Bà Nguyễn Linh Giang, Chánh văn phòng PPP, Cục Quản lý đấu to biết, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực đến nay đã được gần 3 năm (tính từ ngày 1/1/2021) và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ để thu hút các mô hình hợp tác theo phương thức này.
Đánh giá về hiệu quả phương thức đối tác công tư, theo bà Nguyễn Linh Giang, khi chưa có Luật, thu hút đầu tư tư nhân qua BOT, BT khá dàn trải, mất nhiều thời gian, nguồn lực bị phân tán… Hiện tại Luật PPP đã khắc phục được điều này.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện nay, khung pháp lý tương đối cơ bản từ Luật, hai nghị định và một số các thông tư liên quan cũng đã tạo nền tảng tương đối cho việc triển khai, đặc biệt với lĩnh vực giao thông.
Bên cạnh đó, sự chuẩn bị dự án, thẩm định khi đưa dự án ra thị trường đã tốt hơn. Trước kia, 90% dự án do nhà đầu tư đề xuất và thẩm định rất nhanh, sau đó chỉ định thầu, sự chuẩn bị ngắn… là một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập của những dự án BOT giao thông.
Hiện nay, quá trình này đã được chuẩn bị, nghiên cứu rõ ràng, có sự chuẩn hóa về quy trình, Hội đồng thẩm định bài bản, kỹ lượng, thống nhất giữa pháp luật PPP và đầu tư công nên việc phân bổ các nguồn vốn đầu tư công trong các dự án PPP không còn vướng mắc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, kết quả đạt được từ mô hình đối tác công tư còn thấp. Đến nay, có 10 dự án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư, 14 dự án đang triển khai các bước chuẩn bị chủ trương đầu tư. Ngoài ra, 139 dự án PPP được triển khai trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực vẫn đang tiếp tục thực hiện hợp đồng. Nhìn chung, các dự án mới vẫn chủ yếu ở lĩnh vực giao thông. Tiến độ chuẩn bị của các dự án mới còn chậm, số lượng nhà đầu tư quan tâm dự án thông qua khảo sát vẫn còn hạn chế.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến nhà đầu tư thiếu mặn mà với các dự án PPP trong 3 năm qua; trong đó, điểm nghẽn lớn nhất là việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn. Điểm nghẽn này sẽ còn ảnh hưởng tới việc thực hiện các dự án PPP trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Linh Giang cho rằng, vẫn còn một số quy định chưa đồng bộ giữa pháp luật về phương thức đối tác công tư và các pháp luật liên quan, như với Luật Ngân sách, Luật Quản lý tài sản công. Bên cạnh đó, các ngành ngoài giao thông chưa tập trung xây dựng thông tư hướng dẫn nhằm hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của luật. Ngoài ra, một số quy định PPP và Nghị định hướng dẫn hiện nay đang có những vướng mắc phát sinh nhất định, như hạn mức vốn nhà nước luôn là vấn đề nóng.
Để thúc đẩy mô hình PPP trong thời gian tới, theo bà Giang, bên cạnh việc yêu cầu các bộ, ngành nhanh chóng tìm ra mô hình cụ thể, thì cần chỉnh sửa những vướng mắc trong Nghị định 35/2021/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Nghị định 28/2021/NĐ-CP về quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến tới sửa Luật PPP, theo đó, cần có những giải pháp trong quá trình thực thi, như tích cực truyền thông về cơ chế, chính sách pháp luật PPP, góp phần đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống.
Ngoài ra, các bộ, ngành cần tập trung xử lý triệt để các tồn tại của các dự án BOT, BT giai đoạn trước, đề xuất phương án xử lý phù hợp cho từng nhóm vướng mắc, nhằm giải phóng nguồn lực vốn tín dụng; đồng thời, thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư để sử dụng các dự án có mô hình sẵn có thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế.
Theo số liệu thống kê (trước khi có Luật PPP) của Chính phủ tại Bản cáo số 25/BC-CP ngày 30/01/2019 về tổng kết tình hình thực hiện dự án PPP, tổng số dự án PPP là 336 dự án đã ký kết hợp đồng (trong đó 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác).
Thông qua mô hình PPP, nguồn vốn đầu tư tư nhân đã được huy động để giải quyết nhu cầu cấp bách về đầu tư hạ tầng với tổng vốn đầu tư khoảng 1.609.335 tỷ đồng; trong đó, dự án giao thông chiếm 672.345 tỷ đồng.