Sau khi có báo cáo kinh tế 9 tháng đầu năm, nhiều tổ chức đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP quý IV và cả năm 2023. Ngoài ra, các dự báo về tăng trưởng lĩnh vực xuất nhập khẩu, thu hút FDI cũng được cập nhật.
Tăng trưởng quý IV dự báo khoảng 7%
Về tăng trưởng GDP quý IV, hầu hết các tổ chức đưa ra mức dự báo khoảng 7%.
Chứng khoán VNDirect cho rằng mức này cải thiện đáng kể so với mức tăng 5,3% trong quý III/2023.
Nhóm phân tích kỳ vọng quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ tăng tốc hơn nữa trong quý IV, nhờ loạt yếu tố hỗ trợ như chính sách tài khóa mở rộng; lãi suất cho vay thấp hơn giúp phục hồi đầu tư tư nhân và tiêu dùng trong nước.
Ngoài ra, quá trình phục hồi của ngành sản xuất tăng tốc nhờ đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại trong bối cảnh hàng tồn kho giảm và áp lực lạm phát hạ nhiệt ở các thị trường phát triển.
Ben cạnh đó, yếu tố hỗ trợ còn đến từ mức nền thấp của cùng kỳ năm 2022 (GDP của Việt Nam chỉ tăng trưởng 5,9% trong quý IV/2022).
Theo VNDirect, ngành công nghiệp và xây dựng có thể cải thiện tốc độ tăng trưởng lên 8,2 - 8,7% trong quý IV từ mức tăng 5,2% nhờ cải thiện hoạt động sản xuất và xuất khẩu cũng như giải ngân đầu tư công mạnh mẽ.
Ngành dịch vụ sẽ tăng trưởng 6,5 - 7% so với cùng kỳ (so với mức tăng 6,2% trong quý III/2023) trong khi ngành nông. Lâm nghiệp và thủy sản được dự báo sẽ tăng 3,4 - 3,6% (so với mức tăng 3,7% so với cùng kỳ trong quý III/2023).
Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt dự báo tăng trưởng GDP quý IV đạt 7%, trong đó lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 8%, một phần nhờ mức nền thấp của cùng kỳ năm trước.
Trong báo cáo mới đây, ngân hàng Standard Chartered cho rằng tăng trưởng của quý IV phải đạt mức 7% để tăng trưởng cả năm đạt 5%, và điều này là một thách thức.
"Mặc dù các chỉ số kinh tế vĩ mô đã được tạm thời cải thiện, thương mại vẫn chưa thấy tín hiệu phục hồi sản xuất rõ ràng. Tuy nhiên, các tín hiệu phục hồi trong nước vẫn tiếp tục và có khả năng tăng mạnh hơn nữa nhờ doanh số bán lẻ tăng mạnh", Standard Chartered nhận định thêm.
GDP cả năm dự báo tăng 4,7 - 5%
Nhiều tổ chức trong nước và quốc tế dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam đạt 5% như VNDirect, VDSC, Standard Chartered. Trong khi đó, World Bank, IMF cùng đưa ra mức dự báo 4,7%; Chứng khoán Maybank (MBKE) dự báo 4,8%.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV sáng 23/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đánh giá tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (6,5%), nhưng là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực, thế giới.
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, Thủ tướng nêu rõ cần nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5 - 4%.
FDI vào Việt Nam có thể vượt năm ngoái
Về thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều tổ chức đưa ra dự báo tích cực.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo vốn FDI vào Việt Nam năm nay có thể vượt năm 2022 khi các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang dần hồi phục.
Trong 9 tháng qua, tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 20,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn FDI giải ngân cũng tăng 2,2%, đạt hơn 15,9 tỷ USD, mức cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2017 - 2023.
"Việc duy trì gia tăng số lượng dự án cho thấy các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang dần hồi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh", KBSV cho biết.
Với xu hướng tích cực này, KBSV dự báo dòng vốn FDI năm nay có thể vượt kết quả năm ngoái. Trong năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký ghi nhận gần 27,7 tỷ USD, mức vốn giải ngân đạt 22,4 tỷ USD.
Trong khi đó, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ có thể mở đường cho các dự án FDI từ nước này đến Việt Nam (chiếm khoảng 2,6% tổng vốn FDI của các dự án còn hiệu lực), đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn và năng lượng tái tạo.
Hồi đầu năm, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo thu hút FDI năm nay có thể đạt từ 36 - 38 tỷ USD, trong đó, vốn giải ngân đạt khoảng 22 - 23 tỷ USD.
Xuất khẩu kỳ vọng tăng trưởng dương trở lại trong quý IV
Khu vực xuất nhập khẩu yếu trong cả năm 2023 do cầu thế giới suy giảm là nguyên nhân chính khiến khu vực sản xuất tăng trưởng yếu so với năm ngoái. Tuy nhiên, càng về cuối năm, khu vực xuất nhập khẩu ngày càng cho thấy sự tích cực trở lại, kéo theo khu vực sản xuất (chế biến chế tạo) hồi phục theo.
Nhờ hiệu ứng mức nền thấp, xuất khẩu được dự báo tăng trưởng dương trở lại so với cùng kỳ trong quý IV. Cho cả năm, trong kịch bản tích cực Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo xuất khẩu có thể giảm 7,5%. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 371,71 tỷ USD.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đề cập đến một số yếu tố hỗ trợ xuất khẩu trong quý IV như chỉ số niềm tin tiêu dùng của một số đối tác xuất khẩu chính đã tạo đáy; hàng tồn kho Mỹ đã giảm xuống thấp, kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng trở lại.
Quy tụ những nhân vật có sức ảnh hưởng trong giới tài chính Việt Nam đến từ các quỹ đầu tư, doanh nghiệp niêm yết, cố vấn tài chính từ các ngân hàng, công ty chứng khoán đầu ngành.
Cùng thảo luận về những chủ đề nóng nhất, trọng tâm nhất xoay quanh bức tranh kinh tế 2024, triển vọng kinh doanh các ngành.
Và một cuộc trình diễn độc đáo của số liệu và công nghệ hỗ trợ đầu tư. Với sự xuất hiện của công cụ phân tích dòng lệnh (Order Flow) đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Đây là phương pháp tiên tiến nhất trên thế giới chủ yếu là được các quỹ tại Anh, Mỹ và các tổ chức trading chuyên nghiệp ứng dụng và hiện chưa phổ biến cho số đông nhà đầu tư.
Với những thông tin có giá trị cao từ các chuyên gia hàng đầu, Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 (Vietnam Investment Forum 2024) với chủ đề “Theo dấu Dòng tiền” không chỉ hữu ích với các nhà đầu tư chứng khoán, bất động sản mà còn hỗ trợ các nhà kinh doanh, các nhà hoạch định lên kế hoạch kinh doanh phù hợp cho năm 2024.
Số lượng có hạn, đăng ký ngay tại đây.