cũng như tốc độ tăng đều cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.
Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.205,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 0,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 11,9% (cùng kỳ năm 2021 giảm 1,8%).
Doanh thu bán lẻ, dịch vụ tăng còn xuất phát từ yếu tố lạm phát
Việc tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng đáng kể là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên theo đánh giá của chuyên gia, doanh thu tăng còn do yếu tố từ lạm phát.
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhắc lại trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu thế giới tăng cao đã làm cho giá mặt hàng này trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tới 1,87 điểm phần trăm.
Ông Lâm cho hay với kinh tế Việt Nam, xăng dầu có tác động sâu, rộng tới các ngành và lĩnh vực, đặc biệt là các ngành vận tải, khai thác thủy hải sản. Dự báo trong năm 2022, giá xăng dầu tăng và đứng ở mức cao, kéo theo giá của các hàng hóa khác cũng tăng điều này làm tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dich vụ tiêu dùng tăng theo.
"Việc xăng dầu tăng giá và đứng ở mức cao quá lâu sẽ gây nên áp lực lạm phát và tạo mặt bằng giá mới cao hơn của nền kinh tế", ông Lâm nói.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng đáng kể không chỉ là do nền kinh tế phục hồi sau đại dịch mà còn xuất phát từ yếu tố lạm phát.
Giá xăng dầu tăng mạnh trong nửa đầu năm đã khiến giá cả hàng hoá tiêu dùng tăng rất mạnh, yếu tố này còn ảnh hưởng không nhỏ tới du lịch, dịch vụ khi giá vé máy bay, giá dịch vụ ăn uống, lưu trú, lữ hành tăng theo giá xăng dầu.
Trên thực tế, mặc dù doanh thu tăng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn rơi vào cảnh thua lỗ, điển hình như việc các hãng hàng không lỗ 100 tỷ đồng mỗi tháng trong các tháng đầu năm 2022, theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam hay việc các doanh nghiệp lữ hành khôi phục lại hoạt động gặp nhiều khó khăn từ giá dịch vụ ăn uống, lưu trú tăng cao.
Vì vậy, theo đánh giá của PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, chỉ số doanh thu từ bán lẻ, du lịch, dịch vụ tăng mạnh không chỉ mang ý nghĩa nền kinh tế thực sự hồi phục sau đại dịch và còn báo hiệu lạm phát đang lan toả sâu rộng tới tất cả lĩnh vực của nền kinh tế.
Kiểm soát chặt chẽ những mặt hàng giảm giá chậm so với giá xăng
Bước sang tháng 7, giá xăng đã liên tiếp giảm mạnh xuống mức ngang bằng với hồi đầu năm. Mặc dù, vậy giá các mặt hàng, dịch vụ chưa có xu hướng giảm, điều này gây khó khăn cho cuộc sống của người dân và doanh nghiệp.
Tại cuộc thảo luận với Thủ tướng Chính phủ ngày 30/7, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng liên quan tới giá xăng dầu, nhất là các mặt hàng giảm giá chậm so với giá xăng dầu. Nguyên nhân là do lạm phát tại Việt Nam chủ yếu là do chi phí đẩy, trong đó nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu từ tác động trên thế giới.
Ngay sau đó, Thủ tướng đã ký văn bản yêu cầu Bộ trưởng Tài chính phối hợp với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết, kịp thời cho các tháng còn lại trong năm.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Giao thông vận tải phối hợp với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá. Trong trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.
Theo số liệu từ TCTK, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm 2022 ước đạt 2.556,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 9,5%), chủ yếu do doanh thu cùng kỳ năm trước đạt thấp và giá bán hàng hóa tăng khi giá nhiên liệu tăng cao.
Trong đó, nhóm hàng xăng dầu tăng tới 24,7%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 21,4%; lương thực, thực phẩm tăng 13,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 9,7%; may mặc tăng 9,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 3,7%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm 2022 ước đạt 324,9 nghìn tỷ đồng tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu vui chơi và du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè sau hơn 2 năm hạn chế đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình, chỉ tính riêng doanh thu tháng 7 đã tăng 134,7% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng năm 2022 ước đạt 11,9 nghìn tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa. Doanh thu 7 tháng năm 2022 của một số địa phương so với cùng kỳ như sau: Khánh Hòa tăng 858,4%; Cần Thơ tăng 328,3%; Đà Nẵng tăng 284,8%; Hà Nội tăng 216,8%; TP HCM tăng 111,4%.
Doanh thu dịch vụ khác