Ngày 11/9, tại Hội nghị Cấp cao Việt Nam - Mỹ về Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư được tổ chức tại Hà Nội, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT (Mã: FPT) công bố chiến lược đầu tư vào Mỹ, phát triển nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực AI và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Chủ tịch FPT cho biết tập đoàn dự kiến đầu tư 100 triệu USD và gần 1.000 nhân lực tại Mỹ đến cuối năm 2023. Với những khoản đầu tư liên tục, FPT kỳ vọng sẽ tạo ra hơn 3.000 việc làm vào năm 2028 và đạt doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường Mỹ vào năm 2030.
Tại sự kiện, Chủ tịch FPT cũng công bố hợp tác chiến lược toàn diện với LandingAI - công ty trong lĩnh vực thị giác máy và trí tuệ nhân tạo tại Silicon Valley (Mỹ) nhằm đẩy nhanh quá trình đưa AI vào đào tạo tại hệ thống giáo dục FPT Education.
Ông Trương Gia Bình cũng cho biết tập đoàn ủng hộ các chính sách toàn diện từ Nhà Trắng để nuôi dưỡng hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam, với đề xuất Chính phủ Mỹ đầu tư đào tạo từ 30.000 đến 50.000 chuyên gia bán dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành này.
FPT mong muốn Đại học FPT nhận được đầu tư để đào tạo kỹ sư chuyên về thiết kế chip bán dẫn và AI, nhằm nâng cao năng lực của lực lượng lao động trong các lĩnh vực quan trọng này.
Ông Trương Gia Bình khẳng định: “Đại diện doanh nghiệp Việt, FPT mong muốn Chính phủ Mỹ có các chính sách hỗ trợ toàn diện đưa Việt Nam trở thành quốc gia có hệ sinh thái bán dẫn (Semiconductor Ecosystem). FPT đề xuất Chính phủ Mỹ kêu gọi đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn như Boeing, AT&T, Qualcomm, Intel, Ford… Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý và cam kết đầu tư phát triển đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn khoảng 30.000 - 50.000 người”.
Trước đó, Đại học FPT vừa công bố thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn, nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam. Khoa dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
Năm 2022, tập đoàn cũng thành lập FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch. Đến nay, sản phẩm của chip nguồn (PMIC - Power Management IC) của FPT Semiconductor đã qua giai đoạn R&D đến giai đoạn sản xuất hàng loạt. FPT đặt kế hoạch cung cấp 25 triệu chip trên toàn cầu vào năm 2024 và 2025.
Trong báo cáo công bố cuối tháng 8, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận thấy triển vọng duy trì động lực tăng trưởng mạnh của FPT đến từ hai thị trường Nhật và Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) trong 2023 - 2024, song song với nhu cầu chi tiêu công nghệ thông tin (CNTT) ở Mỹ cho tín hiệu hồi phục trở lại. Ngoài ra, khối giáo dục tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng cao của năm 2022 cũng là điểm tích cực cho tăng trưởng của FPT.
Riêng đối với thị trường Mỹ, nhu cầu chi tiêu cho CNTT tại đây có xu hướng hồi phục trở lại trong tháng 8. Do vậy, các nhà phân tích kỳ vọng đơn hàng ký mới của FPT tại thị trường Mỹ sẽ có sự hồi phục trong quý IV/2023 và tạo đà tăng trưởng năm 2024 do các đơn hàng ký mới trong quý cuối năm sẽ chủ yếu được ghi nhận trong nửa đầu 2024.
Xét trong trung và dài hạn, thị trường Mỹ là thị trường có dư địa tăng trưởng rất lớn với chi tiêu CNTT hàng năm đã đạt đến hơn 2.000 tỷ USD trong năm 2022 (theo Statista). Do vậy, BSC đánh giá đây là thị trường chiến lược, sẽ giúp FPT duy trì đà tăng trưởng trong giai đoạn 2024 – 2025.