Sống

Tắm đêm, thức khuya có dẫn đến đột quỵ?

Tóm tắt:
  • Thức khuya, tắm đêm không trực tiếp gây đột quỵ, nhưng có thể làm trầm trọng bệnh nền như tăng huyết áp.
  • Người khỏe mạnh không bị ảnh hưởng nhiều, còn người có bệnh nền nguy cơ đột quỵ tăng rõ rệt.
  • Đột quỵ là nguyên nhân tử vong hàng đầu, liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ như hút thuốc, rượu, chế độ ăn.
  • Việt Nam có tỷ lệ đột quỵ cao, chủ yếu liên quan đến tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu.
  • Việc xử lý kịp thời trong "giờ vàng" là chìa khóa giảm thiệt hại, nhưng đa số bệnh nhân đến muộn.

Tại hội thảo Phòng chống đột quỵ do Báo Tiền Phong tổ chức mới đây, nhiều sinh viên đặt câu hỏi cho các chuyên gia rằng: “Tắm đêm, thức khuya có gây đột quỵ không?”.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ, thời còn là sinh viên, ông cũng từng thức ba ngày liên tục để ôn thi. Chuyện học bài khuya là điều gần như sinh viên nào cũng trải qua.

“Việc tắm khuya không trực tiếp gây đột quỵ nhưng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh lý nền như tăng huyết áp. Nếu một người có bệnh nền như cao huyết áp mà không uống thuốc đầy đủ, lại thức khuya, tắm khuya thì nguy cơ đột quỵ sẽ tăng lên rõ rệt. Còn với người không có bệnh nền, cơ thể khoẻ mạnh thì các yếu tố này không gây ảnh hưởng”, BS Thắng nói.

Bác sĩ không khuyến khích sinh viên duy trì thói quen thức khuya, vì thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ và hiệu suất học tập. Thay vì vậy, sinh viên hãy ngủ sớm, dậy sớm để học bài. Đó cũng là một phương pháp học tập hiệu quả, giảm các nguy cơ bệnh tật khác.

PGS.TS.BS. Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 lý giải việc thức khuya, tắm đêm không ảnh hưởng nhiều đến người khỏe mạnh. (Ảnh: Đại Việt)

PGS.TS.BS. Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 lý giải việc thức khuya, tắm đêm không ảnh hưởng nhiều đến người khỏe mạnh. (Ảnh: Đại Việt)

TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, trong các bệnh không lây nhiễm, đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Năm 2021, toàn thế giới có 12,2 triệu ca đột quỵ mắc mới. Trung bình cứ 3 giây lại có một ca đột quỵ mới, cứ 4 người lại có một người bị đột quỵ.

10 yếu tố hàng đầu gây đột quỵ trên thế giới gồm hút thuốc lá, chế độ ăn uống không hợp lý, sử dụng đồ uống có cồn, ít hoạt động thể lực, ô nhiễm không khí, tăng cholesterol, đường huyết lúc đói cao, rối loạn chức năng thận.

Theo ông Khoa, chi phí khám, chữa đột quỵ toàn cầu là hơn 890 tỷ USD chiếm 0,66% tổng GDP. Sự gia tăng đột quỵ là thách thức lớn đối với các hệ thống y tế thế giới. Trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ đột quỵ cao nhất. Tỷ lệ mắc đột quỵ là 415/100.000 người.

TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế. (Ảnh: Đại Việt)

TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế. (Ảnh: Đại Việt)

Kẻ thù của đột quỵ là thuốc lá, rượu bia

TS.BS Nguyễn Tất Đạt, khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế tại Việt Nam, với hơn 200.000 ca mắc mới mỗi năm.

Thống kê tại Việt Nam cho thấy, hơn 72% bệnh nhân đột quỵ gặp tình trạng tăng huyết áp, gần 65% rối loạn mỡ máu, hơn 53% có tiền sử uống rượu và hơn 49% từng hút thuốc lá. Đây là những con số đáng báo động về tình trạng sức khỏe cộng đồng hiện nay.

