Theo GS.TS.BS Võ Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nhồi máu cơ tim là tình trạng nguy cấp xảy ra đột ngột nhưng hẹp nghẽn mạch máu (nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim) đã âm thầm tiến triển trong một thời gian dài. Tùy theo tuổi tác, tiền sử bệnh, tiền sử gia đình và các yếu tố nguy cơ của mỗi người, bác sĩ chỉ định các phương pháp tầm soát riêng lẻ hoặc kết hợp như sau:
Đánh giá nguy cơ xơ vữa mạch máu: Bao gồm các xét nghiệm máu tổng quát và chuyên sâu kiểm tra yếu tố nguy cơ như cholesterol máu, đường huyết, chức năng thận, men tim, rối loạn đông máu... Xét nghiệm Lipoprotein (a) giúp đánh giá khả năng hình thành các mảng xơ vữa hoặc huyết khối trong lòng mạch vành.

Giáo sư Nhân khám tim cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Kiểm tra hoạt động điện trong tim: Đo điện tim (ECG) ghi lại biến đổi của dòng điện dẫn truyền trong tim, từ đó bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý như rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, suy tim, tràn dịch màng ngoài tim, viêm màng ngoài tim cấp...
Đánh giá chức năng tim: Kỹ thuật siêu âm tim qua thành ngực để khảo sát cấu trúc và chức năng của tim, bao gồm cơ tim, hệ thống van tim, màng ngoài tim, các mạch máu xuất phát từ tim, sức co bóp và khả năng hoạt động của tim từ đó phát hiện sớm bất thường trong tim. Phương pháp siêu âm tim gắng sức xe đạp hoặc bằng thuốc khảo sát khả năng bơm máu của tim hay tình trạng tắc nghẽn khi gắng sức giúp bác sĩ đưa ra lời khuyên về loại hình hoạt động thể lực và mức gắng sức phù hợp cho từng người bệnh.

Một phụ nữ siêu âm tim gắng sức tầm soát bệnh tim mạch tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7. Ảnh: Hạ Vũ
Khảo sát tình trạng hẹp nghẽn mạch máu tim: Chụp CT mạch vành cho hình ảnh sắc nét về cấu trúc tim, mạch máu để bác sĩ đánh giá và theo dõi tình trạng hẹp nghẽn, mức độ vôi hóa mạch vành để tái thông phòng ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim. Bác sĩ chỉ định phương pháp này trong một số trường hợp cần khảo sát chuyên sâu.
"Bất kỳ ai cũng nên tầm soát nhồi máu cơ tim", giáo sư Nhân nói, thêm rằng những người có nguy cơ cao bao gồm từ 50 tuổi trở lên, thừa cân, béo phì, mắc các bệnh mạn tính (phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tự miễn, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh thận mạn...), tiền sử gia đình mắc bệnh tim, lối sống thiếu khoa học, hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường nhiều khói thuốc lá, thức khuya, stress, ít vận động, uống nhiều rượu bia... cần tầm soát thường xuyên hơn, mỗi 6-12 tháng.
Bệnh nhân sống sót sau nhồi máu cơ tim có nguy cơ tái phát và tỷ lệ tử vong cao so với những người khỏe mạnh cùng độ tuổi, theo giáo sư Nhân. Do đó, chủ động tầm soát nhồi máu cơ tim giúp phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh, từ đó có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Trước khi khám tầm soát nhồi máu cơ tim cần kiêng ăn uống trước ít nhất 6 giờ, chuẩn bị thông tin về những triệu chứng nếu có, tiền sử người thân trong gia đình. Không sử dụng cà phê, rượu, bia, thuốc lá, không hoạt động thể chất hoặc tập luyện cường độ cao, không dùng insulin trong buổi sáng đi khám, mặc trang phục thoải mái.
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |