Tôi cảm thấy nếu chỉ nói đến “lương thiện thật sự” thì không toàn diện.
Trong tâm lý học lâm sàng, tư duy chẩn đoán phân biệt sử dụng “lương thiện và ác tâm” kết hợp với “chân thực và giả dối” với nhau, cấu thành nên 4 loại.
Sau đó dùng “thực nghiệm tư tưởng” đối chiếu vào thế giới, xã hội và con người để có cái nhìn rõ ràng và cụ thể hơn về sự lương thiện.
Thật ra, lương thiện và ác tâm, chân thực và giả dối có thể cấu thành nên 4 loại hình trạng thái trong tư tưởng và bản chất của con người:
1. Lương thiện thật sự, gọi tắt là Chân lương (True kindness)
Chân lương chính là lấy hành thiện làm niềm vui, nhiệt tình làm công ích, mong muốn giúp đỡ người khác xuất phát từ nội tâm, cho đi không cần được công nhận hay hồi đáp, tình nguyện xuất tiền xuất lực.
Người có lòng thiện thật sự không sợ kẻ đời nhìn nhận thế nào về họ, sẵn sàng cống hiến toàn lực, xung phong đi đầu bất kể một thân một mình. Họ hành sự không mang ý đồ đen tối, cũng không màng đến dư luận hay thói đời bẽ bàng.
Người lương thiện không nhất thiết phải cố gắng làm công ích hay đóng góp công sức cho xã hội. Vì mỗi người có một năng lực khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và quan niệm về tích đức.
Đôi khi chỉ là sự thương cảm trước số phận thiệt thòi hơn mình, giúp đỡ người già qua đường hay chí ít không làm ra những chuyện xấu xa hại người… cũng là một phần trong bản thiện của bạn.
2. Lương thiện giả dối, gọi tắt là Giả thiện, hay chính là đạo đức giả (Hypocrisy)
Người đạo đức giả biết quyên tặng là chuyện tốt. Nhưng cho đi dù chỉ một ít, họ cũng thấy đau lòng, xót xa. Song, nếu không quyên tặng, họ lại cảm thấy không có thể diện.
Vì để không đắc tội với lãnh đạo cấp trên, cũng không muốn công việc gặp nhiều khó khăn, để lại ấn tượng tốt cho người khác, xây dựng hình tượng cao thượng và lương thiện, nên họ mới lòng không cam, tình không nguyện mà cho đi một vài thứ. Thay vì nói kiểu người này nghĩ sâu xa, lo lắng cho tương lai của mình, chi bằng nói họ chỉ biết quan tâm đến lợi ích của bản thân.
Cách làm của họ có một phần ích kỷ và tư tâm, nhưng cuối cùng họ cũng không ác ý và không làm điều gì sai trái.
Kiểu người này chỉ tập trung vào lợi ích của mình mà thôi. Điều này không thể trách được vì “người không vì mình thì trời tru đất diệt”. Chung quy, họ cũng đang cố gắng làm người tốt và duy trì cuộc sống tốt đẹp cho bản thân cùng gia đình.
3. Ác tâm thật sự, gọi tắt là Chân ác (Evil)
Người có ác tâm thường vô cảm trước sự đau thương của người khác, không có lòng giúp đỡ bất cứ ai, trong đầu đầy chấp niệm “phản nhân loại”.
Họ lạnh lùng vô tình, dửng dưng khi người khác gặp nạn, chỉ biết đến bản thân, thậm chí còn làm ra những chuyện thương thiên hại lý, kinh sợ lòng người.
Đáng sợ nhất là họ còn có thể trục lợi từ những việc thiện nguyện, của công, chiếm dụng phần lợi ích của người khác.
4. Ác tâm giả tạo, gọi tắt là Giả ác (Fake evil)
Người có ác tâm giả tạo là sản phẩm của xã hội sa sút đạo đức và thiếu hụt niềm tin. Người sống trong xã hội này đều không biết tin tưởng lẫn nhau, nói chuyện đề phòng mọi lúc mọi nơi. Cho dù có tâm hành thiện nhưng cũng sợ bị hậu họa khôn lường, tai bay vạ gió.
Thiên tai xảy ra, nhiều người muốn hành thiện tích đức, cố gắng giúp người gặp nạn. Nhưng nghĩ lại thói đời bẽ bàng, nếu bản thân lộ ra vẻ giàu có hay tích cực thì sẽ rước về phiền phức. Do đó, họ thà rằng bị người đời phỉ báng máu lạnh, không có tấm lòng. Họ cố gắng để “không làm người tốt dễ bị ức hiếp”.
Tâm không ác, nhưng họ cố tỏ ra bộ mặt lạnh lùng, dửng dưng để sinh tồn trong xã hội này.
Khi phải quyên tặng, họ cố gắng không thể hiện mình là người nhiệt tình, nhưng cuối cùng vẫn cho đi.
Đối với kiểu người này, họ muốn làm “người tốt” khiêm tốn. Nhưng đôi khi thực lực và hoàn cảnh không cho phép. Họ chỉ có thể giấu đi trái tim ấm áp vào trong để tập trung vào mục tiêu của bản thân.
(Nguồn: Zhihu)