Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú, tính đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ các năm.
Trước đó, tính đến ngày 23/11 NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng đạt 8,39%. Như vậy, chỉ trong một tuần tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 90.625 tỷ đồng và trong cả tháng 11 là hơn 200.000 tỷ đồng.
Chỉ ra hàng loạt nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao, Phó thống đốc cho biết các nguyên nhân này chủ yếu từ các yếu tố khách quan.
Trong đó, đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV... chưa phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản trong khi tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung. Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay.
Phó Thống đốc cho biết thêm, qua công tác thanh tra, giám sát, khách hàng vay có tình hình tài chính kém lành mạnh, sử dụng vốn vay sai mục đích, đầu tư, kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến không trả được nợ vay; Khả năng huy động vốn trung, dài hạn của các tổ chức tín dụng còn thấp so với nhu cầu của nền kinh tế.
"Nợ xấu có xu hướng tăng tại một số tổ chức tín dụng, làm hạn chế khả năng cấp tín dụng", Phó Thống đốc chỉ ra.
Theo Phó Thống đốc, xử lý nợ xấu còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, tài sản giữ hộ, trong đó phần lớn là nhà và đất, việc áp dụng thủ tục rút gọn theo yêu cầu của Tòa án theo Nghị quyết gặp khó khăn, chưa thực hiện được.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, Phó thống đốc thẳng thắn chỉ ra còn có nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Đó là mặc dù lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đã giảm đáng kể trong thời gian qua, tuy nhiên lãi suất cho vay ở một số ngân hàng thương mại còn ở mức khá cao.
Một số ngân hàng thiếu mạnh dạn cấp tín dụng, còn thận trọng, lo sợ nợ xấu tăng. Việc thực hiện cơ chế tài sản đảm bảo còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp. Thiếu sự kết nối của khách hàng và ngân hàng để trực tiếp trao đổi, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.
Tiếp tục hạ lãi suất, phân bổ room tín dụng
Về phía NHNN, Phó thống đốc cho biết sẽ phân bổ room tín dụng kịp thời, "dứt khoát không có chuyện ngân hàng phải xin room tín dụng".
Từ nay đến cuối năm, NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời điều hòa tăng trưởng tín dụng từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu hạn mức, đảm bảo cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh , lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ...
Đối với các tổ chức tín dụng, Phó thống đốc cho biết sẽ chỉ đạo các tổ chức này tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, khẩn trương rà soát các dự án, các doanh nghiệp (đáp ứng/không đáp ứng điều kiện cho vay) để đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi, hiệu quả, chia sẻ hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng vay vượt qua khó khăn để tiếp tục quay vòng vốn, trả nợ.
Cũng như, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục vay vốn, công khai phí, lãi suất… nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo hướng dẫn của NHNN; triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ xấu.
Tuy nhiên để tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, Phó thống đốc cũng đề xuất Chính phủ cần kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế,đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, khai thác thị trường nội địa; cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Có các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, hỗ trợ tổ chức tín dụng trong xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản để thu hồi nợ; hỗ trợ áp dụng thủ tục rút gọn theo yêu cầu của Tòa án trong việc xử lý nợ xấu.
Về phía các doanh nghiệp cần tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất, kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV; Xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng, trá hình kinh doanh tiền tệ bất hợp pháp (qua mạng và đòi nợ thuê)…