Có kinh nghiệm hơn 5 năm trong nghề môi giới đất nền, anh Bình, ngụ quận 9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) dù khó khăn tài chính nhưng vẫn bám trụ với nghề. Trong khi hầu hết các anh em làm cùng thị trường với anh đã nghỉ, chuyển sang làm việc khác.
“Giờ không làm bất động sản, tôi không biết phải làm gì lúc này”, anh Bình tâm sự.
Khi được hỏi, anh có ý định rẽ sang hướng khác nếu thị trường nhà đất tiếp tục khó khăn kéo dài?, môi giới này cho hay, hiện tại vẫn đang cố bám trụ, chờ thị trường tốt lên.
“Tôi vẫn có giao dịch lẻ tẻ ở các sản phẩm nhà đất giá ngộp. Tháng 5/2023, bán được hai nền đất, riêng tháng này chưa bán được sản phẩm nào. Hiện nguồn hàng nhận từ nhà đầu tư đang khá nhiều”, anh Bình cho hay.
Tuy vậy, theo môi giới này, khó khăn về tài chính là thấy rõ so với giai đoạn trước. Hiện anh linh hoạt thêm mảng cho thuê nhà và kho xưởng để có thêm thu nhập. Nhìn chung sức cầu còn khá chậm.
Cũng là một trong những môi giới còn trụ lại với nghề khi hầu hết đồng nghiệp đã tìm việc khác như chạy grab, mở quán phở, hoặc về quê…, anh H, hiện vẫn ở lại Tp.HCM làm môi giới tự do. Theo môi giới này, do làm quen nghề, lại có nhiều mối quan hệ với nhà đầu tư nên bỏ nghề rất tiếc. Khi nhà đất giao dịch chậm, anh H kết hợp một số anh em cho thuê khi xưởng. Không chỉ hoạt động tại Tp.HCM mà anh cùng một số anh em tìm nguồn hàng ở địa bàn các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Anh H khoe: “Hồi tháng 3/2023 cũng môi giới thành công một giao dịch kho xưởng tại Bình Dương, hoa hồng gần 100 triệu đồng”.
Hiện môi giới này vẫn liên tục đăng tin rao bán đất nền, nhà phố trên trang cá nhân. Theo anh H, hiện cũng có nhà đầu tư hỏi nhưng chưa quyết định xuống tiền. Một số nguồn hàng giá giảm sâu so với giá thị trường thì được rao bán rộng rãi, nhiều anh em môi giới cùng vào bán nên cũng khó đến lượt mình.
Ghi nhận cho thấy, thời điểm trước Tết nguyên đán, đã có một lượng môi giới bất động sản bỏ nghề, kiếm việc khác do thị trường khó khăn thanh khoản. Làn sóng này mạnh hơn vào đầu năm 2023 đến nay. Những môi giới còn trụ lại với nghề ở giai đoạn này đa số là những người lâu năm trong nghề. Họ có thể vừa là môi giới, vừa là nhà đầu tư.
Mới đây, số liệu từ Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cũng đã chỉ ra, hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản trở thành làn sóng càn quét trên quy mô rộng khắp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tại khắp các địa phương trên cả nước. Không có bất cứ trường hợp nào ngoại lệ.
Hiện tượng này diễn ra trong khoảng thời gian dài, với từng đợt giảm dần, giảm dần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thị trường ghi nhận một lượng lớn môi giới bất động sản phải nghỉ việc cả vì lý do chủ động (do thu nhập không đủ sống), và bị động (do doanh nghiệp sa thải, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, doanh nghiệp phá sản...).
Theo Hội này, số lượng môi giới bất đông sản còn bám trụ lại với nghề phải vận dụng linh hoạt đủ mọi hình thức để có thể tồn tại như đa dạng hóa lĩnh vực, tìm kiếm việc làm thêm...
Kết quả khảo sát của VARS từ các nhân viên môi giới bất động sản đang hoạt động cho thấy: Hơn 95% người được khảo sát có thu nhập giảm so với năm trước. Trong đó, hơn 14% môi giới bất động ản trong khảo sát cho biết thu nhập của họ giảm từ 20% - 30% so với cùng kỳ. Hơn 54% tụt giảm từ 30% - 40%.
Cá biệt có khoảng 5% môi giới bị giảm trên 70% thu nhập.
“Lượng môi giới bất động sản bỏ nghề phần lớn thuộc các đối tượng “lính mới” và “tay ngang” chưa được đào tạo bài bản về nghề cũng như khả năng ứng biến trước các tình huống khó khăn của thị trường. Một điểm sáng được ghi nhận là thị trường vẫn còn lượng môi giới còn hoạt động được hỏi cho biết vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với nghề cho dù thị trường có khó khăn”, đại diện VARs cho hay.