Trong Báo cáo chiến lược tháng 4, CTCP Chứng khoán An Bình (ABS) cho biết sau tháng 2 điều chỉnh khốc liệt, thị trường có một tháng hồi phục nhẹ và thận trọng, do đang trong giai đoạn cuối của khoảng trống thông tin.
Về điểm số, VN-Index hồi phục 3,9% so với tháng trước, gần bằng một nửa mức điều chỉnh đã diễn ra trong tháng 2. Về thanh khoản, VN-Index có tháng giao dịch ảm đạm nhất trong vòng một năm trở lại đây khi giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày ở mức dưới 10.000 tỷ đồng.
VN-Index tháng này nhận được sự đóng góp tích cực từ phía các cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, ngân hàng. Nhà đầu tư cũng chờ đợi thông tin giai đoạn cuối tháng là thời gian công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 và đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.
Dự báo về diễn biến thị trường trong tháng 4, Chứng khoán An Bình cho rằng VN-Index sẽ tiếp tục nhịp hồi phục theo kênh song song trên đồ thị đến cuối tháng, kỳ vọng điểm số sẽ đạt vùng 1.140 - 1.160 điểm thời điểm cuối tháng 4 – đầu tháng 5. Đây là khoảng thời gian an toàn cho nhịp đầu tư ngắn hạn.
Cũng theo nhóm phân tích của ABS, thanh khoản thị trường tháng 4 sẽ được cải thiện hơn so với tháng 3 từ 10 đến 20% nhờ động lực dòng tiền đến từ các quỹ ETF ngoại (rõ ràng nhất là quỹ Fubon ETF) dẫn dắt nhà đầu tư trong nước.
Dẫn chứng là trong những phiên cuối của tháng 3, thanh khoản đã cải thiện gần 30% so với vùng đáy của tháng. Thêm vào đó, các mã cổ phiếu mà quỹ ETF tập trung giải ngân thường có vốn hoá lớn nên được kỳ vọng có ảnh hưởng tích cực và dẫn dắt thị trường.
Trước đó, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF thông tin về việc huy động vốn đợt thứ 5, với quy mô 5 tỷ Tân Đài tệ, tương đương hơn 3.800 tỷ đồng và giải ngân gần 40% con số này trong tháng 3, dự kiến sẽ còn gần 2.300 tỷ để giải ngân trong thời gian tới.
Nhà đầu tư được khuyến nghị nên mua cổ phiếu trong những phiên điều chỉnh hoặc các nhịp rung lắc. Tỷ trọng cổ phiếu nên ở mức 60 - 80% NAV do đây chỉ là nhịp hồi phục.
Về triển vọng nhóm ngành, ABS đánh giá các ngành ngân hàng, dầu khí, điện, xây dựng cơ sở hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp, hàng không, vận tải dầu, vật liệu xây dựng ngoài sắt thép, lương thực, công nghệ thông tin, dược... sẽ có kết quả kinh doanh quý I tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ.
Ngược lại, các ngành bất động sản, sắt thép, bán lẻ, các ngành xuất khẩu chính của Việt Nam (dệt may, thủy sản…), phân bón, hóa chất… sẽ có kết quả kinh doanh quý I kém khả quan.