Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng được các chuyên gia phân tích của Fiin Ratings dự báo tăng 33,3% so với năm trước và đây là mức tăng trưởng trong kế hoạch.
Trong năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng dự kiến sẽ thấp hơn đáng kể so với năm trước do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố. Vietcombank, quán quân lợi nhuận ngân hàng hiện tại, cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn tăng 12%, chỉ bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng năm 2022.
5 vấn đề mà ngành ngân hàng phải đối mặt
Trong bối cảnh vĩ mô kém tích cực, Fiin Ratings chỉ ra 5 vấn đề mà ngành ngân hàng phải đối mặt trong năm 2023.
Đầu tiên, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao nhất là huy động tiền gửi. Điều này tạo áp lực lên việc duy trì NIM ở mức như hiện nay. Mặt bằng lãi suất cao cũng thể hiện ở lợi tức hay lãi suất trái phiếu chính phủ hiện đã tăng gần 80-100 điểm cơ bản và điều này tạo áp lực lên thu nhập từ hoạt động đầu tư mặc dù về hạch toán kế toán thì hầu hết danh mục đầu tư hiện chưa phản ánh theo giá thị trường.
Thứ hai, thu nhập hoạt động dịch vụ phi tín dụng, chủ yếu là bán chéo bảo hiểm, mặc dù đã tăng trưởng mạnh và chiếm khoảng 18.6% tổng thu nhập nhưng hiện không còn dồi dào như mấy năm trước.
Thứ ba, áp lực về đẩy mạnh cho vay do thị trường bất động sản (hiện chiếm khoảng 20% tổng tín dụng) đang gặp khó và thanh khoản chung của nền kinh tế đang bị “nghẽn” ở lĩnh vực BĐS. Tăng trưởng tín dụng năm 2022 ( tăng 14,5%) thấp hơn hạn mức cho phép (tăng 16%).
Thứ tư, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đang tăng lên do nhiều khoản cho vay với BĐS có thể trở thành nợ xấu nếu tín dụng vào lĩnh vực này tiếp tục bị thắt chặt.
Thứ năm, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phi ngân hàng hiện chiếm tỷ trọng không quá lớn, khoảng 7,6% tổng dư nợ tín dụng ở hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 10/2022, trong đó riêng trái phiếu bất động sản chiếm 3,8%.
Tuy nhiên, do môi trường lãi suất cao và nhiều dự án gặp khó về vấn đề pháp lý, triển vọng ngành bất động sản hiện nay kém tích cực, góp phần tăng nợ xấu chéo sang tín dụng ngân hàng khi có nhiều doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ trái phiếu.
NIM khó cải thiện do lãi suất đầu vào tăng cao
Số liệu thống kê từ Fiin Ratings cho thấy, NIM các ngân hàng đã chạmmức cao nhất kể từ sau khi COVID-19 xuất hiện đạt 3,83% trong quý III/2022, tăng 0,11 điểm % so với quý trước đó.
NIM cải thiện mạnh ở nhóm ngân hàng có tỷ lệ TPDN/tổng dư nợ tín dụng ở mức thấp (bao gồm Vietcombank, VietinBank, ACB, Sacombank) và yếu đi ở nhóm có tỷ lệ TPDN/dư nợ tín dụng và/hoặc tỷ trọng cho vay BĐS ở mức tương đối cao (bao gồm Techcombank, HDBank, MB, TPBank).
Riêng với Sacombank, NIM quý III/2022 tăng 2,31 điểm % so với quý trước nhờ hoàn thành trích lập dự phòng cho một số khoản phải thu tồn đọng.
Theo Fiin Ratings, điểm đáng chú ý đó là, để cải thiện NIM hoặc hạn chế NIM suy giảm, hầu hết ngân hàng đã nỗ lực kiểm soát chi phí vốn bằng cách nâng tỷ lệ dư nợ cho vay/huy động.
Tại thời điểm cuối quý III, tỷ lệ LDR thuần của 27 ngân hàng niêm yết ở mức 106%, tăng mạnh so với mức bình quân 95% trước đó, và nhờ vậy, chi phí vốn tăng thấp, thấp hơn nhiều so với mức tăng về lãi suất cho vay và về lãi suất huy động.
Các chuyên gia phân tích cho rằng đây cũng là chỉ báo cho thấy xu hướng giảm của NIM trong các quý tới, đặc biệt là ở những ngân hàng vay mượn nhiều trên thị trường liên ngân hàng (bao gồm Techcombank, TPBank, VPBank, MSB và HDBank).
Chi phí vốn dự kiến tăng mạnh vì không còn dư địa nâng LDR do tỷ lệ này đã chạm giới hạn được phép khi huy động tăng thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng và lãi suất huy động gần đây tăng mạnh, khoảng 5 điểm % so với nửa đầu năm, do hệ lụy từ động thái tăng lãi suất nhanh với biên độ mạnh của Fed.