"Bệnh đặc biệt nguy hiểm ở người trên 60 tuổi và ở nhóm người trên 75 tuổi, nguy cơ tử vong sau đột quỵ cao gấp ba lần”, BS Đạt nói.

Luật sư Nguyễn Vinh Tường chia sẻ, các chuyên gia, bác sĩ đều khuyến cáo hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. Từ 2005, nước ta đã ban hành Nghị định đầu tiên về thuốc lá. Đến 2025, chúng ta có hơn 20 Luật, Nghị định điều chỉnh quy định về hút thuốc lá.

Đặc biệt, Thông tư 11/2023 của Bộ Y tế cũng có một chương điều chỉnh về thuốc lá. Thuốc lá không chỉ gây nguy hiểm cho người hút mà còn ảnh hưởng đến người ngửi khói thuốc lá. Tuy nhiên, ngành y tế chưa có báo cáo chi tiết về hiệu quả phòng chống, xử phạt việc hút thuốc lá.

“Hiệu quả việc cấm sử dụng thuốc lá hiện nay chưa hiệu quả, chỉ quy định cho có. Hầu hết bệnh viện đều có bảng cấm hút thuốc nhưng ở trong các ngõ ngách đều có mẩu thuốc lá mà không ai bị nhắc nhở, lập biên bản. Hiện, mức phạt cao nhất đối với cá nhân chỉ 500.000 đồng, tổ chức là 10 triệu đồng nên không đủ sức răn đe”, luật sư Tường nói.

Hội thảo Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động do Báo Tiền Phong tổ chức ở TP.HCM thu hút hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý. (Ảnh: Đại Việt)

Hội thảo Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động do Báo Tiền Phong tổ chức ở TP.HCM thu hút hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý. (Ảnh: Đại Việt)

Tiếp nối phần chia sẻ của luật sư Tường, TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP.HCM cho rằng, tất cả bệnh viện, trường học và nhiều nơi khác đều có bảng cấm hút thuốc lá. Tuy nhiên, khi gặp người hút thuốc lá thì chúng ta cũng không thể làm gì vì đa phần đều không có chức năng xử lý người hút thuốc.

“Giờ vàng” chữa đột quỵ

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cho biết, đột quỵ không phải là căn bệnh "trời kêu ai nấy dạ". 90% các bệnh nhân đột quỵ đều có yếu tố nguy cơ. Do đó, việc tốt nhất là kiểm soát yếu tố nguy cơ.

BS Thắng chia sẻ, Bệnh viện Nhân dân 115 từng tiếp nhận một bé gái 14 tuổi. Bệnh nhân ở cách TP.HCM khoảng 30 km, không có tiền sử bệnh, đột ngột yếu liệt nửa người bên trái.

Ban đầu, bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Y tế huyện cách nhà 2 km. Đơn vị y tế này nghi ngờ đột quỵ nên chuyển lên bệnh viện tỉnh cách đó 5 km. Sau đó, bệnh viện tỉnh chụp CT, chẩn đoán đột quỵ mới chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115.

“Khi chúng tôi tiếp nhận, thời gian kéo dài 24 tiếng. Bệnh nhân đã chết não nên chúng tôi không thể làm gì thêm. Nếu cô bé được chuyển đến chúng tôi ngay từ đầu thì đã khác. Chúng ta cần đưa bệnh nhân đến trung tâm điều trị ngắn nhất. Thực trạng ở Việt Nam là 80% bệnh nhân khi đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa điều trị đột quỵ đã vượt quá khoảng thời gian vàng (4,5 giờ)”, BS Thắng nói.

BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP.HCM chia sẻ, đột quỵ không phân biệt tuổi tác, giới tính hay địa vị xã hội. Nhiều doanh nhân trẻ, người nổi tiếng, vận động viên thể thao đã bất ngờ gục ngã vì đột quỵ khi chưa kịp nhận biết triệu chứng hoặc xử trí đúng cách. Đây không phải là vấn đề số phận, mà là hệ quả tất yếu từ lối sống thiếu khoa học, chủ quan với các yếu tố nguy cơ và đặc biệt là thiếu kiến thức cộng đồng về đột quỵ.

