Trong 4 tháng đầu năm, nhiều chỉ số vĩ như xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp đang có sự phục hồi tiếp tục tạo cơ sở giúp hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp trên sàn cải thiện tích cực hơn trong các quý tới. Trong tháng 5, một số yếu tố vĩ mô mà nhà đầu tư cần quan tâm bao gồm: Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm 2% thuế VAT, thu hút FDI vào Việt Nam đang tăng trưởng tích cực, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trở lại mức cao như thời kỳ trước dịch COVID-19...
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần quan tâm đến một số yếu tố rủi ro trên thị trường tiền tệ.
Trong đó đáng chú ý là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có khả năng sẽ hút ròng trở lại nhằm duy trì mức nền lãi suất đủ cao trên thị trường liên ngân hàng để ứng phó với áp lực tỷ giá; Yếu tố thúc đẩy áp lực mất giá tiền đồng có thể quay trở lại nếu Fed trì hoãn thêm thời điểm cắt giảm lãi suất hoặc động thái giảm lãi suất của các NHTW lớn (trừ Fed) tạo cơ hội để đồng USD phục hồi qua ngưỡng cản 105-106.
Các điểm sáng của nền kinh tế
Theo báo cáo từ Agriseco, các chỉ báo kinh tế vĩ mô phục hồi tiếp tục tạo cơ sở giúp hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp trên sàn cải thiện tích cực hơn trong các quý tới, mở ra nhiều cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có tình hình sản xuất tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm như thép, phân bón, vải dệt.… được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp trong ngành có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2024, đặc biệt so với mức nền thấp cùng kỳ 2023.
Đặc biệt, môi trường lãi suất duy trì ở mức thấp so với bình quân năm 2023 sẽ giúp giảm chi phí tài chính của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tín dụng đã bắt đầu tăng trở lại từ tháng 3 và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% trong năm 2024.
Ngoài ra, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đang tăng trưởng tích cực, đặc biệt là vốn đăng ký mới cùng số dự án mới tăng mạnh trước xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn đang muốn hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực bán dẫn, chip, năng lượng tái tạo. Điều này kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp Công nghệ - Viễn thông và Bất động sản Khu công nghiệp hưởng lợi. Đồng thời nhóm Khu công nghiệp cũng được hưởng lợi gián tiếp từ các dự án đầu tư công đang triển khai liên quan đường xá, hạ tầng.
Tình hình thương mại quốc tế cũng đang phục hồi tích cực so với cùng kỳ năm 2023 kỳ vọng sẽ giúp các nhóm xuất khẩu phục hồi kết quả kinh doanh mạnh mẽ như hóa chất, xơ sợi, gỗ, dệt may, thủy sản. Bên cạnh đó, các ngành liên quan như logistics, cảng biển cũng được kỳ vọng hưởng lợi từ xu hướng này.
Lượng khách du lịch quốc tế duy trì đà tăng cao nhất từ tháng 1/2020 và đã vượt thời điểm trước đại dịch nhờ các giải pháp kích cầu du lịch của Chính phủ, có thể tạo sự khởi sắc đối với kết quả kinh doanh cũng như diễn biến giá cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp hàng không, dịch vụ.
Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ vẫn tiếp tục tăng thấp là lý do khiến Bộ Tài chính đã tiếp tục đề xuất giảm 2% thuế suất Thuế Giá trị gia tăng (VAT) cho nửa cuối năm 2024 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 8,5% so với cùng kỳ, nhích nhẹ so với mức tăng 8,2% trong quý I/2024. Tuy nhiên, mức tăng thực sau khi loại trừ yếu tố giá vẫn tương đối yếu, chỉ đạt 5,3% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 8,3% trong 4 tháng đầu năm 2023.
Việc doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng khá thấp là nguyên nhân Chính phủ tiếp tục đưa ra các chính sách tài khoá, trong đó nhiều khả năng đề xuất giảm 2% VAT sẽ được thông qua.
Khi đề xuất này được thông qua sẽ góp phần hỗ trợ chi phí của các doanh nghiệp trong nửa cuối năm và kích thích tiêu dùng, từ đó giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết thuận lợi hơn.
NHNN đối phó với áp lực tỷ giá
Mặc dù vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến các rủi ro liên quan đến thị trường tiền tệ như tỷ giá hay việc Fed trì hoãn thời gian hạ lãi suất.
Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), kể từ sau khi NHNN bắt đầu bán ngoại tệ, đà tăng của tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã dừng lại. Trong suốt 2 tuần cuối tháng 4 và đầu tháng 5, tỷ giá niêm yết tại VCB gần như không đổi ở mức 25.127-25.457 đồng/USD.
Cùng với đó, tỷ giá trên thị trường tự do cũng neo ở mức cao khoảng 25.700 - 25.800 đồng đối với chiều bán ra. Quy mô bán ngoại tệ của NHNN từ 19/04 đến nay không quá lớn, ước chỉ khoảng 500 - 700 triệu USD (tương đương 13 - 18 nghìn tỷ đồng).
VDSC đánh giá có ba yếu tố giúp tỷ giá ngừng tăng thêm: Thứ nhất, đồng USD đang gặp ngưỡng cản ở vùng 105 - 106.
Thứ hai, hoạt động điều tiết của NHNN trên thị trường mở khiến mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng neo ở mức cao, bình quân khoảng 4,2%/năm đối với lãi suất cho vay qua đêm đối với tiền đồng trong hai tuần cuối tháng 4.
Thứ ba, mặt bằng lãi suất trên thị trường mở nhích lên cùng với lãi suất huy động tăng trở lại cũng tác động đến kỳ vọng về tỷ giá. Kịch bản kiểm soát đà mất giá tiền đồng ở mức 5% có thể giữ được trong ngắn hạn, tuy nhiên, biến số về triển vọng lãi suất của Fed và khả năng đồng USD phục hồi vẫn đang khiến cho rủi ro mất giá tiền đồng vẫn hiện hữu.
Sau hành động can thiệp để kiểm soát đà mất giá của tiền đồng là lãi suất huy động đã tăng trở lại từ vùng đáy. VDSC cho rằng mặt bằng lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 50-100 điểm cơ bản từ vùng đáy, tuỳ kỳ hạn và nhóm ngân hàng.
"Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng cũng như diễn biến chính sách tiền tệ của Fed", các chuyên gia phân tích từ VDSC đánh giá.
Tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý đầu tiên đã bất ngờ yếu hơn nhiều so với dự kiến. GDP ghi nhận mức tăng là 1,6% hàng năm trong quý I/2024, thấp hơn so với mức tăng trưởng là 3,4% trong quý IV/2023 và dự báo đồng thuận là 2,4%. Tuy nhiên, đáng lo ngại là lạm phát của Mỹ vẫn khá cao, tăng 3,4% trong quý I năm 2024, gần gấp đôi tốc độ của quý trước là 1,8%.
Kết quả cuộc họp tháng 5/2024 cho thấy Fed có vẻ như muốn nới lỏng các điều kiện tài chính và ngăn chặn tình trạng cạn kiệt thanh khoản, điều này cũng báo hiệu chính sách tiền tệ ôn hòa hơn so với dự đoán của thị trường. Tuy nhiên, rủi ro nghiêng về việc Fed sẽ trì hoãn việc cắt giảm hơn nữa do lạm phát ở Mỹ không giảm như kỳ vọng.