Báo cáo tài chính quý đầu năm của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã chứng khoán: VNS) ghi nhận doanh thu gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, đạt 325 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng, tài chính và quản lý doanh nghiệp cũng vọt lên khi công ty tăng tốc trở lại sau giai đoạn kinh doanh bết bát vì ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên, các khoản này không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận. Công ty báo lãi sau thuế quý đầu năm đạt 53 tỷ đồng, gấp khoảng 5 lần cùng kỳ và hoàn thành 25% kế hoạch cả năm.
Tổng tài sản tính đến cuối tháng 3 xấp xỉ 1.900 tỷ đồng, trong đó gần 600 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng.
Ông Trần Anh Minh, Phó tổng giám đốc Vinasun, cho biết các chỉ tiêu tài chính tăng mạnh bởi "nền kinh tế được khôi phục hoàn toàn và số lượng xe của công ty hoạt động luôn đạt 100%".
Kết quả kinh doanh được Vinasun công bố sáng nay lập tức tác động đến giá cổ phiếu. Thị giá tăng hết biên độ lên 18.250 đồng, không có bên bán và khớp lệnh chưa hết phiên đã hơn 135.000 cổ phiếu - mức cao nhất trong một tháng qua.
Theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Agribank, VNS là một trong số ít cổ phiếu đáng đầu tư trong quý II bởi công ty có câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn trên mức nền thấp.
Nhóm phân tích cho rằng du lịch trong nước hồi phục, khách quốc tế trở lại Việt Nam là trợ lực giúp hoạt động kinh doanh của Vinasun hồi phục mạnh. Ngoài ra, nhóm phân tích nói thêm chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng hợp đồng thương quyền cũng là điểm cộng cho Vinasun, bởi mô hình này giúp công ty giảm bớt áp lực chi phí và cạnh tranh tốt hơn với taxi công nghệ.
Vinasun đặt mục tiêu doanh thu năm nay 1.345 tỷ đồng, tăng 23% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng vượt mốc 200 tỷ đồng, lên mức cao nhất kể từ 2017 đến nay. Công ty dự kiến đầu tư 700 xe mới, thanh lý và bán trả chậm cho tài xế 400 xe để kinh doanh thương quyền. Ước tính đội xe đến cuối năm có hơn 3.500 chiếc.
Bức tranh kinh doanh của Vinasun hiện tại khác xa so với 2020-2021, giai đoạn công ty lỗ liên tiếp 8 quý. Doanh thu khi đó lao dốc thẳng đứng với mức năm sau chưa bằng phân nửa năm trước, trong khi lỗ năm trước 210 tỷ đồng thì năm sau tăng lên 277 tỷ đồng.
Thời gian đó, doanh nghiệp từng dẫn đầu thị phần taxi tại TP HCM chỉ đầu tư 73 xe mới trong khi số lượng thanh lý trên 2.900 chiếc. Công ty cũng cắt giảm hơn 2.500 việc làm, trong đó có khoảng 1.800 tài xế do tốc độ hồi phục của thị trường vận tải sau giai đoạn giãn cách chưa nhanh như kỳ vọng, dẫn đến lượng xe nằm bãi lớn.
Năm ngoái, ban lãnh đạo Vinasun tuyên bố "bằng mọi giá phải có lãi" để không bị hủy niêm yết cổ phiếu. Công ty chạy đua khôi phục thị phần tại TP HCM, bắt tay với đối tác trong lĩnh vực công nghệ, thanh toán và tìm kiếm thêm khách hàng trả sau. Nhờ đó, công ty có doanh thu gần 1.090 tỷ đồng và lãi sau thuế 185 tỷ đồng.