Có 3 dấu hiệu nhận biết đột quỵ gồm: mặt méo, yếu/liệt tay chân, nói khó. Hậu quả sau đột quỵ: 30% để lại di chứng nhẹ, độc lập; 40% để lại di chứng trung bình, tàn phế, phụ thuộc một phần; 30% tàn phế nặng, phụ thuộc, sống thực vật, tử vong.

“Giờ vàng” là yếu tố sống còn, có vai trò cực kỳ quan trọng. Mỗi phút trôi qua trong cơn đột quỵ, người bệnh có thể mất 2 triệu tế bào thần kinh.

Trong khoảng thời gian 3-6 giờ đầu kể từ khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến cơ sở y tế chuyên sâu và điều trị kịp thời bằng thuốc tiêu sợi huyết (IV rTPA) hoặc can thiệp nội mạch lấy huyết khối thì khả năng phục hồi hoàn toàn có thể lên đến 90%.

BS Cường dẫn chứng, mới đây, một bệnh nhân nam (44 tuổi, quê Đồng Tháp) đột ngột ngã quỵ lúc 9h sáng, sau đó được chuyển đến bệnh viện tuyến dưới và cuối cùng vào đến Bệnh viện S.I.S Cần Thơ vào khoảng 13h cùng ngày. Nhờ chẩn đoán đúng và can thiệp bằng thuốc tiêu sợi huyết kịp thời, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng chỉ sau vài giờ - một minh chứng rõ ràng cho hiệu quả điều trị trong “giờ vàng”.

Các tin khác

Tỷ phú Elon Musk lại nhận tin buồn

Sự sụt giảm mạnh về doanh số, lo ngại từ nhà đầu tư về hình ảnh thương hiệu và tác động từ chính trị đang phủ bóng lên tương lai của hãng xe điện Tesla.

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam

VietinBank tự hào được vinh danh “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam” trong 5 năm liên tiếp, khẳng định vị thế tiên phong trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam. VietinBank không ngừng đổi mới và cung cấp các giải pháp tài chính tối ưu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng doanh nghiệp.

Ở tuổi 40, tôi chọn chi tiêu tối giản và 12 mẹo nhỏ này giúp cuộc sống nhẹ tênh, ví tiền dày hơn mỗi tháng

Từng loay hoay với một căn nhà đầy đồ và tâm trí rối bời vì “cái gì cũng cần”, chị Hòa – 40 tuổi ở TP.HCM – chia sẻ hành trình chọn sống tối giản với 12 mẹo nhỏ nhưng hiệu quả bất ngờ, giúp chị cảm thấy nhẹ lòng và tài chính cũng khởi sắc thấy rõ.

Miền Bắc, miền Trung nắng nóng đỉnh điểm

Hôm nay và ngày mai (21-22/4) là đỉnh điểm đợt nắng nóng đang diễn ra ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung với nhiệt độ dự báo cao nhất miền Bắc từ 35-37 độ, miền Trung 36-38 độ. Nhiệt độ thực tế có thể cao hơn 2-4 độ. Chỉ số tia UV ở ngưỡng rất có hại. Các khu vực khác trên cả nước hôm nay cũng chìm trong nắng nóng.

BVĐK Tâm Anh, VNVC xây dựng mạng lưới thông tin y tế chuẩn khoa học với hàng nghìn chuyên gia trên TikTok

Nội dung thông tin y tế chính thống, chuẩn khoa học gắn với hashtag #TikTokForHealth được xây dựng bởi đội ngũ chuyên gia, bác sĩ uy tín ở nhiều lĩnh vực khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe đến từ Hệ thống BVĐK Tâm Anh và Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC sẽ ra mắt trong năm nay.

Nữ tỷ phú trẻ tuổi vừa "soán ngôi" ca sĩ Taylor Swift là ai?

Mặc dù đã rời khỏi startup trí tuệ nhân tạo Scale AI từ nhiều năm trước, Lucy Guo vẫn là nhà đồng sáng lập và hiện còn nắm giữ cổ phần tại công ty này. Ở tuổi 30, cô đã trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới, vượt qua cả ca sĩ Taylor Swift.